Những ngày qua, từ phản ánh của Báo NTNN/Dân Việt, dư luận đang đặc biệt quan tâm trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang). Công trình bê tông 7 tầng Panorama có chức năng nhà nghỉ, nhà hàng, quán cà phê... xây dựng không giấy phép trên đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Đáng nói, công trình vi phạm này được triển khai từ năm 2018 và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019, một thời gian dài nhưng không bị cơ quan chức năng ngăn chặn.
Vi phạm la liệt
Từ vụ việc này, nhìn rộng ra, thời gian qua, tình trạng xây dựng không phép, sai phép diễn ra phổ biến và phức tạp không chỉ ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội, TP.HCM, mà còn ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép đã được phát hiện và xử lý. Thế nhưng, điều đáng lo ngại tình trạng này có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Biệt thự nguy nga mọc trên đất rừng thuộc xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: VNN
Đơn cử, ngay tại thủ đô Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng thanh tra xây dựng đã kiểm tra đã phát hiện có 74 trường hợp xây dựng không phép, 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, ô nhiễm môi trường... Cũng trong 6 tháng, UBND các cấp đã xử lý dứt điểm 276 trường hợp vi phạm, ban hành gần 570 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, tính từ năm 2017 đến hết tháng 6/2019, tổng số giấy phép xây dựng được cấp ở thành phố là 126.397 giấy. Trong đó, giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chiếm đến 89%. Toàn thành phố có đến 6.825 công trình vi phạm, trong đó có 2.573 trường hợp xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, chủ yếu là vi phạm xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Và 4.252 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép, hoặc công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, với hành vi phổ biến vi phạm chỉ giới xây dựng, xây dựng trên khoảng lùi công trình, xây dựng lấp ô thông tầng; công trình đã hoàn công nhưng lại tiếp tục xây dựng không phép.
Riêng tại điểm nóng phát triển đô thị TP.Nha Trang (Khánh Hoà), từ năm 2015 đến tháng 7/2019, thành phố này đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra, qua đó phát hiện hơn 95 trường hợp xây dựng sai giấy phép, 2.677 trường hợp xây dựng không phép. Thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm đối với 1.498 trường hợp; trong đó thi hành 1.204 quyết định với số tiền gần 17,7 tỷ đồng; buộc tháo dỡ 1.693 công trình, trong đó đã tổ chức tháo dỡ 606 trường hợp.
Liên quan tới những tồn tại trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết là do quy định quản lý tuy đã đủ nhưng còn một số nội dung còn bất cập, quy trình xử lý phức tạp, có điểm thiếu khả thi, chưa đồng bộ. Số lượng công trình vi phạm xây dựng đã giảm từng năm nhưng còn phức tạp. Nguyên nhân do ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng. Mô hình thanh tra xây dựng nhiều trường hợp chậm phát hiện hoặc phát hiện rồi xử lý không kiên quyết, triệt để...
"Qua nhiều vụ việc cho thấy, cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm. Những hành vi đó, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm, sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Trần Tuấn Anh
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện chúng ta có tương đối đầy đủ quy định pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Các địa phương đang cố gắng kiểm soát, hạn chế các vi phạm xây dựng. Trên thực tế, các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cũng đang có chuyển biến theo chiều hướng giảm dần, nhất là hành vi xây dựng không phép, sai phép, nhưng hiện vẫn còn ở mức cao.
Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Theo nhận định của luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã được chỉ ra, từ khách quan, chủ quan đến bất cập trong quy định pháp luật, từ cán bộ đến người dân. Song phải thẳng thắn thừa nhận bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, hành vi tham nhũng của cán bộ quản lý trật tự xây dựng là một trong những nguyên nhân chính khiến vi phạm về xây dựng diễn ra tràn lan.
“Hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này rất khó phát hiện, vì cơ bản người đưa và người nhận đều rất tinh vi, khiến hành vi này càng sinh sôi và gần như mang tính mặc định, gắn liền hoạt động xây dựng các công trình” - luật sư Tuấn Anh nói.
Nhận xét về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang có chiều gia tăng, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do việc xử lý sai phạm còn gượng nhẹ, thiếu kiên quyết từ cấp cơ sở tới cấp quản lý cao hơn. Nhận thức của cộng đồng trong tuân thủ pháp luật xây dựng còn yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.
Cũng theo ông Nghiêm, hiện tượng xây dựng không phép, sai phép cần phải xử lý nghiêm. Bởi, hệ quả của việc cho tồn tại phần diện tích sai phép trước hết là thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong thi hành pháp luật về xây dựng. Điều này không những khiến chủ đầu tư, đơn vị thi công chủ quan, mà còn dễ nảy sinh tiêu cực khi sự việc bị phát giác. Do đó, khi xử lý vi phạm không thể chỉ đẩy trách nhiệm cho chủ đầu tư, mà cần xem xét cả trách nhiệm của cơ quan quy hoạch, cơ quan cấp phép, cơ quan quản lý xây dựng; cần phải xử lý nghiêm mọi hành vi dẫn tới vi phạm thì mới hy vọng lập lại trật tự xây dựng và tạo nên bộ mặt văn minh cho đô thị.
Về giải pháp chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép, trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, việc nâng cao vai trò lãnh đạo và quản lý của Nhà nước là hết sức quan trọng. Các địa phương cần thực hiện kiên quyết, đầy đủ các quy định của pháp luật trong xử lý vi phạm như công tác cưỡng chế; xử lý hình sự với các cá nhân, tổ chức vì mục đích kinh doanh trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và quyền lợi của nhân dân.
Một số ý kiến cho rằng phải phổ biến, tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, đất đai và các quy định pháp luật liên quan khác để người dân biết và chấp hành. Đặc biệt, xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn những cán bộ thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu “bao che”, tham nhũng... tạo sức răn đe và tuyên truyền trong nhân dân. Rà soát, củng cố lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá chất lượng thi đua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.