Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024: Bàn giải pháp đưa trợ lý ảo vào khu vực công
Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024: Bàn giải pháp đưa trợ lý ảo vào khu vực công
Thu Lê
Thứ tư, ngày 20/11/2024 14:07 PM (GMT+7)
Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024 do Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức được xoay quanh chủ đề chính về "Trợ lý ảo". Trong đó, việc đưa trợ lý ảo khu vực công được quan tâm đặc biệt.
Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam International Digital Week – VIDW 2024) được khai mạc vào sáng ngày 19/11/2024 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Sự kiện lần này diễn ra từ ngày 19-22/11/2024, được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 12 sự kiện chính thức và các sự kiện bên lề. VIDW 2024 thu hút hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước từ gần 30 quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.
VIDW 2024 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thực tiễn tốt, cách tiếp cận và sáng kiến mới để mở rộng hợp tác giữa các nước, các tổ chức, doanh nghiệp về đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo, với các chủ đề ưu tiên như ứng dụng trợ lý ảo (TLA), quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), Open RAN, khung pháp lý cho 5G, phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực số,…
Trợ lý ảo - trợ lý đắc lực cho khu vực công
Chia sẻ những góc nhìn về tiềm năng chuyển đổi của trợ lý ảo trong khu vực công, ông Arnaud Ginolin - Giám đốc Điều hành kiêm Đối tác tại Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) cho biết: "Khả năng phổ biến ứng dụng trợ lý ảo với người dân là rất nhanh chóng. Như với OpenAI chỉ mất 2 tháng để đạt được 1 triệu người dùng và sau đó có tốc độ phát triển rất nhanh, vượt xa các ứng dụng như Tiktok hay Instagram. Do vậy, nếu đưa trợ lý ảo vào khu vực công như xây dựng chính sách, giám sát, lấy ý kiến cộng đồng, thực thi pháp luật… sẽ rất hiệu quả. Trở lý ảo sẽ đảm bảo được sự minh bạch và công khai thông tin; nhanh chóng phát hiện ra các lỗi hệ thống và có phương án xử lý, khắc phục ngay".
Ông Arnaud Ginolin cũng đã đưa ra một ví dụ như tại Dubai, họ đã ứng dụng trợ lý ảo trong lĩnh vực công như điện, nước. Việc ứng dụng này, không những giúp chính phủ quản lý khách hàng, đưa ra các trợ giúp mà còn phân tích dữ liệu sử dụng điện nước để chính phủ định lượng được nhu cầu sử dụng….
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đang dự thảo luật để công nhận những nguyên tắc cơ bản của AI đáp ứng nhu cầu phát triển, minh bạch, công bằng, tôn trọng quyền riêng tư, đảm bảo an ninh, kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương cho biết: "Tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh".
Hiện Quảng Ninh cũng đang bước đầu thực hiện đưa trợ lý ảo vào khu vực công. Mới đây, ngày 6/11, Ứng dụng "Trợ lý ảo (AI) trên máy tính hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực căn cước, cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" đã được Bộ Công an công nhận là sáng kiến cải cách hành chính cấp Bộ.
Sự ra đời của trợ lý ảo này không chỉ giúp Công an tỉnh Quảng Ninh tối ưu hóa quy trình làm việc tại các cơ quan hành chính, mà còn nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong việc phục vụ người dân.
Mọi thông tin và thao tác đều được số hóa, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình nhập liệu và ang cường khả năng giám sát, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ. Điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực công việc cho các cơ quan hành chính, mà còn mang lại trải nghiệm thuận tiện và chính xác hơn cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Đưa trợ lý ảo vào khu vực công nên bắt đầu với quy mô nhỏ
Đó là khuyến nghị của ông Arnaud Ginolin - Giám đốc Điều hành kiêm Đối tác tại Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) khi chia sẻ về cách thức đưa trợ lý ảo vào khu vực công sao cho hiệu quả.
Theo ông Arnaud Ginolin, Chính phủ có thể đẩy nhanh việc áp dụng Trợ lý ảo bằng cách phát triển chiến lược và năng lực trên nhiều phương diện. Trong đó, mỗi chính phủ cần phải có một chiến lược tổng thể về phát triển trợ lý ảo; tiếp đó đưa ra các trường hợp nào thì được sử dụng trong Chính phủ, trường hợp nào cho khu vực tư nhân. Sau đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đội ngũ nhân lực tiếp cận và sử dụng trợ lý ảo. Cuối cùng, là phải xây dựng, phát triển quy định và quy tắc để quản trị dữ liệu.
"Tuy nhiên, khi xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta nên bắt đầu tư quy mô nhỏ, trong một vài lĩnh vực, rồi từ đó phát triển lên, để tránh sự quá tải về nguồn lực và kinh phí", ông Arnaud Ginolin nhấn mạnh.
Đây cũng là vấn đề mà một số quốc gia khác cũng đang gặp phải. Như chia sẻ của bà Léocadie Ndacayisaba - Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Đa phương tiện, nước Cộng hòa Burundi: "Khi thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi gặp nhiều thách thức như thiếu hạ tầng, thiếu kinh phí và thiếu khuôn khổ pháp lý để thực hiện việc chuyển đổi. Chúng tôi rất mong muốn lắng nghe, học hỏi những kinh nghiệm từ các nước để có thể học hỏi và áp dụng cho đất nước mình".
Tại Việt Nam, trợ lý ảo đã được Tập đoàn Viettel phát triển và được sử dụng để tương tác với khách hàng để giải đáp về dịch vụ viễn thông, tài chính số, giao thông. Đối với hệ thống công thì trợ lý ảo đã được ứng trong Hệ thống tòa án. Việc ứng dụng Trợ lý ảo đã hỗ trợ các Thẩm phán giải quyết vụ việc chính xác và giảm bớt áp lực công việc. Trợ lý ảo hiện này đã hỗ trợ hỏi đáp về: các văn bản quy phạm pháp luật, án lệ và quyết định công bố bản án, đồng thời hỗ trợ mã hóa bản án, đây là công việc vốn mất nhiều thời gian để xử lý.
Trợ lý ảo do Viettel phát triển còn được ứng dụng tại Bộ thông tin & Truyền thông để hỗ trợ cán bộ công chức hỏi đáp, tra cứu về: văn bản quy phạm pháp luật, cẩm nang chuyên ngành, số liệu điều hành, văn bản quy định của từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, Trợ lý ảo cũng hỗ trợ Bộ giải đáp các vấn đề, kiến nghị được địa phương, cử tri cả nước quan tâm…
Chia sẻ về định hướng phát triển trợ lý ảo/AI tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo".
Hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên phát triển trợ lý ảo cho từng cơ quan nhà nước, mỗi cơ quan sẽ có trợ lý ảo của mình, tiến tới mỗi công chức có một trợ lý ảo. Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo. Các diễn đàn chuyên đề của VIDW 2024 sẽ tạo cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt, cả về thể chế và thực tiễn của trợ lý ảo trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh các hoạt động với chủ đề "Trợ lý ảo", trong các ngày từ 19-22/11/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các nước ASEAN, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế như ITU, OECD tổ chức các diễn đàn chuyên môn với các chủ đề khác nhau:
- Diễn đàn quốc tế về Chiến lược số, chính sách và quản trị AI;
- Diễn đàn quốc tế về Chiến lược số, chính sách và quản trị AI;
- Hội nghị Quan chức Thông tin ASEAN (SOMRI); Hội thảo ASEAN về dịch vụ tin cậy;
- Hội thảo về các công nghệ miễn cấp phép thế hệ mới phục vụ phát triển kinh tế số;
- Diễn đàn Đầu tư số quốc tế; Diễn đàn quốc tế về Kết nối số; Hội nghị Việt Nam - OECD về phát triển nguồn nhân lực số;
- Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam – Hàn Quốc; Hội nghị Việt Nam – ITU về quản trị AI và ứng dụng AI trong các lĩnh vực công nghiệp và tổ chức cuộc thi Hackathon Đông Nam Á…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.