Nhân dịp này, phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Hiếu - Chủ tịch UBND phường Yên Hòa về những kết quả mà phường đạt được trong 15 năm qua, cũng như kế hoạch xây dựng, phát triển phường trong giai đoạn tới.
Ông có thể cho biết những thành quả đạt được của phường Yên Hòa sau 15 năm thành lập và phát triển?
- Phường Yên Hòa được chuyển đổi từ xã Yên Hòa và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.9.1997. Từ đây bắt đầu một bước chuyển mình cơ bản của phường Yên Hòa. Sự thay đổi nổi bật nhất chính là hạ tầng, kiến trúc đô thị ở Yên Hòa. Đơn cử như trước khi thành lập quận Cầu Giấy và chuyển đổi từ xã lên phường, diện tích đất nông nghiệp của Yên Hòa vẫn chiếm đến 1/2 tổng diện tích đất tự nhiên. Nhưng đến nay, diện tích đất nông nghiệp đã cơ bản được thu hồi để phát triển các công trình, dự án đô thị.
|
Yên Hòa đã trở thành một đô thị hiện đại sau 15 năm thành lập. |
Nổi bật nhất là, hạ tầng khung của phường đã được định hình một cách rõ nét. Điển hình là, trong 2 năm trở lại đây, sự hình thành tuyến đường ven sông Tô Lịch đã tạo bộ mặt khang trang cho phường. Thứ hai là việc triển khai xây dựng tuyến đường Trung Kính, dự kiến thông xe giai đoạn I trước ngày 1.9 nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập quận Cầu Giấy.
Ngoài ra, 100% các ngõ nhỏ trong phường đã được bê tông hóa; các tuyến phố ô tô đi được đã được thảm nhựa. Hệ thống điện, nước sạch đảm bảo cho 100% hộ sử dụng. Hiện tượng mất điện được giảm nhiều, dù dân số của phường đã tăng thêm 24.000 người so với trước khi thành lập phường (hiện tại khoảng 35.000 người).
Bên cạnh việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đời sống tinh thần, tâm linh của người dân cũng đã được xây dựng lại. Ở các khu dân cư, phường đã sửa chữa được 26 nhà, phòng họp để phục vụ học tập cộng đồng, họp của dân cư. Ngoài ra, trụ sở UBND phường cũng được xây dựng khang trang từ 6 năm nay. Phường có một trung tâm văn hóa thể thao riêng; đây là điểm mà ít phường, xã khác có được.
Phường Yên Hòa là 1 trong 8 phường thuộc quận Cầu Giấy được thành lập theo Nghị định số 74/CP ngày 22.11.1996 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.9.1997. Phường có diện tích tự nhiên 206,1518ha. Dân số tại thời điểm thành lập là 11.000 người, sau 15 năm xây dựng, phát triển, hiện dân số ở phường Yên Hòa đã tăng lên 35.000 người.
Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, nhân dân và cán bộ phường Yên Hòa đã vinh dự nhận được những phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của UBND TP. Hà Nội năm 2010 và nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành T.Ư…
Đời sống kinh tế của người dân cũng có rất nhiều thay đổi. Sau khi chuyển đổi từ xã lên phường, các hộ nông dân được định hướng chuyển đổi từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác, các hộ kinh doanh cá thể tăng lên. Hình thức chuyển đổi cũng đa dạng. Ngoài ra, hệ thống giáo dục của phường Yên Hòa cũng ngày càng được chăm lo, đầu tư với các hệ thống trường học từ mầm non đến THPT.
Điểm nổi bật của Yên Hòa là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khá tốt. Khi mới thành lập, phường cũng có những tụ điểm ma túy hoạt động lộ liễu, công khai. Nhưng cách đây khoảng 5 năm, những tụ điểm này đã được dẹp, không còn tồn tại. Vụ việc mất trật tự có thể tăng về cơ học, nhưng chủ yếu do từ nơi khác đến, còn phát sinh nội tại đã được kiềm chế.
Được biết, Yên Hòa là phường có diện tích cần giải phóng mặt bằng rất lớn. Trong những năm qua, phường đã giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề chúng tôi thấy tự hào. Trong 15 năm qua, trên địa bàn phường đã có 55 dự án được triển khai với quỹ đất hàng trăm ha; trong đó có cả dự án thu hồi đất nông nghiệp và khu dân cư. Song cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa phải dùng đến biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng đối với bất kỳ một dự án nào. Có được điều đó là do, chúng tôi đã biết vận dụng, kết hợp song song cả 2 giải pháp là tuyên truyền và xử lý hành chính.
Việc giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp cũng không phải dễ. Hiện nay, hầu hết các hộ dân đã chuyển đổi nghề, nhưng Yên Hòa vẫn còn đến 600 hộ xã viên nông nghiệp còn đất. Họ vẫn đang trông chờ việc giải phóng mặt bằng, lấy đất nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu của họ để họ chuyển đổi nghề nghiệp một cách tốt hơn.
Để “đả thông tư tưởng” các xã viên nông nghiệp, chúng tôi phải bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và ý kiến của Hội Nông dân, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã cũ để làm sao phần diện tích được rà soát một cách tỉ mỉ; tài sản của các hộ được đảm bảo nhưng đúng với chính sách, quy định của Nhà nước. Sắp tới, Yên Hòa còn một phần diện tích đất nông nghiệp sẽ phải giải phóng khoảng 20ha thuộc khu đô thị Cầu Giấy, liên quan đến hơn 130 hộ dân.
Yên Hòa là khu vực đô thị mới, tốc độ đô thị hóa cao. Xin ông cho biết, lãnh đạo phường đặt ra quyết tâm thế nào trong việc quản lý xây dựng để đảm bảo thực hiện được quy hoạch chung thủ đô đã được phê duyệt?
Chú trọng về giáo dục
Khi còn là xã, hệ thống giáo dục của Yên Hòa còn manh mún, bậc mầm non chỉ có một cơ sở, trường cấp I và cấp II phải học chung. Đến năm 2000, trường cấp II đã được xây dựng mới và tách ra. Đến nay, phường có 2 trường tiểu học là: Tiểu học Yên Hòa và Tiểu học Nam Trung Yên. Trường mầm non được đầu tư xây dựng mới và hiện nay đang mở rộng để tăng khả năng đón các cháu diện công lập. Ngoài ra, hệ thống mầm non tư thục trên địa bàn phường có đến 17 cơ sở. Trên địa bàn còn có Trường Phổ thông dân lập Nguyễn Siêu là một trong những trường nổi tiếng của Hà Nội. Mới đây, trong khu đô thị Yên Hòa còn có một Trường Quốc tế Toàn cầu để phục vụ những gia đình có khả năng đóng góp.
- Hiện thành phố đã phê duyệt quy hoạch 1/500 của phường Yên Hòa và quy hoạch đã được công bố. Đảng bộ và chính quyền địa phương xác định phải bám sát đúng theo quy hoạch của thành phố đã đề ra. Để làm được điều đó, các ban ngành của địa phương phải luôn luôn tập trung, trong đó phải đảm bảo công tác tuyên truyền đến hệ thống nhân dân, để nông dân được hiểu, biết về quy hoạch.
Với chính quyền địa phương, chúng tôi luôn bám sát các chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy và cụ thể hóa bằng các kế hoạch để đảm bảo việc phát triển không gian đô thị của thành phố được đảm bảo từ cấp phường.
Tất nhiên, việc đảm bảo đúng theo quy hoạch khó có thể thực hiện ngay được, nhưng việc đảm bảo khung quy hoạch phải được thực hiện ngay. Có thể, 5-10 năm nữa, bộ mặt đô thị sẽ hoàn thiện. Yên Hòa nằm trong khu đô thị hành chính Cầu Giấy, có nhiều cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn phường. Điều này, góp phần giúp cho phường có một bộ mặt đô thị hiện đại.
Ngoài ra, việc khớp nối hạ tầng khu dân cư cũ và mới được tính toán kỹ để tạo ra một bức tranh hài hòa giữa khu dân cư truyền thống của làng, xã trước đây và các khu đô thị mới đúng nghĩa từ làng lên phố.
Đối với Yên Hòa, điều quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện kế hoạch hoàn thiện và phát triển đô thị, đấu nối hệ thống hạ tầng để Yên Hòa đúng nghĩa là một mô hình đô thị hiện đại.
Xin cảm ơn ông!
Bảo An - Hải Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.