Tưng bừng ngày hội thu hoạch lúa mùa nổi

Trọng Bình Thứ sáu, ngày 16/01/2015 13:00 PM (GMT+7)
“Ngày hội thu hoạch lúa mùa nổi” do UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang) tổ chức hàng năm không chỉ giúp nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm (lúa-gạo mùa nổi) mà còn mở ra cơ hội cho nông dân làm du lịch.
Bình luận 0

Marketing theo cách nông dân

“Ngày hội thu hoạch lúa mùa nổi” thật sự là một cách “marketing” (tiếp thị) đậm chất nông dân. Chẳng hạn như: Tham quan cắt lúa, đập lúa bằng tay, thưởng thức đờn ca tài tử “cây nhà lá vườn…” – lão nông Tư Tùng hồ hởi nói.

img

Người dân xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn) thu hoạch lúa trong ngày hội.    

Anh Nguyễn Văn Lâm đến từ Kiên Giang nhận xét: “Từ hình thức đến nội dung của ngày hội đều mộc mạc, chân quê; chẳng hạn như đi trẹt (một phương tiện đường thủy ở ĐBSCL) từ trung tâm xã vào nơi thu hoạch lúa; xem và nghe nông dân nói về việc trồng lúa và thu hoạch lúa mùa nổi; ăn cơm (gạo mùa nổi) với nông dân. Cách tiếp thị này hết sức độc đáo”.

 

Gạo từ lúa mùa nổi được xem là gạo “siêu sạch” vì không dùng bất kỳ loại phân thuốc hóa học nào. Ban tổ chức quả là tinh tế khi kể cho du khách nghe câu chuyện ngày xưa phụ nữ nơi miền quê này “nhờ rửa mặt bằng nước vo gạo mùa nổi mà da dẻ mịn màng”. Với bề dày hàng trăm năm tồn tại, lúa mùa nổi có một quá trình thăng, trầm và mang trong nó là những giá trị văn hóa lịch sử nhất định. Đặc biệt vài năm gần đây, lúa mùa nổi đã được một số tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm hỗ trợ, tài trợ để khôi phục, phát triển.

Ông Trần Văn Đàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước cho biết: “Năm 2013, 21 hộ nông dân trồng lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ chi phí để thành lập các tổ hợp tác trồng lúa mùa nổi. Với việc tổ chức ngày hội thu hoạch lúa mùa nổi, chúng tôi cũng muốn hướng dẫn nông dân tham gia làm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, qua đó giúp nông dân tiếp cận về giá trị sản phẩm du lịch nông dân và bán sản phẩm của mình”.

Nông dân bán sản phẩm du lịch

“Vụ mùa năm 2013, tổng diện tích lúa mùa nổi ở Vĩnh Phước và Lương An Trà (huyện Tri Tôn) là 43 ha. Vụ mùa năm nay (2014-2015) đã tăng lên gần 100ha với năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha. Theo kế hoạch, diện tích mỗi năm sẽ tăng dần lên, đến năm 2020 là 500ha ” – ông Đàng thông tin.

Song song đó, hoạt động khôi phục lúa mùa nổi cũng như “Ngày hội thu hoạch lúa mùa nổi” cũng đã được nhiều công ty du lịch “để mắt”. Bà Trần Thị Mỹ Linh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh cho biết: “Với xu thế du lịch homestay (nghỉ nhà dân), điền dã cũng như tìm hiểu văn hóa lịch sử vùng nước nổi ngày một tăng của du khách, công ty chúng tôi cũng đang thiết kế thêm những tour chuyến trong mùa nước nổi”.

“Bên cạnh tuyến đường thủy, sắp tới chúng tôi dự kiến nâng cấp tuyến đường bộ dẫn vào vùng lúa mùa nổi đang khôi phục, nhằm hướng tới phát triển du lịch. Phát triển du lịch ở đây (vùng lúa mùa nổi) sẽ kéo theo nhiều sự phát triển khác cho nông dân; trước hết kết hợp làm du lịch, nông dân sẽ tăng thêm thu nhập nhờ bán các sản phẩm du lịch cây nhà lá vườn của mình” – ông Đỗ Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết.

 Với bề dày hàng trăm năm tồn tại, lúa mùa nổi có một quá trình thăng, trầm  và mang trong nó là những giá trị văn hóa lịch sử nhất định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem