Từ vụ Alibaba, Angel Lina: Luật sư chỉ cách tránh dự án “ma”

Yến Linh Thứ tư, ngày 06/11/2019 10:07 AM (GMT+7)
Các công ty bất động sản Alibaba, Angel Lina lừa đảo hàng trăm tỷ đồng với những dự án “ma”, khách hàng của các công ty này gặp nhiều khó khăn khi muốn thu lại số tiền mình bỏ ra. Vậy làm thế nào người dân có thể tránh được các dự án bất động sản “ma”?
Bình luận 0

Ngày 2/11, Công an TP Hồ Chí Minh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Tuyết Nhung (SN 1981) -  Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (gọi tắt Công ty Angel Lina) để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công ty này có trụ sở tại số 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.

Nữ giám đốc Công ty Angel Lina đã lừa đảo hàng trăm người với số tiền hơn 285 tỷ đồng thông qua các dự án bất động sản "ma".

Trước đó, ngày 18/9, cơ quan Công an tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Công ty Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty Alibaba về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

img

Phạm Thị Tuyết Nhung (trái) và Thái Văn Luyện.

Số nạn nhận của 2 vụ án lừa đảo bất động sản này lên tới hàng nghìn người. Làm sao để người dân khi tiến hành mua bán bất động sản tránh được những dự án “ma”?

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương đã cắm biển cảnh báo, phát loa truyền thanh cảnh báo về các dự án ma, dự án lừa đảo. Tuy nhiên, nhiều người dân vì hám lợi, bị mê hoặc bởi những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo mà vẫn xuống tiền để cuối cùng trắng tay. Đây là bài học cho những nhà đầu tư nghiệp dư, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, là cơ hội cho các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm tội”.

Luật sư phân tích thêm, những người bị sập bẫy bất động sản trong các dự án lừa đảo kiểu phần lớn là những nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra để mua những dự án nền đất, căn hộ từ khi dự án mới bắt đầu, sau đó tăng giá lên thì bán lại kiếm lời. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các chiêu thức tinh vi, áp dụng mô hình kinh doanh đa cấp vào trong bất động sản để biến khách hàng thành mồi nhử nhằm lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia theo cấp số nhân.

Những nhà đầu tư này thường là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, số tiền chỉ vài trăm triệu hoặc một vài tỷ đồng. Họ không phải là những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, ít hiểu biết về pháp luật, về thủ tục pháp lý và ham lợi nhuận nên không đặt nặng những vấn đề rủi ro về pháp lý. Đây là yếu tố khiến các đối tượng dễ dàng lừa đảo của nhiều người, chiếm đoạt số tiền rất lớn trong thời gian ngắn.

Còn số khách hàng còn lại có nhu cầu mua Nhà đất để sử dụng, tuy nhiên những khách hàng kiểu này không nhiều và thường không hiểu rõ về tình trạng pháp lý của dự án hoặc do thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng dẫn đến những người này cũng bị lừa mất tiền.

img

Luật sư Đặng Văn Cường. 

Nói về cách thức giúp người dân nhận biết, tránh các dự án bất động sản “ma” luật sư Cường cho hay, khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc thực hiện các dự án đầu tư đất nền cần phải tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án, hiểu rõ về thủ tục đầu tư, điều kiện huy động vốn để ký kết những văn bản có giá trị pháp lý, khi đó pháp luật mới bảo vệ nếu có tranh chấp xảy ra.

Đối với những dự án chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền thì Chủ dự án này không được phép huy động vốn. Hành vi huy động vốn với hình thức vốn vay, cam kết chuyển nhượng, hợp đồng góp vốn mà chưa đủ điều kiện huy động vốn thì đều bất hợp pháp và có rủi ro cao về pháp lý.

Đối với những dự án có nghi ngờ giả mạo, lừa đảo cần xác minh thông tin từ chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép dự án trước khi đầu tư.

Pháp luật Việt Nam cho phép hoạt động với mô hình kinh doanh đa cấp, song có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước về giá cả, điều kiện kinh doanh và chế độ báo cáo. Thời gian gần đây rất nhiều đối tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Một số đối tượng đã vận dụng những nguyên lý của hoạt động kinh doanh đa cấp để thực hiện hành vi lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản khiến số người bị hại phát triển theo cấp số nhân, trong thời gian ngắn. Các đối tượng này có thể thu chiếm đoạt hàng tỷ đồng của hàng ngàn người từ các chiêu thức lừa đảo bất động sản bằng hình thức đa cấp.

Bởi vậy khi người dân có nhu cầu đầu tư hoặc mua để sử dụng bất động sản cần phải có hiểu biết nhất định. Nếu trong trường hợp mức hiểu biết có mức độ thì cần phải có sự tư vấn của các luật sư, các chuyên gia pháp lý và xác minh thông tin ở cơ quan có thẩm quyền mới giảm thiểu được những rủi ro trong các giao dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem