Tủ thờ Gò Công - nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Gò Công đã hơn 100 năm
Tủ thờ Gò Công - nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Gò Công đã hơn 100 năm
Thứ ba, ngày 06/06/2023 18:53 PM (GMT+7)
Từ lâu, tủ thờ Gò Công và những sản phẩm bàn ghế, trang trí nội thất của làng nghề đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng và tin dùng.
Ông Ba Đức bên một chiếc tủ thời "đặc sản Gò Công." (Nguồn: Tạp chí điện thử Nông thôn Việt)
Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, là một trong những đô thị có bề dày văn hóa, lịch sử từ lâu đời.
Nơi đây, có làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công tuổi đời trên 100 năm hết sức nổi tiếng. Làng nghề tủ thờ Gò Công nằm trên địa bàn ấp Ông Non và ấp Sơn Quy B, xã Tân Trung, trên diện tích khoảng 600ha.
Khởi thủy, tại đây quy tụ nhiều thợ thủ công chuyên nghề đóng đồ mộc mà sản phẩm tiêu biểu nổi tiếng khắp vùng là chiếc tủ thờ đóng bằng những loại gỗ quý rất được người dân ưa chuộng bày trí trong nhà.
Chiếc tủ thờ mang kiểu dáng đặc trưng riêng từ vùng Gò Công sản xuất với mặt trước tủ chạm hai hàng chuỗi khít nhau tạo dáng 2 cánh cửa tượng trưng, mỗi hàng chạm khắc, cẩn ốc xà cừ... theo những hình vẽ trang trí mà mỗi hình là một câu chuyện kể về tuồng tích xưa rất tinh xảo, mỹ thuật.
Từ lâu, tủ thờ Gò Công và những sản phẩm bàn ghế, trang trí nội thất của làng nghề đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng và tin dùng.
Theo ông Huỳnh Văn Lâu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Gò Công, làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công đã được công nhận là 1 trong 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh.
Thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Gò Công, toàn làng nghề có 440 hộ chuyên đóng, sản xuất, kinh doanh tủ thờ Gò Công và các sản phẩm gia dụng, trang trí nội thất bằng gỗ chất lượng, thẩm mỹ và đắc dụng. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động lành nghề với mức thu nhập bình quân từ 4-12 triệu đồng/người/tháng tùy theo công đoạn làm việc.
Đi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng khả năng cạnh tranh của nghề mộc nói chung bắt nhịp cùng công cuộc đổi mới và hội nhập nên ngoài đóng tủ thờ, các cơ sở còn sản xuất các loại tủ, bàn, ghế gia dụng chất lượng cao, kiểu dáng đặc sắc đáp ứng nhu cầu thị trường. Người tiêu dùng đến mua tủ thờ còn có thể chọn những món đồ trang trí nội thất đi kèm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp... thật tiện lợi, mà chủ cơ sở có thêm nguồn thu để "nuôi" nghề truyền thống của mình.
Từ khi được công nhận Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công vào năm 2003, tỉnh đã xây dựng và triển khai ngay Đề án Phát triển làng nghề, tập trung các nguồn lực kiến thiết hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, tạo điều kiện mở rộng nghề đóng tủ thờ Gò Công một cách căn cơ. Qua đó, địa phương đã đầu tư 2,7 tỷ đồng xây dựng 7 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, đầu tư gần 300 triệu đồng lắp đường điện 3 pha dài 1,5km, hàng chục triệu đồng xây cổng làng nghề....
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, khuyến khích các hộ ngành nghề tập hợp vào làm ăn theo con đường hợp tác kiểu mới, khuyến khích bà con đưa sản phẩm tủ thờ tham gia triển lãm và xúc tiến thương mại tại các hội chợ thương mại quan trọng do Nhà nước tổ chức.
Tận dụng thời cơ, các cơ sở đóng tủ thờ Gò Công ở làng nghề tích cực đầu tư máy móc cơ giới hóa các khâu sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu tủ thờ Gò Công và đa dạng hóa sản phẩm đồ gỗ gia dụng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau 20 năm được công nhận làng nghề tiêu biểu tỉnh Tiền Giang, làng nghề tủ thờ Gò Công hiện đang có bước phát triển mạnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội tại thị xã Gò Công nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung.
Bình quân mỗi tháng, làng nghề tủ thờ Gò Công cung ứng thị trường 720 sản phẩm, giá trị khoảng 14,4 tỷ đồng. Sự phồn thịnh của làng nghề là một trong những yếu tố giúp Tân Trung hoàn thành và ra mắt xã nông thôn mới năm 2016, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Chiếc tủ thờ Gò Công ngày nay được các thợ thủ công lành nghề tiếp tục cách tân cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, áp dụng cơ giới và máy móc cùng những tiến bộ mới thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất giúp rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm, giảm bớt lao động thủ công, kiểu dáng thay đổi ngày càng đẹp hơn.
Gần như toàn bộ các khâu cưa, xẻ, bào, tiện gỗ, lộng và cẩn ốc... đều sử dụng máy móc chuyên dùng thay cho sức người. Về thời gian, trước đây lao động thủ công phải sau 3 tháng mới đóng xong một chiếc tủ, còn ngày nay, nhờ cơ giới hóa ở các khâu công việc trọng yếu nên chỉ mất 10 ngày. Kiểu dáng thì từ chiếc tủ khởi thủy chỉ có 2-3 trụ đứng ở mặt trước, thời gian về sau, các nghệ nhân cải biên phù hợp nhu cầu thị trường với rất nhiều trụ trang trí mặt trước, có khi đến 21 trụ tùy theo nhu cầu người dùng với các bộ đũa, chỉ đắp hoa mỹ.
Quy trình đóng tủ thờ Gò Công gồm nhiều công đoạn như làm khuôn tộ, khuôn thùng, mé hông, khuôn cửa tiền, chân quỳ, chỉ đắp... ngày càng được cải tiến theo hướng chuyên biệt và cơ giới hóa. Những thế hệ về sau chăm chút để chiếc tủ thờ không chỉ là một vật dụng cần thiết trong gia đình mà còn trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Trang trí chiếc tủ thờ thêm đẹp không chỉ dừng lại ở khung cửa tiền mà còn được mở rộng đến cả chân quỳ, cánh cửa... Nếu ngày trước, người thợ đóng tủ thờ Gò Công chủ yếu cẩn bông dâu ở cửa tiền, nay họa tiết đã rất phong phú với các đề tài hay điển tích được lấy từ văn học cổ Trung Hoa như "Bách tiên kỳ thú," "Nhị thập tứ hiếu," "Bát tiên quá hải," "Long phụng quần hào."
Tương tự, mặt tủ cũng cẩn trai hoặc ốc xà cừ sáng lấp lánh thể hiện những phong cảnh, sự tích, điển tích cổ vừa thẩm mỹ vừa mang tính giáo dục cao. Kỹ thuật cẩn, khảm tỉ mỉ, kỹ thuật chạm, khắc gỗ công phu, đã tạo nên nét tinh tế cho chiếc tủ thờ Gò Công.
Trình độ chế tác công phu, tinh xảo, tủ thờ có giá trung bình từ 10 triệu đồng/chiếc đến vài trăm triệu/chiếc tủ. Nghệ nhân Ngô Tấn Đức, chủ sở hữu chuỗi cơ sở đóng tủ thờ Gò Công mang tên Ba Đức, cho biết bản thân ông trước đây từng đóng một chiếc tủ thờ 30 trụ, giá bán 750 triệu đồng theo yêu cầu của một khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ của sản phẩm tủ thờ Gò Công rất rộng; trong nước gồm miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh... Thị trường xuất khẩugồm Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Australia....
Kinh tế phát triển, đời sống và thu nhập người dân nâng lên, hàng loạt ngôi nhà mới, kiến trúc tân kỳ mọc lên sau những vụ mùa bội thu là cơ hội "có một không hai" cho làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công mạnh mẽ chiếm lĩnh thị trường - bởi ai cũng vậy, luôn mong ước mua được một chiếc tủ thờ bày trí nơi trang trọng trong ngôi nhà mới xây của mình để thờ phụng tổ tiên.
Ông Nguyễn Trung Khánh, chủ cơ sở đóng tủ thờ Gò Công Ba Đức 2, cho biết nếu trước đây, chiếc tủ thờ Gò Công truyền thống mẫu mã khá đơn giản, ít trụ trang trí mặt trước, ngày nay người thợ thủ công đã tạo thêm nhiều mẫu mã mới theo hướng cách tân, hiện đại, tăng lên nhiều trụ, hoa văn đa dạng nhưng vẫn giữ những nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Theo đó, chiếc tủ thờ Gò Công đương đại có nhiều trụ, mẫu mã càng đẹp, tinh xảo và cầu kỳ thì giá trị càng cao. Nếu trước đây, tủ thờ Gò Công truyền thống chỉ có 4-6 trụ, hiện nay, có chiếc tủ thờ được đóng đến 21 trụ và giá trị lên đến hàng tỷ đồng/chiếc.
Theo ông Khánh, chủ cơ sở Ba Đức 2, gia đình ông có truyền thống nhiều đời đóng và kinh doanh tủ thờ Gò Công cha truyền con nối. Nếu tính đến đời ông, nghề truyền thống đóng tủ thờ Gò Công của gia đình đã truyền đến đời thứ tư, thứ năm.
Với chuỗi 9 cơ sở đóng tủ thờ mang thương hiệu Ba Đức (từ Ba Đức 1 đến Ba Đức 9) và nhiều chi nhánh trải khắp trong ngoài tỉnh Tiền Giang, chuỗi cơ sở đóng tủ thờ Gò Công Ba Đức nổi tiếng nhất làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công hiện nay. Chỉ riêng chuỗi cơ sở Ba Đức đã thu hút hàng trăm lao động làng nghề.
Ngoài ra, còn phải kể đến các thương hiệu khác cũng nổi danh không kém của làng nghề như doanh nghiệp tư nhân Hai Á, doanh nghiệp tư nhân gỗ Phát Lộc, doanh nghiệp tư nhân Phát Minh Hưng, Hữu Kỳ, Thành Châu, Tuấn Khanh, Quốc Thanh.
Theo lãnh đạo thị xã Gò Công, bắt nhịp cơ chế thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới để phát triển bền vững là định hướng chiến lược của làng nghề tủ thờ trên 100 năm tuổi ở Tiền Giang. Qua đó, sự thăng hoa và tỏa sáng nghề làm tủ thờ Gò Công còn thiết thực giúp thị xã Gò Công phát huy tốt các tiềm lực kinh tế-xã hội xây dựng quê hương đẹp giàu.
Để đạt mục tiêu, thị xã Gò Công tích cực hỗ trợ làng nghề phát huy nghề truyền thống độc đáo và đặc sắc của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động trên các mặt như hỗ trợ làng nghề mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới dây chuyền công nghệ, cơ giới hóa các khâu sản xuất; hỗ trợ vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất-kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động.
Mặt khác, thị xã Gò Công đang quy hoạch lại vùng sản xuất; tiến tới hình thành các khu sản xuất tập trung gắn với giải quyết ô nhiễm, bảo vệ môi sinh môi trường…
Ngoài ra, chú trọng liên kết giữa khôi phục và phát huy nghề đóng tủ thờ Gò Công truyền thống với khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, giúp làng nghề tủ thờ Gò Công phát triển bền vững trong giai đoạn mới./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.