Những đứa trẻ sinh ra mà ốm yếu, không chịu ăn, quấy khóc, bố mẹ chúng sẽ sang đánh tiếng với thầy Tào và chọn ngày lành đem con sang nhờ thầy nhận làm con nuôi. Cha mẹ đứa trẻ tin rằng với sức mạnh của thầy Tào, con mình sẽ được khỏe mạnh, tránh được mọi tai ương, dễ nuôi hơn…
Thủ tục nhận con nuôi rất đơn giản, chỉ cần bố mẹ đưa đứa trẻ hoặc ngày tháng năm sinh cho thầy Tào, sau đó thầy Tào khấn vài bài bằng chữ Hán với mục đích xin phép thần linh và thông báo cho thế lực xấu rằng từ nay sẽ nhận đứa trẻ này làm con nuôi, xin được thần linh phù hộ và các thế lực xấu không được lại gần.
Sau khi khấn xong thầy Tào sẽ lấy một ít tàn hương trên bàn thờ gói lại và treo ở cổ đứa trẻ. Với ý nghĩa từ nay đứa trẻ này sẽ được thần linh phù hộ, các thế lực xấu sẽ không dám lại gần, tránh được mọi tai ương.
Chị Hoàng Thị Chu, ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), cho biết, tục gửi con của người Tày không biết có từ bao giờ. "Lúc còn bé tôi cũng được bố mẹ đưa đi gửi thầy Tào. Giờ vợ chồng tôi cũng đem 2 đứa con đi nhờ thầy Tào nhận làm con nuôi vì thấy chúng hay ốm yếu, quấy khóc, không chịu ăn.
Từ khi gửi thầy Tào về, hai đứa trẻ không còn khóc nhiều nữa, chịu ăn và khỏe ra"- chị Chu nói. Cũng theo chị Chu, việc gửi con không phải là bắt buộc mà do bố mẹ đứa trẻ đến tận nhà thầy Tào để nài nỉ xin thầy nhận đứa trẻ làm con nuôi.
Khi đứa trẻ đó lớn lên, trước khi lập gia đình phải làm lễ trả ơn thầy Tào đã che chở và hóa giải những điều không tốt cho mình bao năm qua. Lễ vật để trả ơn thầy Tào chỉ là đôi gà và một, hai trăm nghìn đồng để thầy làm mâm cơm để thầy thông báo với thần linh rằng, từ đây đứa trẻ đã lớn, đủ lông đủ cánh, có thể lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái không cần đến sự che chở của thầy Tào nữa mà sẽ tự mình vượt qua tất cả sóng gió của cuộc đời.
Sau khi thầy Tào làm lễ xong, sẽ hoàn lại cho người đó một nửa số tiền bố người ấy đã đưa. Sau đó, mọi người ăn cơm cúng chúc mừng cho đứa trẻ từ nay đã trưởng thành.
Hoàng Văn Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.