Từ vụ án Vũ “nhôm”: Không làm tốt thì tự ta lật đổ ta!

Quốc Phong Thứ hai, ngày 20/01/2020 07:27 AM (GMT+7)
Vụ Vũ "nhôm" thâu tóm đất công giá rẻ, biến thành đất của cá nhân không chỉ là chuyện thất thoát tài sản nhà nước, mà còn là câu chuyện mất cán bộ, và cho thấy quá nhiều lỗ hổng cần sớm bịt lại từ hàng loạt quy định ngặt nghèo để kiểm soát lẫn nhau.
Bình luận 0

Hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và 19 bị cáo liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ thâu tóm 22 nhà công sản và 7 dự án bất động sản xảy ra tại TP. Đà Nẵng đã bị tuyên án. Vụ việc này đã cho thấy quá nhiều lỗ hổng về cơ chế, chính sách hạn chế hiện nay. Chính nó gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, mà suy cho cùng đều xuất phát từ chuyện Phan Văn Anh Vũ được che chở, khép kín bởi những văn bản giao dịch được đóng dấu “mật” mà kiếm bộn tiền nhà nước.

Vì là “mật” nên nhiều người dù biết vẫn không dám nói. Chỉ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi đặc biệt thì các vụ việc này mới bị lôi ra ánh sáng. 

Hàng chục dự án mà doanh nghiệp bình phong - Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 (Bộ Công an) do thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ (tức Trần Đại Vũ, tức Vũ “nhôm”) được các địa phương, từ TP. Đà Nẵng cho đến TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho 5 doanh nghiệp con của Phan Văn Anh Vũ mua không qua đấu giá nhiều bất động sản giá trị và hưởng lợi...

img

Phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ cùng 20 bị cáo khác trong vụ án thâu tóm loạt dự án bất động sản và nhà đất công sản ở Đà Nẵng gây thiệt hại cho Nhà nước gần 22.000 tỉ đồng.

Tất cả đã cho thấy một lỗ hổng chí mạng trong công tác quản lý nhà nước, trong mô hình lực lượng vũ trang làm kinh tế, nhất là lại được núp bóng “hoạt động nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia” thì thật kinh khủng. 

Chỉ khi đại án Vũ “nhôm” bị đổ bể, lôi ra ánh sáng, bàn dân thiên hạ mới biết vì sao tài sản nhà nước lọt tay tư nhân dễ đến thế.

Mọi người hẳn còn nhớ, tại cuộc họp báo ngày 15/1/2018, Trung tướng Trần Đăng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an có nói rằng, Bộ Công an sẽ làm rõ tấm thẻ ngành của Phan Văn Anh Vũ và công khai trước dư luận. 

Đến nay, lời hứa này đã tròn 2 năm, chúng ta vẫn chưa được cơ quan có trách nhiệm nào trả lời, dù phiên tòa hôm 15/1/2020 với Phan Văn Anh Vũ cũng đã kết thúc.

Nhân vật Phan Văn Anh Vũ, mà người dân Đà Nẵng quen gọi với cái tên dân dã Vũ “nhôm”, đã khiến nhiều người lo lắng và tìm cách giải mã vì sao mà anh ta lộng hành, tác oai tác quái tại mảnh đất Đà Nẵng vốn được tiếng là “năng động, sáng tạo”, rồi tiếp đó lại “Nam tiến” vào TP. Hồ Chí Minh kiếm những lô đất “vàng” với giá rẻ, không qua đấu thầu một cách quá dễ dàng. Tất cả là nhờ được trang bị những công văn đi giao dịch đóng dấu “mật” và tấm thẻ ngành oai phong lẫm liệt.

Nó đơn giản đến thế nhưng rất nhiều nơi chỉ mới nghe đã nể, đã khiếp sợ anh ta. Và nhất là nếu không có ô dù, không có cái vỏ bọc quá đẹp mã “sĩ quan tình báo cao cấp”, thì thử hỏi làm sao Vũ làm nổi!

Theo lời trình bày của Vũ ngày 5/1: “Tôi là người đi mua (ý là bất động sản), tại sao toà dùng từ kinh khủng như vậy, tôi không hiểu “thâu tóm” nghĩa là sao, “đầu cơ” nghĩa là sao”?

Có hai khả năng xảy ra trong cách trả lời này từ Vũ. Hoặc là Vũ “diễn” rất tài, rất bài bản và có cả sự thông minh vốn có của anh ta trước các cơ quan pháp luật. Hoặc là Vũ không biết mấy từ này thật do “trình” của anh ta, tuy là cán bộ cao cấp thật, nhưng tiếc rằng mới học lớp 10/12 phổ thông. Vì vậy nên anh ta lấy lý do này để tự bao biện, đổ cho người bán nếu như xem đó là có lỗi chứ không phải lỗi bên mua là anh ta?

Thật khôi hài đến vậy là cùng! 

Trong tâm trí của tôi, làm nghề tình báo phải là những người thật tài ba, giỏi giang và thông minh vô cùng thì mới có thể theo được. Sách vở nửa thế kỷ qua đã dần đi vào đầu tôi và dạy cho tôi là như thế. 

Ấy vậy mà trong chuyện thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ này có gì rất không bình thường. Làm sao ngành công an lại có thể tuyển dụng người học chưa hết phổ thông vào ngành, rồi chỉ chưa đến chục năm đã phong quân hàm lên đến thượng tá dễ đến vậy được nếu không có người chống lưng, nâng đỡ (?!).

Tôi cũng không tin lại có thể như thế, vì chí ít anh ta cũng từng qua một trường nghiệp vụ bí mật rất đặc biệt gì đó, chứ ai lại dễ dãi quá vậy khi bổ nhiệm, đề bạt như thế, coi sao được!

Mấy bữa trước, tại tòa, bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch Đà Nẵng, cựu Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) cũng đã khai rằng vì Phan Văn Anh Vũ được Bộ Công an giới thiệu là sĩ quan tình báo, nên lãnh đạo thành phố từ ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy) đến chính ông ta (Trần Văn Minh) đều  thống nhất “tạo điều kiện cho Vũ hoàn thành nhiệm vụ”.

img

2 nguyên chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Vũ "nhôm" bị đề nghị tổng cộng 68-74 năm tù.

Rồi trước đó, cựu phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng nói rằng, việc mình ký các hợp đồng cho công ty của Vũ thuê đất cũng được ngành Công an giới thiệu là để giúp cho công ty bình phong của Bộ Công an hoạt động nghiệp vụ, “đảm bảo an ninh quốc gia”.

Hãy đặt địa vị mình vào vị trí mấy ông quan địa phương nọ sẽ thấy sự khó xử, khi văn bản của Bộ Công an (hoặc Tổng cục Tình báo) luôn thòng những từ rất quan trọng: “để hoạt động nghiệp vụ tình báo”, “bảo đảm an ninh quốc gia…”.

Dù có được chia chác hay giả dụ như không hề có tẹo quyền lợi nào (dù cho rất khó tin) thì về lý, chỉ nhìn thấy văn bản ghi vậy, thử hỏi mấy ông quan nọ lại không ký, không giúp đỡ? Các ông muốn gây khó công việc bảo vệ an ninh quốc gia hay sao?

Cái vỏ bọc với những văn bản được đóng dấu “mật” như vậy quả là lợi hại vô cùng đối với các phi vụ làm ăn của Vũ “nhôm”, từ Đà Nẵng cho đến TP. Hồ Chí Minh. 

Sự “thông minh” của Phan Văn Anh Vũ, của một anh xuất thân là thợ nhôm kính với cái tên Vũ “nhôm” tinh vi là ở đó. Không một ai có thể nhòm ngó, phát giác dù có biết sự thực về y đi nữa, có lẽ cũng bởi chính vỏ bọc này.

Chỉ con số thất thoát trong các dự án của Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng không thôi, theo bản án toà tuyên đã là khoảng 22 nghìn tỷ đồng, chưa tính mấy vụ tại TP. Hồ Chí Minh.

“Cáo mượn râu hùm” cũng phần nào xuất phát từ những cách làm khó hiểu như thế này. Nó đã khiến ngân sách nhà nước trong phút chốc hao tổn ghê gớm thế nào khi rơi vào tay cá nhân, vào tay “nhóm lợi ích” thì mọi người cũng đã biết. 

Vậy mà những người ký văn bản để giúp Vũ “nhôm” mua rẻ, không qua đấu thầu tại sao chỉ phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, thậm chí “lợi dụng chức vụ quyền hạn...”, mà tại sao không xoáy vào chuyện vì sao họ lợi dụng và lợi dụng để làm gì? 

Mới rồi, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản, trong đó bao gồm 9 nghị định, 24 thông tư, 9 nghị quyết, 40 quyết định và 72 văn bản khác, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí. 

Tôi chưa rõ trong số này có những văn bản nào đụng đến việc cần ngăn chặn việc đóng dấu “mật” để phải trả giá vì những bất cập qua vụ án trọng điểm vừa nêu hay không. Nhưng tôi hy vọng từ thực tiễn này, nó sẽ được để mắt tới để khắc phục trong tương lai.

Tôi rất tâm đắc ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng mới đây, khi ông trải lòng một điều mà rất ít ai đề cập, dù cũng nhiều người đã nghĩ đến nhưng không tiện nói. Điều ông Vượng nói quả rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ. 

Khi nói về quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới, ông cho rằng phải “hết sức chú ý công tác nhân sự. Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”.

Vụ Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) thâu tóm đất công giá rẻ biến thành đất của cá nhân Phan Văn Anh Vũ, đã cướp trắng trợn ngân sách nhà nước. Nó không chỉ là chuyện thất thoát tài sản nhà nước đơn thuần, mà qua đó mất đi cán bộ mới là đáng lo. Nó đã cho thấy quá nhiều lỗ hổng cần sớm bịt lại từ hàng loạt quy định ngặt nghèo để kiểm soát lẫn nhau. Nếu không vậy có khác nào người làm kẻ phá. Mà cái sự phá đầy nguy hiểm này sẽ dẫn đến mất cán bộ. 

Mất cán bộ kiểu như gần đây Đảng và Nhà nước kiên quyết xử lý theo pháp luật, cũng dễ sinh mất chế độ nếu cứ hữu khuynh, né tránh mãi như các nhiệm kỳ trước đây nhiều chục năm. Đó cũng chính là điều mà ông Trần Quốc Vượng vừa cảnh báo chúng ta. “Ta không làm tốt thì ta tự lật đổ ta!”. Trong trường hợp cụ thể này, những kẻ có thế lực ngầm kiểu như Phan Văn Anh Vũ, một khi được ai đó bảo kê, sẽ trở thành những “tình  báo đội lốt”, sẽ phá Đảng, phá ngành công an từ trong phá ra. 

Đó chính là điển hình cho những thế lực ngầm sẽ phá hoại chính chế độ chúng ta, lật đổ chế độ ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem