Từ vụ ấu dâm của Huỳnh Đắc Cường ở Quảng Nam: Quan hệ đồng giới nam, tỷ lệ nhiễm HIV tăng gấp 5 lần

Lam Anh – Chiên Hoàng Chủ nhật, ngày 23/01/2022 08:34 AM (GMT+7)
Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã nêu ý kiến sau vụ việc Huỳnh Đắc Cường nhiễm HIV vẫn quan hệ đồng tính với nhiều trẻ em ở Quảng Nam đã được Dân Việt đăng tải.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đăng tải, Công an tỉnh Quảng Nam đã tìm ra bằng chứng cho thấy Huỳnh Đắc Cường biết mình bị nhiễm HIV vẫn quan hệ đồng tính với nhiều trẻ em. 

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, người Việt Nam duy nhất được tổ chức HealthRight Quốc tế vinh danh vì đã có những cống hiến to lớn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã dành cho Dân Việt cuộc trò chuyện xung quanh câu chuyện "Cuộc rượt đuổi Quỷ ấu dâm – hành trình trong nước mắt" đang gây xôn xao dư luận.

Vì sao, có những địa bàn trẻ em nam bị xâm hại khó được phát hiện và xử lý

Ông đã đọc loạt bài vạch trần thủ đoạn của Huỳnh Đắc Cường trên Báo Điện tử Dân Việt?

Đúng vậy và tôi đánh giá rất cao loạt phóng sự điều tra "Cuộc rượt đuổi quỷ ấu dâm - hành trình trong nước mắt" của Báo Điện tử Dân Việt do nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thực hiện. Đây là tuyến bài công phu, đã tấn công vào những tội ác - những "mảng tối" mà từ lâu chúng ta chưa phơi bày ra được. Từ đó, đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam, cần phải có những biện pháp mới để xử lý rốt ráo, tận cùng vấn đề. 

Với tư cách là một chuyên gia về lĩnh vực này, khi đọc những bài viết của báo Dân Việt, tôi đã thực sự căm phẫn, bức xúc trước những tội ác, khổ đau mà trẻ em nam đang phải gánh chịu. Các nhà báo đã không chỉ điều tra mà còn kì công phối hợp với cơ quan công an, từ cấp Bộ đến cấp Tỉnh, phối hợp với Cục Trẻ em kiên trì đấu tranh cho đến ngày bắt được nghi phạm, đồng thời kiến nghị các chính sách để lấp những khoảng trống nguy hiểm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nam nói riêng.

Ông nhận định, đánh giá thế nào về những kẽ hở trong quản lý, bảo vệ trẻ em nam hiện nay; cũng như việc ngăn chặn các đối tượng nguy hiểm lạm dụng, xâm hại tình dục các cháu hiện nay?

BS Nguyễn Trọng An: Trước hết, quan niệm chung của người Việt Nam là trẻ em nam ít có nguy cơ bị xâm hại tình dục, với suy nghĩ "trẻ em nam thì có mất mát gì đâu". Do vậy, đôi khi, việc người lớn dùng tay sờ vào bộ phận sinh dục của bé trai thường được coi là chuyện bình thường. 

Đồng thời, theo quy định của pháp luật, trẻ em nói chung đều là đối tượng được bảo vệ, bất kể là trẻ nam hay trẻ nữ. 

Tuy nhiên, trong quy định của Luật pháp hiện hành thì việc phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em nam hiện nay ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn hơn.

Đối với trẻ em nữ, nếu việc xâm hại tác động đến bộ phận sinh dục nữ sẽ có để lại dấu vết xây xước, chảy máu, tinh dịch tồn đọng hoặc tổn thương… thì chúng ta có cơ chế để trưng cầu giám định. Còn phần lớn các vụ xâm hại tình dục trẻ nam lại thông qua các hành vi dâm ô, hoặc giao cấu qua đường miệng và đường hậu môn. Do vậy, việc để lại dấu vết là tương đối khó xác định. 

Thêm vào đó, xâm hại trẻ nam thường không có người làm chứng, chỉ dựa vào lời khai hai bên thì nhiều vụ không đủ căn cứ khởi tố vụ án. Từ đó dẫn tới những khó khăn trong việc bảo vệ, phát hiện ngăn chặn sớm các vụ xâm hại tình dục trẻ em nam, dẫn đến tình trạng có những địa bàn trẻ em nam bị xâm hại khó được phát hiện và xử lý như hiện nay.

BS Nguyễn Trọng An nói về “Cuộc rượt đuổi Quỷ ấu dâm...”: Tỷ lệ nhiễm HIV tăng gấp 5 lần ở nhóm đồng giới nam! - Ảnh 1.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD). Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về vấn đề đang gây nhiều dư luận này?

BS Nguyễn Trọng An: Chúng ta biết rằng Luật Trẻ em 2016 chỉ đưa ra những quy định khung, trong đó các quy định về "Xâm hại tình dục trẻ em" không có tách riêng cho trẻ trai hoặc trẻ gái. Các chế tài xử lý Vi phạm Luật trẻ em về lĩnh vực này đều phải viện dẫn Nghị định Xử phạt Vi phạm hành chính và Luật hình sự.

Tuy nhiên, trong Bộ Luật hình sự, các tội danh thuộc nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em như "Hiếp dâm", "Hiếp dâm trẻ em", "Giao cấu với trẻ em (điều 111, 112, 115 Bộ Luật Hình sự) có khung hình phạt cao nhất là tử hình chỉ xác định đối tượng bị hại là trẻ em gái. Trong khi đó, với đối tượng bị hại nam chỉ có 1 tội danh quy định tại điều 116 "Tội dâm ô với trẻ em" với khung hình phạt cao nhất 12 năm.

Do vậy, Luật cần nhìn nhận thực tế có hành vi quan hệ tình dục đồng tính để định nghĩa lại hành vi mại dâm, môi giới mại dâm đồng tính cũng như các khái niệm giao cấu; người bị hại ngoài trẻ em nữ thì còn cả trẻ em nam, từ đó mới có cơ sở xử lý triệt để và điều chỉnh tương xứng với hành vi phạm tội, bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ em nam.

Đẩy mạnh quản lý các chất gây nghiện, loại văn hóa phẩm đồi trụỵ

Khi điều tra, tố cáo, đối tượng đã bị bắt, cơ quan chức năng ở địa phương nói rằng ấu dâm nam và lây truyền HIV cho trẻ em và thanh niên là nam giới trên địa bàn là chuyện mà họ chưa từng "biết đến" ở địa phương. Họ cứ nghĩ chuyện chỉ có ở nước ngoài và thủ phạm là người nước ngoài. Vậy, chúng ta cần quan tâm đến một loại tội phạm với hình thức "mới mẻ" này nhiều hơn để bảo vệ trẻ em. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, chúng ta phải làm gì để bảo vệ trẻ em trước "tình hình mới"?

BS Nguyễn Trọng An: Trước hết phải khẳng định rằng, vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trai không phải là một loại tội phạm mới mẻ, loại tội phạm này đã được truyền thông, giáo dục rộng khắp sau khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng vào những năm 2017-2018 tại Hà Nội quanh Hồ Thiền - Quang, Hoàn Kiếm, tại TP. HCM ở "khu phố Tây Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão" hoặc vụ Thầy giáo Hiệu trường ở Phú Thọ xâm hại nhiều HS nam được xét xử công khai và tuyên truyền rộng rãi. 

Nếu các cán bộ cơ quan chức năng của địa phương có nhận thức như vậy thì chứng tỏ công tác truyền thông về BVCS TE nói chung và PC Bạo lực, xâm hại TE nói riêng tại địa phương chưa được làm tốt. 

Do vậy, để làm tốt vấn đề này là phải tiếp tục đẩy mạnh giáo dục gia đình về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói chung thông qua mạng lưới cán bộ công tác xã hội, bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý cả về nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nam.

BS Nguyễn Trọng An nói về “Cuộc rượt đuổi Quỷ ấu dâm...”: Tỷ lệ nhiễm HIV tăng gấp 5 lần ở nhóm đồng giới nam! - Ảnh 3.

Phóng viên đã lập tài khoản, vào thế giới _mạng xã hội blued_, toàn thấy gạ dâm và hẹn hò đi quan hệ tình dục ngay từ khi làm quen. Ảnh: Chiên Hoàng

Ông có nghĩ rằng quan niệm và chính sách quản lý của người Việt Nam về bảo vệ trẻ em nam, nam giới nói chung trước nạn tấn công tình dục còn nhiều bất cập không? Nếu có thì: giải pháp để cải thiện tình hình là gì?

BS Nguyễn Trọng An: Để bảo vệ, phòng chống XHTD trẻ em nói chung và trẻ em nam nói riêng là cần phải thực hiện đồng bộ các các giải pháp sau:

- Truyền thông nâng cao nhận thức và hỗ trợ kiến thức PC xâm hại tình dục TE nói chung, quan tâm nội dung PCXHTD trẻ em nam cho các bậc cha mẹ nhằm thay đổi hành vi. Đặc biệt hiệu quả là giáo dục gia đình thông qua mạng lưới cán bộ Công tác xã hội và CTV bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Do vậy, cần sớm kiện toàn mạng lưới BVTE 3 cấp độ, ưu tiên và cấp độ phòng ngừa theo đúng quy định của Luật TE 2016 tại điều 47, 48.

- Bộ Giáo dục ĐT cần bổ sung thêm tài liệu, ưu tiên giờ giảng và hỗ trợ kiến thức cho các Giáo viên trong hệ thống nhà trường về PC XHTD trẻ em, bao gồm cả PC XHTD trẻ em nam.

- Bổ sung và chỉnh sửa các văn bản Luật pháp có liên quan đến PCXHTD trẻ em, bao gồm cả PCXH trẻ em nam, trong đó có những chế tài nghiêm khắc mang tính răn đe. Đặc biệt kiện toàn Hệ thống tư pháp vị thành niên và nâng cao sự bình đẳng và đảm bảo tình nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.

- Đẩy mạnh quản lý nhà nước về các loại rượu bia, chất gây nghiện và các loại văn hóa phẩm, phim ảnh mạng tính bạo lực và đồi trụỵ

Trẻ em nói chung- trẻ em nam nói riêng cần được bảo vệ như thế nào trước những cạm bẫy, những nguy hiểm, những nguy cơ bị lạm dụng, bị hãm hiếp?

Bác sỹ Nguyễn Trọng An: Trẻ em cần được bảo vệ toàn diện và đầy đủ để các em được sống, phát triển trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Chính vì vậy, toàn bộ các quốc gia đã ký phê chuẩn và cam kết thực hiện Công ước quốc tế Quyền trẻ em (CRC) đều phải có nghĩa vụ BV-CS và GD trẻ em để các em được hưởng các quyền này. 

Đồng thời, các văn bản nhà nước từ Hiếp pháp, các Bộ Luật liên quan đều phải hài hòa, cho tới các Chương trình và từng hành động can thiệp đều phải thể hiện đúng các nội dung đã được quy định trong Công ước. Bảo vệ trẻ em nam trước các cạm bẫy, các nguy cơ bị xâm hại tình dục cũng được bao gồm trong các văn bản quy định và các can thiệp BV trẻ em nói chung của từng quốc gia.

BS Nguyễn Trọng An nói về “Cuộc rượt đuổi Quỷ ấu dâm...”: Tỷ lệ nhiễm HIV tăng gấp 5 lần ở nhóm đồng giới nam! - Ảnh 4.

Thiếu tá Hoàng Minh Cường, phòng 5 Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đề nghị nạn nhân nhận diện đối tượng Huỳnh Đắc Cường thông qua bức ảnh mà phóng viên Dân Việt: Lam Anh

Vào năm 2025, khoảng 40% số người nhiễm HIV ở Việt Nam là người đồng tính nam!

Với tư cách là một bác sỹ có uy tín, ông có thể phân tích cụ thể hơn về về tình trạng lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm đồng giới nam hiện nay?

BS Nguyễn Trọng An: Bên cạnh nội dung trẻ em nam bị xâm hại tình dục gây nguy cơ cao gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV mà chúng ta đang trao đổi, thì tình trạng lây lan HIV hiện nay cũng đang có xu hướng gia tăng rất mạnh trong nhóm tình dục đồng giới nam.

Theo báo cáo tổng kết 12/2021 của Dự án Quỹ toàn cầu về PC bệnh HIV/AIDS cho thấy: do tình hình dịch COVID-19 lan rộng, vấn đề giãn cách xã hội và phong tỏa dân cư để phòng dịch kéo dài là nguyên nhân chính gây gia tăng tình trạng này, đặc biệt HIV tăng nhanh và nhiều hơn trong nhóm tình dục đồng giới nam.

Tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ năm 2012 đến 2020 tăng hơn 5 lần, từ 2,3% lên 13,3%. "So với những năm đầu, người nhiễm HIV chủ yếu ở nhóm tiêm chích ma túy, thì nay xu hướng đã thay đổi, tỷ lệ ở nhóm MSM cao nhất, vượt nhóm tiêm chích và phụ nữ bán dâm". 

Đặc biệt trong năm 2021 tăng khoảng 30% trong nhóm này, trong khi trước đây tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam chỉ khoảng 3-5%, nhưng hiện nay lên tới 10-15%, tức là tăng gấp đôi trong khoảng vài năm gần đây. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết ngày 8/11/2021: "Hiện có 20% người nhiễm HIV ở VN là người đồng tính nam, nhưng con số này có thể tăng lên 40% vào năm 2025". 

Chân thành cảm ơn ông! 

Quý độc giả đang đọc bài viết "BS Nguyễn Trọng An: Tỷ lệ nhiễm HIV tăng gấp 5 lần ở nhóm đồng giới nam!" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.853.666.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem