Từ vụ “bác sĩ ném xác bệnh nhân”: Niềm tin ngày càng giảm

Thứ bảy, ngày 26/10/2013 06:48 AM (GMT+7)
Liên tục các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến y đức bác sĩ khiến niềm tin của người dân đối với ngành y tế ngày càng giảm sút. Thiếu niềm tin, nhiều người lo ngại sẽ còn nhiều hành vi lệch lạc khác, không chỉ trong ngành y.
Bình luận 0
Lương y như “hổ dữ”

"Sở Y tế Hà Nội nói gì tôi cũng không tin. Một thẩm mỹ viện (TMV) to lù lù như TMV Cát Tường hoạt động chui mà cơ quan quản lý không biết, để cho bác sĩ làm liều. Đằng sau đó dứt khoát có khuất tất... Giờ chúng tôi chẳng biết tin ai để có được dịch vụ tốt". Đó là ca thán của chị Vũ Thị H, từng là khách hàng của TMV Cát Tường, đã từng nâng ngực hồi tháng 5.2013. Khi nghe tin về vụ việc của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, chị H không khỏi rùng mình.

Cơ quan chức năng và gia đình vẫn đang nỗ lực tìm kiếm xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trên sông Hồng.
Cơ quan chức năng và gia đình vẫn đang nỗ lực tìm kiếm xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trên sông Hồng.

Cùng thời gian diễn ra vụ án khủng khiếp “bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ném xác bệnh nhân xuống sông”, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cũng rùm beng việc người dân mang quan tài người thân đi diễu phố và uy hiếp phó giám đốc bệnh viện. Người chết là sản phụ Nguyễn Thị Xuân (SN 1973) trú tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hoá. Ngày 17.10, chị đau đẻ và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thiệu Hóa. Người nhà kể lại lúc nhập viện, bác sĩ chẩn đoán thai nhi khỏe mạnh, sức khỏe tốt nên có thể đẻ thường. Tuy nhiên, 3 giờ sáng 18.10, chị Xuân lên cơn đau dữ dội, người nhà liên tục xin được mổ đẻ nhưng bệnh viện không đồng ý. Và gần 3 tiếng sau, chị Xuân cùng thai nhi đã tử vong.

Đáng nói, khi chị Xuân nguy kịch và được đưa vào phòng mổ, nhân viên y tế không thông báo tin tức với người nhà. Đến hơn 6 giờ cùng ngày, người nhà thấy không còn bác sĩ nào ra vào phòng mổ, gia đình tự ý chạy vào thì gặp cảnh tượng kinh hoàng là cả chị Xuân và cháu bé đã tử vong.

Còn chiều 24.10, chút niềm tin còn sót của người dân cũng bật tung khi kết luận điều tra về nguyên nhân khiến 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vaccin viêm gan B là do tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, hàng ngàn người đều bày tỏ sự... ghê rợn trước loạt động thái tắc trách, vô trách nhiệm, thiếu vắng lương tâm của những "lương y như từ mẫu".

Mất niềm tin, dân sẽ phản ứng

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đúng là niềm tin đang bị xói mòn và người dân bắt đầu phản ứng. 9/10 vụ phản ứng, kiện cáo là nhằm vào thái độ hành xử của các bác sĩ. “Về chuyên môn thì người dân vẫn phải tin vào năng lực của các bác sĩ thôi, họ không có khả năng để phán xét. Tuy nhiên, họ bất bình về thái độ phục vụ, về sự lạnh lùng vô cảm của cán bộ y tế. Đã thế, khi vụ việc xấu xảy ra cũng không giải thích, không ứng xử cho đàng hoàng. Vì thế đã thất đức, lại thất tín” – ông Tiên cho biết.

Nhiều chuyên gia y tế khác cũng hết sức lo ngại bởi mất niềm tin đối với bất kỳ điều gì đã là đáng sợ rồi, mất niềm tin trong ngành y còn đáng sợ hơn gấp trăm lần, bởi đó là nơi có ranh giới giữa sự sống và cái chết...


Đau đáu với các vụ việc vi phạm y đức nghiêm trọng trong thời gian gần đây, GS-TS Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia nói: “Không ở nước nào mà bác sĩ lại bị coi thường đến như vậy". GS-TS Nguyễn Lân Việt đắng lòng vì vẫn còn hơn 400.000 cán bộ y tế đang vật lộn với tử thần, cống hiến hết sức lực để cứu chữa bệnh nhân. Nhưng các vụ tiêu cực ngành y dồn dập, khiến cho bác sĩ cả ngành bị "vơ đũa cả nắm".

Tuy nhiên, GS Việt cũng nhận định, thái độ ứng xử của bác sĩ đối với bệnh nhân quyết định rất nhiều đến phản ứng, niềm tin của người dân.

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem