85.000 tỷ đồng "tháo chạy" khỏi HoSE: Khi nào khối ngoại ngưng "xả" hàng?

Linh Anh Thứ tư, ngày 20/11/2024 11:24 AM (GMT+7)
Lũy kế từ đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng 85.000 tỷ đồng trên sàn HoSE (tương ứng hơn 3,3 tỷ USD). Lý giải việc cổ đông ngoại "tháo chạy" khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital đề cập đến 3 nguyên nhân.
Bình luận 0

Khối ngoại bán ròng 85.000 tỷ trên HoSE từ đầu năm

Gần cuối phiên sáng ngày 20/11, chỉ số VN-Index giảm 1,32 điểm về 1.203,83 điểm. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, có thời điểm VN-Index hụt hơi và về dưới ngưỡng 1.200 điểm, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường.

Bán ròng 85.000 tỷ trên HoSE từ đầu năm: Khi nào khối ngoại ngưng "xả" hàng? - Ảnh 1.

VN-Index đã mất mốc 1.200 điểm trong phiên sáng nay (20/11). Nguồn: Fireant.vn.

Diễn biến trên cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn chịu áp lực từ động thái bán ròng kỷ lục của khối ngoại. Lũy kế từ đầu năm 2024, khối này đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng (tương ứng hơn 3,3 tỷ USD).

Xét trong giai đoạn 3-4 năm gần đây, khối ngoại đã "xả" khoảng gần 6 tỷ USD, tương ứng 7% dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Bán ròng 85.000 tỷ trên HoSE từ đầu năm: Khi nào khối ngoại ngưng "xả" hàng? - Ảnh 2.

Khối ngoại bán ròng 85.000 tỷ trên HoSE từ đầu năm.

Lý giải việc cổ đông ngoại "tháo chạy" khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital đề cập đến 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, Việt Nam vẫn là thị trường cận biên (frontier market). Và theo ông Tuấn, nếu không nâng hạng, thoát khỏi thị trường cận biên thì các quỹ đầu tư bị động sẽ sớm rời khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, tỷ lệ chiết khấu về định giá của thị trường cận biên hiện tại so với thị trường Mỹ khoảng 31 - 35%, so với mức bình quân trong quá khứ khoảng 25%. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư đang rất thích thị trường Mỹ so với thị trường cận biên. Trong khi đó, Việt Nam nằm ở nhóm thị trường cận biên, dẫn đến dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng outflow (vốn rút – PV) là điều tất yếu.

Cuối cùng là vấn đề nội tại. Theo vị chuyên gia, nhà đầu tư ngoại dán nhãn (labelling) thị trường chứng khoán Việt Nam giống với thị trường chứng khoán Trung Quốc, mà những thị trường giống với Trung Quốc sẽ có mức outflow rất mạnh trong giai đoạn 3 – 5 năm vừa qua.

"Có lẽ trong vài năm tới, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thay đổi quan điểm và nhận ra thị trường Việt Nam không giống với Trung Quốc", đại diện từ Dragon Capital nhận định.

Mặt khác, theo một số chuyên gia, trong ngắn hạn, tỷ giá leo thang lên cao kỷ lục là một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn ngoại. Việc VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn. Đáng chú ý, xu hướng này được nhiều tổ chức dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Bên cạnh yếu tố tỷ giá, các thị trường chứng khoán như Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này khiến một số chuyên gia nhận định việc nhà đầu tư ngoại chuyển dịch dòng vốn, không còn "mặn mà" với thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu.

Kỳ vọng nâng hạng sẽ "giữ chân" nhà đầu tư ngoại

Hồi tháng 7/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải từng đánh giá, việc bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tiêu cực. Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam hiện sở hữu danh mục đầu tư khoảng 46 - 49 tỷ USD.

Bán ròng 85.000 tỷ trên HoSE từ đầu năm: Khi nào khối ngoại ngưng "xả" hàng? - Ảnh 3.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital. Nguồn: VIF2025.

FTSE Russell chia làm 4 phân hạng: Developed, Advanced Emerging, Secondary Emerging và Frontier. Theo đánh giá tháng 3/2024 của FTSE, Việt Nam hiện nằm trong danh sách theo dõi nhằm nâng hạng lên Secondary Emerging từ tháng 9/2018.

Dự báo về thị trường sắp tới, chuyên gia Dragon Capital cho biết, ông khá tự tin về việc nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging markets) sẽ sớm xảy ra. Việc nâng hạng có thể thực hiện trong tháng 9, sớm hơn có thể vào tháng 3/2025.

Từ đầu tháng 11, quy định mới theo Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không cần ký quỹ trước (non-prefunding) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn.

Theo chứng khoán ACB (ACBS), nhóm phân tích này kỳ vọng FTSE Russell sẽ bổ sung Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025.

Cũng theo ACBS, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhóm phân tích dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động.

Ông Lyndon Chao, Giám đốc điều hành Bộ phận Chứng khoán và giao dịch ASIFMA đánh giá, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi có tăng trưởng FDI cao, lực lượng lao động tăng trưởng với 56% dân số dưới độ tuổi 35 và chỉ số chứng khoán VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.

Theo ông Lyndon Chao, để thu hút thêm vốn toàn cầu vào Việt Nam, cần bảo đảm nâng hạng thị trường chứng khoán từ phân hạng quốc gia "Thị trường cận biên" lên "Thị trường mới nổi" do chính sách của nhiều công ty quản lý quỹ là không đầu tư vào thị trường cận biên.

"Tôi cũng tự tin với bộ máy các nhà lãnh đạo mới chúng ta sẽ đi một hướng rất khác với Trung Quốc, mạnh mẽ hơn và dẫn tới một kỷ nguyên mới", ông Lê Anh Tuấn nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem