Từ vụ bắt ông Trịnh Văn Quyết: Người giúp sức bị xử lý hình sự trong trường hợp nào?
Từ việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt: Người thân giúp sức bị xem xét xử lý hình sự trong trường hợp nào?
Nguyễn Đức - Đình Việt
Thứ tư, ngày 30/03/2022 15:31 PM (GMT+7)
Một số cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết với ông Trịnh Văn Quyết được cơ quan chức năng cho rằng có thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả. Những người này có thể bị xem xét xử lý thế nào?
Người giúp sức cho ông Quyết có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Hoàng Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an ra Quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán là có căn cứ bởi lẽ, trong thời gian qua, ông Quyết có liên quan đến nhiều hành vi sai phạm trong hoạt động chứng khoán, gây thiệt hại nặng nề cho rất nhiều nhà đầu tư.
Theo thông tin từ báo chí, từ tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/01/2022, ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu mà không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Để thực hiện hành vi này, ông Quyết tiếp tục chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá".
Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao và bán chui toàn bộ cổ phiếu. Sau đó, ông Quyết tiếp tục giao cho các cá nhân khác sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả.
Như vậy, theo luật sư Giang, qua quá trình điều tra, nếu có căn xác định các cá nhân khác có hành vi thông đồng, giúp sức cho ông Quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì sẽ có đủ cơ sở để khởi tố các cá nhân này về tội danh tương tự với vai trò đồng phạm.
Nếu như bị xử lý về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" theo quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015, những người vi phạm có thể phải chịu mức hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 7 năm tù.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật hình sự người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức, trong đó người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Do đó, trong vụ án này, cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ hành vi của từng cá nhân có liên quan, xác định vai trò đồng phạm của từng cá nhân để làm căn cứ quyết định mức hình phạt của người phạm tội sau này. Trong trường hợp kết tội các bị cáo trong vụ án có đồng phạm, tòa án sẽ áp dụng hình phạt trên cơ sở xác định vai trò đồng phạm. Người được xác định là chủ mưu sẽ bị mức án nghiêm khắc hơn.
Công an sẽ làm rõ chủ mưu
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, trong trường hợp mở rộng điều tra vụ án cơ quan điều tra xác định còn có các đồng phạm khác, khởi tố thêm các tổ chức, cá nhân khác về tội danh này hoặc có thêm tội danh khác thì tính chất của vụ việc sẽ rất nghiêm trọng. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng sẽ làm rõ xem ai là chủ mưu, ai là người giúp sức…
Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy ngoài ông Quyết còn có các tổ chức, cá nhân khác cùng ông quyết thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì các tổ chức, cá nhân này cũng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 211 Bộ luật hình sự 2015 về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Tội danh này có thể áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân thương mại. Với pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt lên đến 10.000.000.000 đồng. Với cá nhân có thể bị phạt lên đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù lên đến 07 năm tù.
Ngoài tội danh đã bị khởi tố, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy bị can còn phạm tội khác hoặc có người khác phạm tội khác thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục khởi tố thêm vụ án hình sự, khởi tố bị can về các tội danh theo nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, hành vi vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.
"Trong vụ án này có đồng phạm thì người chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, không ăn năn hối cải sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc. Còn đối với người phạm tội giúp sức thứ yếu sẽ được khoan hồng, được áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn", luật sư Cường nói.
Như Dân Việt đưa tin, chiều 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty CP tập đoàn FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.