Thông tin tại hội thảo “Xu hướng An toàn thực phẩm toàn cầu và giải pháp gia tăng xuất khẩu cho DN Việt” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức, các chuyên gia cho biết vấn đề an toàn thực phẩm dưới đạo luật FSMA ngày một khắt khe hơn. Các doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt với nhiều cuộc kiểm tra hơn và phải tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn cho sản phẩm.
Đáng nói hơn, Đạo luật này sẽ được áp dụng hoàn toàn từ tháng 6/2017 nên nhiều DN đang lo ngại Đạo luật tác động không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang rất nỗ lực xây dựng hình ảnh trên thị trường quốc tế. Ảnh minh hoạ
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Traceverified dẫn chứng hình ảnh con cá tra Việt Nam lao đao tại thị trường Mỹ để minh chứng cho sự khắt khe của thị trường Hoa Kỳ. Và để xuất khẩu được cá tra vào thị trường này, bản thân các DN Việt Nam đã rất cố gắng trong suốt thời gian qua nhằm xây dựng hình ảnh cho cá tra Việt Nam.
Theo bà Minh, đối với cá tra - Hoa Kỳ đưa ra nhiều quy định không phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cụ thể là việc di chuyển cá từ nơi nuôi đến nhà máy chế biến họ bắt buộc phải dùng xe. Tuy nhiên điều kiện vùng nuôi cá ở Việt Nam là sông nước do đó các DN đã phải đưa ra sáng kiến vận chuyển bằng thuyền thông thủy đến tận cửa nhà máy mới vớt cá lên để đưa vào chế biến, như vậy cá vẫn sống bơi lội hoàn toàn đến bàn chế biến.
Tiếp đó, họ yêu cầu mỗi công ty phải có 1 người của cơ quan Nhà nước túc trực 24/24 tại nhà máy để giám sát... Ngoài ra, phía Hoa Kỳ mỗi khi thay đổi chính quyền là mọi kết quả đạt được từ những cố gắng thương thảo trước đó gần như bị bỏ đi. Với chính quyền mới lên mọi quy định lại thay đổi hoàn toàn.
Ông Rick Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn Thực phẩm toàn cầu (GFSF) - cho rằng, nếu các DN không đáp ứng đủ các quy định của đạo luật mới về an toàn vệ sinh thực phẩm này thì sẽ bị buộc hoàn xuất, xử lý lô hàng. Do đó, các DN nên đầu tư cho việc xây dựng chất lượng cho sản phẩm, không thể cạnh tranh bằng giá như trước đây mà thay vào đó phải nên cạnh tranh bằng các quy định của thị trường, của các quy định tiêu chuẩn quốc tế. Tùy theo điều kiện của mình mà các DN chọn cách liên doanh liên kết phù hợp để nâng cao năng lực trong xuất khẩu.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, dù mọi nỗ lực của các cơ quan, tổ chức nhưng DN không nỗ lực thì kết quả cũng là con số không. DN chính là nhân vật chính trong việc cải thiện các vấn đề, nhất là việc chất lượng của sản phẩm mà mọi người làm ra.
Bởi thực tế cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã có đến 23 cuộc cảnh báo nhập khẩu mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa lên website của đơn vị này đối với các DN Việt Nam. Do đó, các DN muốn tham gia cuộc chơi xuất khẩu thì phải tuân thủ, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của các thị trường.
Minh Long (Báo Công Thương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.