Từ vụ thầy giáo "tung cước" với học sinh: "Tôi từng cắn chặt môi khi nghe sinh viên chửi"

Tào Nga Thứ hai, ngày 03/05/2021 19:21 PM (GMT+7)
Hai sinh viên ngồi nói chuyện rồi thách thức giáo viên, nếu không có kinh nghiệm thì PGS.TS Trần Thành Nam đã có hành động như thầy giáo đánh học sinh ở Bắc Giang.
Bình luận 0

Thầy giáo đánh học sinh ở Bắc Giang

Những ngày qua, mạng xã hội bày tỏ nỗi bức xúc với clip về việc thầy giáo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đánh học sinh.

Được biết, vụ việc xảy ra trong giờ sinh hoạt lớp chiều ngày 29/4, do nóng giận vì nhắc nhở nhiều lần nhưng học trò vẫn vi phạm Luật An toàn giao thông, không chấp hành nội quy, quy định của trường (không mặc áo đồng phục), thầy giáo Khúc Xuân H., giáo viên chủ nhiệm lớp 10A3, đã đánh mắng học sinh.

Thầy giáo tát, đá học sinh gây bức xúc.

Theo nội dung chia sẻ trong đoạn clip, 4 nam sinh đang đứng trên bục giảng, thầy H. liên tục tát mạnh, chỉ thẳng tay vào mặt học trò của mình. Chưa dừng lại ở đó, thầy còn thẳng chân đá mạnh vào ngực một nam sinh áo trắng khiến em ôm bụng ngã loạng choạng. Vừa đánh học sinh, thầy giáo vừa xưng "mày - tao" cùng nhiều từ ngữ tục tĩu khó chấp nhận.

Ông Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn cho biết, đơn vị đã cử một Phó Giám đốc Trung tâm cùng với thầy giáo H. đến gia đình các em học sinh để xin lỗi, nhận trách nhiệm. Được biết, thầy giáo H. sinh năm 1997 được Trung tâm ký hợp đồng giảng dạy môn Sinh học từ tháng 4/2020. Ngay sau khi xảy ra sự việc, thầy H. đã bị tạm dừng giảng dạy.

Mặc dù thầy H. nhận sai và "chỉ muốn tốt cho các em" nhưng hành động của thầy đã khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ với lời nói và hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo.

"Tôi từng cắn chặt môi khi nghe sinh viên "chửi"

Liên quan đến vụ việc trên, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra lý do: "Đã làm giáo viên thì sẽ gặp cảnh học sinh chống đối thường xuyên. Vì vậy bản thân người giáo viên khi tốt nghiệp ra trường phải có thời gian trải nghiệm nghề nghiệp nhuần nhuyễn mới có thể đứng trên bục giảng.

Từ vụ thầy giáo "tung cước" với học sinh: "Tôi từng cắn chặt môi khi nghe sinh viên "chửi" - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam.

Hành động của thầy giáo ở Bắc Giang hoàn toàn sai, thầy không phân tích được nguyên nhân dẫn đến hành động của học sinh nên sử dụng phương pháp sư phạm truyền thống, muốn "yêu cho roi vọt" và đánh thật mạnh để lần sau học sinh chừa, không quản lý được cảm xúc và không có kỹ năng quản lý lớp học tích cực".

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ lại câu chuyện mình từng gặp phải: "Tôi đã gặp trường hợp 2 sinh viên năm nhất không thích học và ngồi nói chuyện. Tôi vào chào cả lớp nhưng 2 em vẫn ngồi nói chuyện. Tôi im lặng cũng không chịu dừng. Thậm chí tiến lại gần vẫn tỏ vẻ thách thức thầy giáo. Tôi hỏi thì 1 em bảo "Thằng này nó chửi em là m. thằng Nam". Tôi tên là Nam thì khác gì đang chửi tôi đâu. 

Trong trường hợp này tôi cắn răng vào môi, hít một hơi cúi mặt quay đi. Như vậy để mình không thể nói và không nhìn thấy sinh viên trong lúc này. Sau đó vài giây, khi bình tĩnh hơn, tôi quay mặt lại nhẹ nhàng mời sinh viên ra ngoài và ra nói chuyện thẳng thắn với các em.

Khi gặp học sinh chống đối, giáo viên phải phân tích để tìm ra nguyên nhân. Ví dụ như do tâm lý lứa tuổi thích thể hiện; do lời nói, hành động của giáo viên khiến học sinh không thích nên trả đũa bằng cách im lặng, không nghe lời, chống đối, trốn tránh, hoặc lo sợ nên gây chuyện.

Vì vậy, thấy học sinh không nghe lời khiến thầy giáo "căng" lên. Học sinh thấy thế cũng tỏ vẻ thác thức... đến lúc nào thầy giáo không kìm chế được đã có hành vi trái chuẩn mực đạo đức".

Thầy N.N.Đ, giáo viên tại TP.HCM chia sẻ thực trạng hiện nay: "Học sinh được trao quá nhiều quyền lợi thường sẽ khiến cho việc giáo dục trở nên khó khăn. Phụ huynh cũng có tư tưởng con cái là bảo vật không ai có thể đụng đến hay nói nặng lời. Từ đó dẫn đến tình trạng không ít giáo viên dần sẽ "bơ" đi và chỉ lên lớp với chuyên môn, còn việc giáo dục nhân cách, rèn giũa kỷ cương cho học sinh bắt đầu thưa dần trong các trường học.

Việc thầy giáo đánh học sinh ở Bắc Giang, tất nhiên là hành động không đúng, là điều không nên xảy ra trong ngành giáo dục. Nhưng bên cạnh việc "khiển trách" thầy giáo, chúng ta cũng cần xem xét hệ thống kỷ luật của nhà trường. Nếu những vi phạm của học sinh được đội ngũ giám thị, ban lãnh đạo cũng như các cá nhân có liên quan khác xử lý một cách triệt để, kịp thời, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ không để những hành động "khó coi" xảy ra trong ngành giáo dục.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần có sự chung tay để uốn nắn con em mình, chúng ta phải thừa nhận rằng, cởi mở trong giáo dục, khai phóng và trao quyền cho học sinh hiện nay là điều đáng khích lệ. Nhưng nếu như có khuôn khổ và giới hạn thì mới hy vọng các em học sinh thân yêu của chúng ta ngày càng trưởng thành theo một chiều hướng tích cực nhất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem