Tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook bị xử lý thế nào?

Hạ Anh Thứ bảy, ngày 09/11/2019 09:35 AM (GMT+7)
Hành vi tự ý đăng ảnh của người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý sẽ bị xử lý như thế nào?
Bình luận 0

Trả lời:

Ông Trần Thế Anh – Phó Giám đốc Công ty luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh là xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh và được pháp luật bảo vệ tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 32 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình như sau: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên,theo quy định tại khoản 2 Điều 32 BLDS 2015 trong một số trường hợp thì việc sử dụng hình ảnh không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Đó là, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

img

Ảnh minh họa.I.T

Pháp luật bảo hộ quyền hình ảnh đối với mỗi cá nhân. Do đó, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý hoặc không phải dùng cho các mục đích quy định tại khoản 2 Điều 32 BLDS 2015 đều là hành vi trái pháp luật.

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm. Với những thông tin gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Tùy theo mức độ mà người có hành vi nói trên bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân lên cơ quan Công an nơi người đó cư trú. Khi đó người có hành vi nói trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người nào thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người có hành vi tự ý đăng ảnh của người khác lên mạng nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người bị hại thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10- 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem