Từ vụ ly hôn của Đặng Lê Nguyên Vũ: Quy định chia tài sản thế nào?

L.Đ.V Thứ năm, ngày 21/02/2019 16:52 PM (GMT+7)
Phiên tòa xét xử vụ lý hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang diễn ra rất gay gắt, hai bên chưa thống nhất được việc phân chia tài sản. Nhiều người thắc mắc, việc chia tài sản trong phiên tòa ly hôn sẽ được xác định theo căn cứ nào?
Bình luận 0

TAND TP.HCM đang xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên). 

img

Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Tại phiên tòa, tài sản chung của 2 vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã được hé lộ và có giá trị tổng cộng lên tới 8.400 tỷ đồng, bao gồm 13 bất động sản trị giá 725 tỷ đồng. Trong đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng.

Về các tài sản khác được xác minh tại ngân hàng (tháng 10.2018) vào khoảng 2.102 tỷ đồng, gồm tiền mặt, ngoại tệ, vàng. Phiên tòa đang diễn ra rất gây gắt và hai bên chưa thống nhất được việc phân chia tài.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đề nghị được chia "7 phần tài sản". 

Sau vụ việc này, nhiều độc giả thắc mắc, việc chia tài sản trong phiên tòa ly hôn được xác định dựa theo căn cứ nào?

Về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp vợ chồng khi ly hôn việc chia tài sản khi ly hôn dựa theo theo các nguyên tắc sau:

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được sẽ theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 của điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó. Nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng sẽ áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 của điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.''

Như vậy, để phân chia tài sản khi ly hôn phải xác định được tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng.

Theo đó, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

Trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên, tài sản đó được coi là tài sản chung.

Còn tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem