Từ vụ 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố: Đồng phạm là gì?
Từ vụ 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố: Đồng phạm là gì?
Q.Trung
Thứ hai, ngày 12/12/2022 08:40 AM (GMT+7)
Sau vụ 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, nhiều người đặt câu hỏi, thế nào là đồng phạm trong vụ án hình sự và mức phạt của người đồng phạm có giống như mức phạt của người cầm đầu?
Công an TP.HCM cho biết kết quả điều tra mở rộng vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1, TGĐ Công ty cổ phần Đại Nam), cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, ngụ quận 12), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bình Dương) đã giúp sức tích cực cho bà Hằng, thực hiện hành vi phạm tội liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Theo cơ quan điều tra, Nhi, Hà và Tân là trợ lý của bà Hằng tại Công ty cổ phần Đại Nam, đã "thực hiện hành vi giúp sức tích cực" cho bà Hằng trong quá trình phạm tội. Việc giúp sức diễn ra liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Những người này đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok; đăng tải thời gian, chủ đề bà Hằng sẽ livestream; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để bà chủ Đại Nam livestream; đăng tải nội dung xúc phạm các nạn nhân trên trang cá nhân...
Việc giúp sức của Nhi, Hà, Tân chỉ dừng lại đến khi bà Hằng bị bắt tạm giam hồi tháng 3.
Quy định về đồng phạm trong vụ án hình sự
Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, thế nào là đồng phạm trong vụ án hình sự, mức phạt của đồng phạm có giống như mức phạt của người cầm đầu?
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Đồng phạm phân loại gồm "người tổ chức" là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. "Người thực hành" là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
"Người xúi giục" là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. "Người giúp sức" là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Điều đáng chú ý là, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành quy định tại khoản 3, 4 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015.
Vị luật sư cho biết, căn cứ vào đặc điểm mối quan hệ giữa những người đồng phạm về mặt chủ quan và khách quan, khoa học hình sự phân loại đồng phạm thành các loại khác nhau.
Cụ thể, căn cứ vào dấu hiệu khách quan, có thể chia thành đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp. Đồng phạm giản đơn là hình thức đồng phạm mà trong đó những đồng phạm đều có vai trò là người thực hành.
Đồng phạm phức tạp là hình thức đồng phạm trong đó giữa những người đồng phạm có sự phân công vai trò. Một hoặc một số người giữ vai trò người thực hành, còn những người khác giữ vai trò tổ chức, xúi giục hay giúp sức.
Trong đồng phạm phức tạp, ngoài người giữ vai trò là người thực hành, người trực tiếp thực hiện tội phạm còn có những người khác tham gia giữ các vai trò khác nhau như tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức.
Theo luật sư Khuyên, quyết định hình phạt trong trường hợp người phạm tội là đồng phạm được quy định tại Điều 58 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Từ phân tích trên, vị luật sư cho rằng, đối với việc khởi tố 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng cho thấy, cơ quan tố tụng xác định vai trò đồng phạm của 3 người này có thể là vai trò "người giúp sức" đắc lực cho hành vi phạm tội của bà Hằng.
Các bị can này chuẩn bị mọi điều kiện về không gian, bối cảnh, nội dung, cơ sở vật chất… tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, dù cùng bị khởi tố về một tội danh, nhưng nguyên tắc của Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự đó là cá biệt hóa hành vi phạm tội, các bị can thực hiện vai trò đồng phạm với tính chất, mức độ và hậu quả đến đâu, trách nhiệm hình sự sẽ đến đó.
Điều này có nghĩa là những người thực hiện hành vi với vai trò đồng phạm giúp sức như 3 trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ chịu khung hình phạt thấp hơn người đóng vai trò tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, tức là bà Hằng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.