Từ vụ nợ lương công nhân, nhìn lại "chân dung" Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội

Hoàng Thành Thứ bảy, ngày 19/06/2021 13:00 PM (GMT+7)
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (trước đó có tên là Công ty Minh Quân) không chỉ nợ lương công nhân trong một thời gian dài mà còn nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí sau khi nhận được gói thầu thu gom rác công ty này đã tạo ra nhiều bức xúc trong nhân dân trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận 0

Liên tục thay đổi người đại diện pháp luật sau khi trúng thầu

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội (tên gọi trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân - gọi tắt là công ty Minh Quân) được thành lập vào ngày 16/5/2007, có địa chỉ trụ sở chính ở số 28A, TT10, khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP.Hà Nội.

Trong 13 năm (2007-2020), Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khoảng 20 lần. Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2020 công ty đã liên tục thay đổi Giám đốc và người đại diện theo pháp luật trong năm 2018.

Từ vụ nợ lương công nhân, nhìn lại "chân dung" Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội  - Ảnh 1.

Công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2020.. (Ảnh: C.P)

Cụ thể, tháng 1/2018, bà Đinh Thị Dung làm Giám đốc thay cho ông Phùng Minh Đạt, đến tháng 8/2018, vị trí của bà Dung lại được thay thế bởi ông Phạm Toàn Phước. Trong vòng 2 năm từ tháng 8/2018 đến năm 2020 vị trí này tiếp tục được thay đổi 7 lần.

Tháng 11/2020, sau khi đổi tên từ Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội, đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Khắc Công.

Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, đại diện pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội hiện nay là ông Trần Quang Tuấn. Công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.

Được biết, ông Trần Quang Tuấn và bà Mai Thị Loan mua lại 50% cổ phần công ty (mỗi người 25%) từ bà Cao Thị Thuý An (người giữ 96,9% cổ phần thời điểm đó). Các bên thoả thuận từ ngày 20/11/2020, ông Tuấn tham gia quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đối với các giao dịch mới phát sinh.

Ngoài là  Giám đốc của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội, ông Trần Quang Tuấn còn là người đại diện pháp luật Công ty TNHH Tuấn Tú Phú Thọ - công ty hoạt động chủ yếu trong mảng xây lắp, trong đó ngành nghề chính là chuẩn bị mặt bằng sân gôn.

Từ vụ nợ lương công nhân, nhìn lại "chân dung" Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội  - Ảnh 2.

Rác thải ùn ứ trên địa bàn quận Hà Đông, tháng 12/2019. (Ảnh: Thành An).

Trúng 6/25 gói thầu thu gom rác giai đoạn 2017-2020

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội chính thức "lấn sân" sang lĩnh vực dịch vụ công ích vệ sinh môi trường từ tháng 3/2017.

Ngay sau đó, chỉ trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7/2017), Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội đã trúng 6 trong tổng số 25 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội, tổng giá trị lên tới hơn 1.150 tỷ đồng.

Bên mời thầu là Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính thuộc Sở Tài chính Hà Nội. Tất cả các gói thầu đều có thời hạn 3 năm 6 tháng (đến hết ngày 31/12/2020).

Đáng chú ý, trong 6 gói thầu kể trên, chỉ có 2 gói thầu Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội tham gia với vai trò liên danh phụ bao gồm gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Hà Đông lên tới 485,7 tỷ đồng và huyện Thanh Trì là 168,9 tỷ đồng.

Hàng loạt gói thầu còn lại Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội trúng với tư cách nhà thầu độc lập. Đặc biệt, gói thầu vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm lên tới hơn 218 tỷ đồng; huyện Mê Linh lên tới gần 103 tỷ đồng. Các gói thầu còn lại tại huyện Thạch Thất và huyện Mỹ Đức đều xấp xỉ 90 tỷ đồng.

Được biết, thị phần của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội từng phân bổ trên địa bàn 9 quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ và Mỹ Đức với tư cách độc lập lẫn liên danh.

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn trên, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội còn trúng thêm nhiều gói thầu khác, như gói thầu chiếu sáng công cộng, xây lắp trường học, giao thông, công trình văn hóa, chỉnh trang đô thị... tại Hà Nội với tổng số lượng gần 30 gói.

Từ vụ nợ lương công nhân, nhìn lại "chân dung" Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội  - Ảnh 3.

Tháng 12/2020, sau khi công nhân của Công ty công nghệ cao Minh Quân (đã đổi thành Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội), phụ trách thu gom rác trên địa bàn, đình công vì công ty nợ lương rác thải ùn ứ nhiều nơi trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. (Ảnh: Ngô Trần)

Hàng loạt bê bối, gây bức xúc trong nhân dân

Ngay sau khi trúng thầu, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội liên tục để phát sinh nhiều vấn đề như: Không đủ xe, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải.

Đỉnh điểm, vào đầu tháng 3/2017, Dân Việt và hàng loạt cơ quan báo chí đồng loạt thông tin về việc Công ty này đã đổ trộm khoảng 80 tấn rác sinh hoạt tại khu vực dưới chân cầu vượt đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm. Hành động này xảy ra chỉ vài ngày sau khi doanh nghiệp này tiếp quản địa bàn.

Trong suốt thời gian thực hiện các gói thầu thu gom rác sau đó, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội cũng liên tục để rác thải tồn đọng trong thời gian dài, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng.

Mới đây, tháng 6/2021, như Báo Dân Việt đã phản ánh, nhiều xe ép rác địa bàn quận Hà Đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội vi phạm các quy định về Bảo vệ Môi trường trong quá trình tập kết, thu gom, vận chuyển rác đến khu xử lý rác thải

Theo kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, có thời điểm (từ ngày 1/10/2019 - 6/10/2019), khối lượng rác thải mà Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội thu gom về xử lý bằng 0, trong khi khối lượng mỗi ngày cần thực hiện là hơn 40 tấn.

Điều này đã khiến rác thải ùn ứ, ngổn ngang trên các tuyến phố, đồng thời phát sinh ra việc người dân đốt rác, ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới môi trường. Được biết, nguyên nhân của thực trạng này là do lực lượng lao động của công ty lúc bấy giờ đình công vì bị nợ lương nhiều ngày.

Ngoài những yếu kém về năng lực xử lý rác thải, công ty cũng từng vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động. Chỉ riêng tại quận Nam Từ Liêm, công ty còn nợ lương (từ tháng 7 đến 12/2020) của 80 công nhân đã nghỉ việc hơn 1,8 tỷ đồng.

Từ vụ nợ lương công nhân, nhìn lại "chân dung" Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội  - Ảnh 5.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2016-2019 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân - nay là Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội. (Nguồn: Báo cáo tài chính Công ty Minh Quân)

Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội còn nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của hàng trăm người lao động trong thời gian dài. Theo công bố của BHXH TP.Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2019, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội liên tục bị "bêu tên" do nợ đóng BHXH 16 tháng của 590 lao động, với số tiền lên tới hơn 13 tỷ đồng.

Tình trạng này ngày càng trầm trọng khi đến tháng 5/2020, BHXH TP.Hà Nội cho biết doanh nghiệp này còn nợ đóng BHXH 24 tháng của 459 lao động, tổng tiền lên tới gần 19 tỷ đồng. Phải tới khi báo chí và dư luận lên tiếng, đến giữa tháng 12/2020, Tập đoàn Nam Hà Nội mới khắc phục toàn bộ số tiền nợ BHXH 20 tỷ 250 triệu đồng tính đến hết tháng 11/2020.

Về cơ cấu tài sản cho thấy, Công ty phụ thuộc rất nhiều vào các khoản vay nợ. Theo thông tin của Dân Việt, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội duy trì nợ phải trả ở mức có "1 đồng đi vay 4 đồng", đây là tỷ lệ đòn bẩy tài chính đáng báo động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kể cả với nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Cụ thể, năm 2016 trong khi vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ đạt 61,8 tỷ đồng thì nợ phải trả đã lên xấp xỉ 214 tỷ đồng, tương đương hệ số 3,5 lần.

Kéo dài sang các năm kế tiếp, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty Nam Hà Nội năm 2017 và 2018 duy trì lần lượt ở mức 3,7 và 3,1 lần. Đặc biệt đến năm 2019, hệ số này tăng vọt lên 4,3 lần.

Trái ngược với sự phình to của các khoản nợ, doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội khá èo uột và trồi sụt, xu hướng giảm rõ rệt trong giai đoạn 2017 - 2019.

Theo đó, năm 2017 doanh thu của Công ty ghi nhận ở mức gần 293 tỷ đồng, đến năm 2019 con số này giảm hơn một nửa, xuống còn 130 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế vốn đã khiêm tốn so với quy mô tài sản hàng trăm tỷ đồng, cũng vì thế mà giảm theo. Số liệu cho thấy, sau khi đạt "đỉnh" lợi nhuận vào năm 2017 là 7,3 tỷ đồng, chốt năm 2019 Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội chỉ thu về vỏn vẹn gần 44 triệu đồng lãi sau thuế.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường

Ngày 16/6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có ý kiến chỉ đạo về việc nợ lương, không đảm bảo quyền lợi của công nhân của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, trụ sở tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội).

Theo đó, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu Thanh tra TP và Sở Xây dựng báo cáo ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND TP tại văn bản số 5913 ngày 29/12/2020.

Đồng thời, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý theo quy định để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công nhân, báo cáo UBND TP các vấn đề vượt thẩm quyền và đồng thời báo cáo trước ngày 30/6.

Trước đó, tháng 1/2021, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng ký văn bản số 5913/UBND-TKBT về việc thanh tra công tác VSMT trên địa bàn TP liên quan đến Công ty CP Đầu tư phát triển Công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân).

Theo đó, trước thực trạng nhiều địa bàn bị ùn ứ rác thải sinh hoạt tại Thủ đô Hà Nội thời gian qua, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thanh tra toàn diện công tác vệ sinh môi trường liên quan đến Công ty Minh Quân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem