Tuân thủ “5 cao, 3 thấp”, nuôi cá lồng hiệu quả và bền vững

Văn Chiến Thứ hai, ngày 16/07/2018 13:46 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, với chủ đề “Phát triển cá lồng hiệu quả cao và bền vững trên sông và hồ chứa vùng trung du miền núi phía Bắc”, vừa tổ chức tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Bình luận 0

Khu vực Trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng, bè trên sông và hồ chứa tại một số tỉnh miền Bắc phát triển mạnh. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng đen, cá rô phi, cá diêu hồng, cá chiên, cá ngạnh, trắm, chép…

Nghề nuôi cá lồng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao sản lượng và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

img

Các đại biểu dự diễn đàn tham quan mô hình cá lồng của Hợp tác xã Hợp Lực, thuộc xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai.  Ảnh: V.C

"Để nuôi cá lồng, bà con cần chuẩn bị đủ vốn và tinh thần. Tinh thần ở đây là công nghệ, là phương pháp và cả sự quyết tâm, tính sáng tạo. Phải làm từ nhỏ đến lớn, khi có kinh nghiệm, kỹ thuật, vốn thì mới nhân rộng. Trong quá trình nuôi,  bà con cần phải ghi chép sổ nhật ký, rút kinh nghiệm để vụ sau thắng lợi hơn”.

Ông Kim Văn Tiêu

Mặc dù số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Tiềm năng phát triển cá lồng ở vùng trung du miền núi phía Bắc là rất lớn, tuy vậy việc đánh thức tiềm năng, lợi thế này chưa được bao nhiêu.

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển cá lồng hiệu quả cao và bền vững trên sông và hồ chứa vùng trung du miền núi phía Bắc” tổ chức tại huyện Quỳnh Nhai, nhằm giới thiệu về những tiềm năng, lợi thế đó, để bà con nông dân hiểu rõ và phát huy.

Mấy năm gần đây, nghề nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung phát triển khá nhanh. Phần lớn người dân nơi đây nuôi cá lồng theo kiểu “3 không”, tức là không có hợp đồng tiêu thụ, không biết bán cho ai và không biết bán với giá bao nhiêu là hợp lý nên khó tránh khỏi rủi ro. 

Theo ông Tiêu, để phát triển cá lồng đạt hiệu quả cao, bền vững trên sông và hồ chứa, bà con nông dân cần thiết kế lồng phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nuôi. Việc lựa chọn con giống rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nghề nuôi cá lồng. Người nuôi cá lồng cần lựa chọn, mua con giống chất lượng tốt từ các cơ sở uy tín. Yêu cầu con giống phải khỏe mạnh, không bệnh tật, không xây xát, phải có địa chỉ rõ ràng và phải được kiểm dịch trước khi mua...

“Người dân cần tuân thủ, thực hiện tốt 5 cao, 3 thấp trong nuôi cá lồng. 5 cao là: Tốc độ sinh trưởng cao, tỷ lệ sống cao, năng suất cao, hiệu quả cao và số vụ thành công cao. 3 thấp là: Chi phí thức ăn thấp, giá thành thấp và thiệt hại thấp nhất. Cần bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn. Đây là một tiến bộ kĩ thuật, vì nếu bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn trong nuôi cá lồng, sẽ giúp cá tăng trưởng nhanh, tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn và tăng giá thành sản phẩm. Làm được như vậy, chắc chắn bà con nông dân sẽ gặt hái nhiều thành công với nghề nuôi cá lồng” – ông Tiêu nhấn mạnh.

GS- TS Kim Văn Vạn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã chỉ ra các yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đó là: Chất lượng môi trường nước nuôi cá, chất lượng cá giống, thức ăn nuôi cá, vốn, thị trường tiêu thụ thủy sản, kỹ thuật...

“Nuôi cá lồng cần có quy hoạch vùng nuôi rõ ràng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Cần nắm chắc kỹ thuật nuôi, áp dụng giải pháp tổng hợp, hiểu được nguyên nhân và điều kiện phát sinh bệnh sẽ có giải pháp phòng trị bệnh tích cực, hiệu quả cho cá nuôi. Nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi thông qua việc cung cấp đủ, đúng chủng loại chất lượng thức ăn, thành phần dinh dưỡng theo lứa tuổi, theo loài nuôi” – GS Vạn cho hay.

300 nông dân nuôi cá lồng đến từ 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tham dự diễn đàn đã được nghe các chuyên gia về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản giải đáp cặn kẽ, tỉ mỉ những khúc mắc, băn khoăn thường gặp phải trong thực tế nuôi cá lồng thời gian qua.

Anh Bùi Văn Thưởng - nông dân ở xã Tân Hợp (Mộc Châu, Sơn La) cho hay: “Tham dự diễn đàn lần này, tôi được nghe chuyên gia giải thích, tư vấn về việc vệ sinh lồng sạch sẽ trước khi thả con giống. Các chuyên gia cũng đã tư vấn cho tôi nên lấy cá giống ở những cơ sở uy tín, chất lượng... Diễn đàn có ý nghĩa thiết thực, giúp người làm nghề nuôi cá lồng như chúng tôi hiểu rõ hơn những yếu tố cần thiết để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao và bền vững...”.

Theo ông Kim Văn Tiêu, trước khi nuôi cá lồng, bà con cần phải tham quan, học hỏi trước rồi mới thực hiện. Nếu đã làm rồi thì vẫn phải tiếp tục tham quan để bổ sung cho mình những kiến thức mới. Khi đã tham quan rồi thì phải mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất cá lồng của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem