Tưng bừng “Kó nhẹ trà” vùng cao

Vinh Duy - Đức Duẩn Chủ nhật, ngày 26/01/2020 14:00 PM (GMT+7)
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, có nhiều dân tộc đón tết sớm hơn so với Tết Nguyên đán của cả dân tộc. Trong đó, dân tộc Hà Nhì ở Điện Biên, Lai Châu thường tổ chức đón tết tưng bừng, nhộn nhịp ngay từ cuối năm với nhiều phong tục cầu kỳ, nhiều lễ hội độc đáo mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Bình luận 0

Người Hà Nhì không ấn định ngày nhất định hàng năm để ăn tết, mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa trên các yếu tố thời tiết, khí hậu, mùa màng, khả năng kinh tế chung mà đưa ra ngày cụ thể, thường vào khoảng tháng 11 dương lịch. Thời điểm đó là lúc nông nhàn, người dân Hà Nhì đã kết thúc mọi công việc đồng áng, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, có đủ điều kiện để ăn tết vui vẻ.

img

Phụ nữ Hà Nhì với trang phục lộng lẫy trong ngày tết.  Ảnh: V.T

Lấy nước ngày mùng 1

Tết “Kó nhẹ trà” (Tết cổ truyền của người người Hà Nhì) thường diễn ra 3 ngày, bắt đầu vào ngày thìn, không kể đầu tháng hay cuối tháng, tùy từng bản, từng xã tổ chức sớm hay muộn. Đêm đầu tiên của tết được coi như đêm giao thừa. Sáng sớm ngày mùng 1 Tết, người Hà Nhì có tục đi lấy nước. Họ quan niệm rằng: Việc lấy nước đầu năm là lộc và có nguồn nước mới dồi dào sử dụng ngay từ đầu năm sẽ may mắn trong cả năm.

Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo: Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất. Đặc biệt là các loại bánh truyền thống như bánh trôi, bánh giầy, bánh chưng... được các gia đình làm nhiều, không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn chia cho con cháu hưởng lộc ngày tết và làm quà biếu cho khách. Riêng bánh cúng tổ tiên, chủ nhà nặn 3 chiếc to hơn bánh thường và đặt lên tấm lá chuối dâng lên tổ tiên, trình báo năm hết tết đến, mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu và đây được coi là món khai vị ngày tết.

img

Cũng như người Kinh xem chân gà đầu năm, người Hà Nhì có phong tục xem gan lợn đầu năm để biết những điều may mắn sẽ đến với gia đình. Ảnh:  V.D

Sau lễ cúng tổ tiên với bánh trôi, bánh dày là lúc đầu canh ba, nhà nhà thi nhau mổ lợn. Gọi là "thi" vì người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần là được ngay, thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế, những con lợn mổ tết thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm, nhiều con nặng tới hơn 1 tạ.

Con lợn mổ ăn tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì, giống như người Kinh vẫn hay xem chân gà vào dịp tết. Họ nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tắn, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh. Lợn mổ xong, cắt mỗi thứ một ít để cúng tổ tiên. Phần còn lại pha chế thành nhiều món, nhưng không thể thiếu món nộm thịt với vỏ của một loại cây rừng mà họ gọi là “khu phé a pó” - đây là món đặc trưng ngày tết vừa ngon vừa bổ...

Những giá trị sâu sắc

Việc thờ cúng ngày tết của dân tộc Hà Nhì cũng rất gọn nhẹ, có ý nghĩa sâu sắc. Không hương hoa, vàng mã, bày biện như một số dân tộc khác, mâm cúng tổ tiên là các sản vật do chính bàn tay con cháu làm ra như bánh giầy, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt, cơm, thịt. Đặc biệt, việc cúng tổ tiên trong ngày tết của người Hà Nhì là do phụ nữ đảm nhiệm. Nơi thờ cúng bên nội của người Hà Nhì được đặt ngay bên trên đầu giường của vợ chồng gia chủ. Nơi thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp.

Tết của người Hà Nhì ngày nay còn được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm đến chúc mừng, chung vui và tạo điều kiện phát triển về phần hội như các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể thao... Sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới đã làm cho ngày tết của người Hà Nhì thêm phong phú, đa dạng...

Trong mấy ngày tết, khắp trong bản ngoài mường, đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp. Những người cao tuổi cùng nhau đi chúc tết các gia đình với những lời tốt đẹp và tình cảm chân thành. Tại bữa tiệc đầu xuân năm mới, người khách quý nhất sẽ được mời một mâm riêng. Con cháu nội ngoại đều đến chúc tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên, được ông bà chia lộc và chúc phúc rồi quây quần đầm ấm vui vẻ. Bên mâm rượu, họ cùng nhau ôn lại những câu chuyện về lai lịch dòng tộc hoặc những công việc trong năm tới và chia sẻ kinh nghiệm mùa màng. Ngày mùng 1 Tết, người Hà Nhì rất thích các em bé từ 12 tuổi trở xuống, không kể trai, gái đến xông nhà, vì đó là điều may mắn của gia đình.

Sôi động nhất là khu vực hát múa cộng đồng, tiếng sáo bay bổng, tiếng chiêng rộn rã như thúc giục lòng người đến với hội ngày càng đông. Các trò chơi dân gian như đánh cù, đá cầu lông gà... được các chàng trai, cô gái thể hiện say sưa nhiệt tình. Trong bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của mình, từng đôi nam thanh, nữ tú tay trong tay, ánh mắt, nụ cười trao nhau cùng cất lên câu ca trữ tình, những làn điệu dân ca, sơn vũ được lưu truyền từ muôn đời cha ông. Đây là dịp để chàng trai, cô gái đua tài khoe sắc và sau một mùa chơi xuân, biết bao đôi trai gái kết duyên nên vợ chồng, xây dựng hạnh phúc trăm năm.

Vào ngày thứ 3, kết thúc tết “Kó nhẹ trà”, tức là ngày con dê, các gia đình làm một mâm lễ cúng trời đất để cảm ơn đã ban sức khỏe, phù hộ cho dân bản bình an và cầu mong năm mới mùa màng bội thu, súc vật đầy đàn, bản làng yên vui. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đi đâu, làm gì cũng phải có trời đất phù hộ thì mới thành, nên đầu năm mới phải cúng trời đất, cầu mong phù hộ cho cả năm an lành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem