Từ thương vụ Sabeco: Ở lằn ranh được - mất

Thứ bảy, ngày 23/12/2017 09:30 AM (GMT+7)
“Tại phiên đấu thầu được tổ chức vào chiều nay, 18.12, bộ Công thương chào bán 343.662.587 cổ phần của Sabeco, với mệnh giá 320.000 đồng/cổ phần, gần 54% vốn của Sabeco…”. Tôi đọc tin sốt dẻo này vào lúc gần cuối buổi chiều từ màn hình tivi (khi ngồi chờ mấy anh bạn Thái Lan và Singapore để bàn một chương trình hợp tác) ở quán càphê Starbucks trên đường Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP.HCM).
Bình luận 0

Hai người bạn của tôi đến kịp lúc bản tin bán cổ phần Sabeco vẫn còn. Cả ba người hăng hái trao đổi. Anh bạn Thái Lan hỏi: “Vì sao một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang rất mạnh chiếm tới 40% thị phần ngành bia lại phải quyết định bán? Ở Việt Nam, con số các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mà chiếm được thị phần 40% là rất hiếm. Sabeco không ngán Heineken, Tiger, Sapporo, lại được người tiêu dùng Việt ủng hộ, sao không coi Sabeco là một “thương hiệu quốc dân”?

img

Đành rằng, khi đã bán phải thu được nhiều tiền, nhưng có những ưu tiên khác cần đưa lên bàn cân “cân đo đong đếm” trước khi rung chuông…

Tôi lặng lẽ nghĩ về nhiều năm liền dốc sức vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nay đem bán thương hiệu Bia Sài Gòn. Tôi giải thích: “Hiện nay chúng tôi cần tiền, còn bia đâu phải là ngành then chốt”. Anh bạn Thái phản bác: “Tại sao các bạn không tính khác đi. Hãy bỏ ra vài triệu USD để thuê CEO và đội ngũ quản lý giỏi, Sabeco sẽ tiếp tục thắng lợi lớn hơn, phát triển tốt hơn vì thị trường nội địa ủng hộ hết lòng. Các bạn thu được gấp nhiều lần hiện nay mà vẫn giữ nguyên thương hiệu lớn”.

Chưa kịp nói gì thêm, anh bạn Singapore nêu câu hỏi hơi kỹ thuật: “Phía Vietnam Beverage (thực chất là của ông chủ Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi) nắm gần 54% cổ phần, phía Việt Nam nắm chưa tới 46% cổ phần, nghĩa là người Thái đã thành “ông chủ”, còn Việt Nam là người giúp việc. Nếu vẫn bán Sabeco mà giữ tỷ lệ 51% có được không?”.

Tôi có đọc ý kiến của một chuyên gia tài chính, bà Phương Thơ của Morgan Stanley, hầu hết các nước trên thế giới có nền kinh tế giàu mạnh đều có những cái tên thương hiệu do quốc gia ấy sở hữu đứng ở hàng đầu, đại diện cho nền kinh tế và sức mạnh quốc gia. Như với Hàn Quốc, có những doanh nghiệp tư doanh lẫn quốc doanh là Samsung Electronics, Hyundai Motor, Posco, Korea Electric Power, Shinhan Bank… Kể cả khi cổ phần, Chính phủ Hàn Quốc vấn nắm giữ trên 51% của tập đoàn Điện lực Kepco (quốc doanh) để kiểm soát thương hiệu do người Hàn Quốc làm chủ.

Như vậy, nên bán doanh nghiệp cho người Việt, dù tư nhân, thay vì bán hết cho nước ngoài? Chúng ta cũng cần biết rằng, động thái của ông chủ mới của Sabeco là nằm trong chính sách lâu dài (tấn công thị trường Việt Nam) của Chính phủ Thái. Từ tháng 4.2016, Chính phủ Thái đã công bố một chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn với bộ Thương mại và các ngân hàng lớn, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan. Những doanh nghiệp lớn, dự kiến tham gia như: Berli Jucker (BJC), SCG và Srithai Superware. Trong đó, BJC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan khai thác thị trường Việt Nam. Cần nói thêm, BJC là chủ của hệ thống Metro Cash&Carry và vừa mua Sabeco.

Cũng vào thời điểm đó, tại hội nghị về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói: “Một số doanh nghiệp đã phải bán lại cho doanh nghiệp FDI, vì môi trường kinh doanh bất định. Đây là lỗi của cơ quan nhà nước, vì đã không tạo được môi trường kinh doanh có thể tiên liệu được”.

Trong một bản tin ngắn của AFP có nêu ý kiến một chuyên gia nghiên cứu tài chính về việc đưa ra giá thầu Sabeco quá cao, còn thời gian chuẩn bị để công bố phiên đấu thầu quá ngắn, đã làm các nhà đầu tư trong nước không đủ thời gian đấu thầu. Đành rằng, khi đã bán phải thu được nhiều tiền, nhưng có những ưu tiên khác cần đưa lên bàn cân “cân đo đong đếm” trước khi rung chuông…

Thoái vốn hết ra khỏi DNNN là đúng. Giữ gìn những thương hiệu mạnh nhất cho quốc gia, cho nền kinh tế lâu dài, tận dụng thế mạnh một thị trường tiêu thụ nội địa đông dân mà nhiều nước ao ước, cũng không sai. Khi thương hiệu “Bia Sài Gòn” thành bia Thái, bia Chang, không thể không có sự thối động trong hàng ngũ các thương hiệu Việt Nam, đang hết sức nỗ lực vùng vẫy để đứng vững, vươn lên… Có ý kiến cho rằng, phải ủng hộ nhà nước thoái vốn khỏi các DNNN. Phải chăng ý kiến này muốn nói rằng, hơn mười năm qua, Nhà nước dành hết nguồn lực cho DNNN, nên không còn lực để chăm lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân? Khi DNNN quản lý kém, tham nhũng tràn lan, mất vốn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ bị cầm chân, không phát triển đúng mức, suy yếu dần; cũng là lúc chưa có lực lượng doanh nghiệp Việt đủ mạnh, để cạnh tranh tại chính thị trường nội địa, nói gì bước ra thế giới.

Với thương vụ Sabeco, có thể mừng vì mức thu lớn từ số tiền đầu tư của người Thái. Chúng ta không thương tiếc thuần cảm xúc hay tự ái phi kinh tế, phi hội nhập. Nhưng chính hội nhập đang buộc các nhà quản lý, các doanh nghiệp phải nghĩ theo tầm chiến lược hơn, xa hơn, tổng thể hơn và giải các bài toán ngắn hạn. Nhưng cũng chú ý bài toán dài hạn với trách nhiệm và bản lĩnh, vì phát triển bền vững của nền kinh tế.

Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem