Tướng Cảnh sát hình sự và những cuộc "hành binh" triệt phá các băng nhóm "xã hội đen" khét tiếng
Tướng Cảnh sát hình sự và những cuộc "hành binh" triệt phá các băng nhóm "xã hội đen" khét tiếng (kỳ 1)
Nhóm phóng viên điều tra
Thứ sáu, ngày 11/08/2023 07:30 AM (GMT+7)
Trong khoảng 15 năm (1990-2005), hoạt động của những băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Việt Nam tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM đã trở thành nguy cơ lớn cho an ninh trật tự xã hội với những trùm tội phạm như: Khánh Trắng, Dung Hà, Cu Nên và đặc biệt là Năm Cam.
LTS: Nhân kỷ niệm 75 năm thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND và 78 năm ngày thành lập lực lượng CAND (19/8/1945-19/8/2023), Dân Việt khởi đăng loạt bài dài kỳ về cuộc chiến đấu, truy quét những băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động kiểu "xã hội đen" của lực lượng CAND. Những chiến công lừng lẫy đó gắn với tập thể và những cá nhân xuất sắc.
Có thể nói trong khoảng gần hai chục năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, tên tuổi Thiếu tướng Trương Hữu Quốc (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an); Trung tướng Nguyễn Việt Thành (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phụ trách phía Nam, Trưởng ban chuyên án vụ Năm Cam); Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Phó ban chuyên án vụ Năm Cam) và đại tá Cảnh sát hình sự Nguyễn Hữu Ngọc (người trực tiếp bắt giữ Năm Cam và Khánh Trắng) đã gắn với chiến công triệt phá các vụ án băng nhóm xã hội đen xuyên thế kỷ ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… với các trùm tội phạm khét tiếng như: Năm Cam, Khánh Trắng, Dung Hà, Cu Nên, Lâm Già, Phúc Bồ, Tin Palet,Minh Samasa, Dũng "chim xanh", Hoàng "lựu đạn"…
Nhận diện thế giới tội phạm hình sự có tổ chức
Trong một cuộc trò chuyện với các nhà báo, khi nhận xét về cách thức hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự có tổ chức ở các thành phố lớn của Việt Nam từ năm 1990-2010, đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, nguyên Phó phòng 7, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an (người đã trực tiếp bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam và Khánh Trắng) cho biết: Tội phạm có tổ chức ở Việt Nam là những tổ chức bí mật, khép kín, bất hợp pháp được hình thành với mục đích phạm tội. Chúng tổ chức hoạt động tội phạm khá bài bản, có tên cầm đầu chỉ huy, có kỷ luật riêng, có nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự bị tù tội tham gia. Hoạt động phạm tội mang tính chất hệ thống, có sự chỉ huy thống nhất, mục đích cuối cùng là cướp đoạt tài sản và thu lợi bất hợp pháp về kinh tế.
Tại Mỹ, tội phạm có tổ chức được định nghĩa là "tổ chức có từ hai người trở lên trong một thời gian dài thực hiện nhiều hành vi phạm tội có tính truyền thống như trộm, cướp, gây thương tích. Tại Nga, tội phạm có tổ chức được định nghĩa là sự hình thành và hoạt động của các kết cấu phạm tội có tổ chức như các băng đảng, các hội; các tổ chức phạm tội có tổ chức và các hoạt động phạm tội của chúng ở các mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tại Đức, tội phạm có tổ chức được định nghĩa là: "tội phạm có tổ chức là những tội ác có hoạch định trước để gây lợi hay giành quyền lực, được thực hiện bởi hơn hai người trong khoảng thời gian dài". Nhìn chung sự khác biệt cơ bản giữa tội phạm có tổ chức và các loại tội phạm khác là chúng hoạt động chuyên nghiệp hơn, có tổ chức chặt chẽ và ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Thông thường, những tên cầm đầu các băng nhóm tội phạm có tổ chức luôn tìm mọi cách tạo vỏ bọc kín để chỉ huy các thành viên hoạt động phạm tội. Các vỏ bọc này thường được chúng che giấu dưới các vai trò như phụ trách nhà hàng, khách sạn, phụ trách tổ đội lao động, bốc vác thuê, ông chủ các công ty tư nhân, các nhà doanh nghiệp. Thậm chí, trong quá trình gây thanh thế, chúng còn tiến hành cả hoạt động từ thiện để từng bước ra công khai, tạo uy tín và đi vào con đường làm giàu. Chúng móc nối với một số cán bộ cơ quan pháp luật, nhân viên nhà nước biến chất, bằng nhiều thủ đoạn với mục đích lôi kéo họ giúp đỡ, tạo điều kiện che chắn cho bọn chúng trong việc thực hiện và che giấu tội phạm hoặc để trốn tránh pháp luật khi cần thiết.
Những năm 90 của thế kỷ XX, ở Việt Nam, tại một số đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội đã hình thành một số băng nhóm tội phạm khét tiếng bước đầu hoạt động theo kiểu Mafia. Đấy là tổ chức tội phạm có bộ máy chặt chẽ, phân công trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, có "luật rừng" chi phối nhưng tất cả đều bí mật theo kiểu thế giới ngầm. Luật lệ được ghi trong đầu, mệnh lệnh ra bằng miệng, hoạt động hữu hiệu và không để lại dấu vết, chỉ giết chóc khủng bố vì mục đích trục lợi và bảo vệ tổ chức.
Chúng khống chế các hoạt động kinh doanh hợp pháp, điều hành các hoạt động kinh doanh phi pháp, mua chuộc và khống chế một số nhân viên nhà nước có chức quyền, thậm chí lũng đoạn bộ máy công quyền ở một số khu vực. Đứng đầu các tổ chức mafia đó là những "ông trùm", đứng đằng sau chỉ đạo mọi hoạt động tội ác nhưng luật pháp có khi bó tay vì rất khó tìm ra bằng chứng buộc tội các ông trùm. Tuy vẫn còn khoảng cách để có thể so sánh với các tổ chức mafia Âu, Mỹ, nhưng băng nhóm xã hội đen như Năm Cam, Khánh Trắng… đã bước đầu hội đủ một số điều kiện cần thiết để vươn lên tầm cỡ quốc tế.
Tội phạm xã hội đen ở các thành phố lớn hình thành như thế nào?
Trong khoảng 15 năm (1990-2005), hoạt động của những băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Việt Nam tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM đã trở thành nguy cơ lớn cho an ninh trật tự xã hội với những trùm tội phạm như: Khánh Trắng, Dung Hà, Cu Nên và đặc biệt là Năm Cam. Một trong những khắc tinh của các băng nhóm tội phạm này là tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an.
Tướng Phạm Xuân Quắc, sinh năm 1947, quê ở xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ông từng là Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế rồi Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương. Tháng 10/1994, ông được điều động về làm Phó Cục trưởng rồi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (trước là C14 này C02). Ông đã dẫn quân vào Khánh Hòa điều tra, triệt phá băng nhóm tội phạm nguy hiểm có tổ chức của Tin Palét. Tiếp đó ông làm Trưởng ban chuyên án vụ bắt giữ trùm tội phạm Khánh Trắng và đồng bọn ở Hà Nội năm 1996.
Trong một lần trao đổi với báo chí, tướng Quắc cho rằng, xét về mặt tổng kết nghiệp vụ của ngành công an, thì vụ án băng nhóm của Khánh Trắng là một cái mốc quan trọng đánh giá sự phát triển nguy hiểm của tội phạm hình sự ở Việt Nam, từ chỗ tội phạm hình sự hoạt động theo kiểu các ổ nhóm nhỏ lẻ, chúng bắt đầu liên kết vói nhau thành các băng nhóm tội phạm quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ với các hoạt động bảo kê, móc nối theo kiểu xã hội đen, đâm thuê chém mướn và đòi nợ thuê.
"Xã hội đen" là tiếng lóng chỉ "thế giới ngầm" - ám chỉ các thế lực xấu có tổ chức, hoạt động ngoài vòng pháp luật. Từ này được xuất hiện trong xã hội Việt Nam khi có sự du nhập của các phim Hồng Kông vào thập niên cuối của thế kỷ XX, sau đó trở thành sinh ngữ và đến nay đã là một từ phổ biến, kể cả trên báo chí.
Trong "xã hội đen" được phân cấp ra nhiều tầng lớp, các cấp bậc khác nhau. Trong đó tầng lớp thấp nhất là dân anh chị, dao búa, đầu gấu, đâm thuê chém mướn... không có tổ chức. Tầng lớp cao cấp hơn là tội phạm có tổ chức thành các băng đảng và trên cùng là các mafia, các gia đình mafia. Còn gọi chung là "dân xã hội đen", và các đầu đảng là các "ông trùm".
Có thể nói, loại tội phạm có tổ chức nguy hiểm nhất là các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Loại này đã tồn tại ở nước ta ở một số tỉnh phía Nam từ những năm trước giải phóng. Tội phạm "xã hội đen" bắt đầu được xuất hiện trở lại ở Việt Nam vào những năm 1990. Trong chiến dịch truy quét băng nhóm của trùm "xã hội đen" Năm Cam, tướng Phạm Xuân Quắc làm Phó Ban chuyên án cho tướng Nguyễn Việt Thành. Tiếp theo, ông lại cùng lực lượng cảnh sát hình sự ra quân khám phá các băng nhóm tội phạm khét tiếng của Dũng "chim xanh", Hoàng "lựu đạn" rồi tiếp đến là vụ án Hai Chi tại tỉnh Bình Thuận.
Nhận định về các gương măt trùm tội phạm hình sự ở Việt Nam, tướng Phạm Xuân Quắc cho rằng: "Ông trùm" bự nhất, mưu mô xảo quyệt nhất là Năm Cam, sau đó phải kể tới Khánh trắng. Nhưng Khánh trắng thì đã trực tiếp nhúng tay vào việc giết người (chính vì vụ này mà Khánh phải lãnh án tử hình), còn Năm Cam thì luôn đứng phía sau điều hành mọi hoạt động của thế giới ngầm. Năm Cam đã từng được giới giang hồ phía Bắc đón rước như một ông "vua con" và khi ra Hà Nội thường nghỉ tại một khách sạn ở phố Lê Văn Hưu. Năm Cam từng có ý định thống nhất giới giang hồ cả nước vào trong một đầu mối, tay trùm này đã "rửa" khá nhiều tiền thông qua việc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Trước khi bị bắt giữ, Năm Cam bắt đầu có dấu hiệu móc nối, quan hệ với giới tội phạm quốc tế qua các chuyến đi Hồng Kông, Ma Cao…
Cầm đầu các băng nhóm xã hội đen là những tay trùm tội phạm được gọi là ông trùm, thủ lĩnh, đại ca, băng trưởng. Được chọn làm thủ lĩnh thường là những tên có đầu óc tổ chức, có hiểu biết khá rộng về luật pháp, về xã hội và có mối quan hệ rộng rãi, có nhiều tiền án tiền sự và khét tiếng trong giới giang hồ thế giới ngầm. Những tên thủ lĩnh cầm đầu quyết định mọi hoạt động của tổ chức tội phạm xã hội đen nhưng thường ít khi trực tiếp tham gia vào việc gây án, mà điều hành qua cấp dưới là các đàn em có số má làm "đầu lĩnh" và cấp dưới nữa là các "tiểu đầu lĩnh". Sự chỉ đạo gián tiếp đã tạo cơ hội cho các thủ lĩnh cầm đầu ít có nguy cơ bị sa lưới pháp luật.
Trao đổi về quá trình truy quét các băng nhóm tội phạm lớn của lực lượng cảnh sát hình sự trong thập niên cuối của thế kỷ XX, tướng Phạm Xuân Quắc cho biết, từ bài học của vụ án Khánh trắng, lực lượng công an cả nước đã tiến hành rà soát các thành phố lớn để phát hiện các băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen".
Tướng Quắc nhấn mạnh, từ vụ án này đã có sự chuyển biến giai đoạn nhận thức về phương diện tội phạm học và việc tổ chức đấu tranh của lực lượng cảnh sát hình sự. Sau vụ Khánh Trắng, tướng Quắc tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự của Bộ Công an phối hợp với Công an TP Hải Phòng tiến hành trấn áp băng nhóm tội phạm xã hội đen của Phạm Đình Nên (tức cu Nên) và Lâm già từng một thời làm mưa, làm gió ở thành phố Cảng với hoạt động bảo kê các sới bạc, đâm thuê, chém mướn. Tiếp theo, ông lại tham gia cùng lực lượng C14B phía Nam phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tầu điều tra, triệt phá băng nhóm xã hội đen của tay trùm Minh Samasa chuyên bảo kê các cảng cá, cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.
KỲ 2: ĐẠI TÁ NGUYỄN HỮU NGỌC ĐÃ TRỰC TIẾP BẮT GIỮ 2 TRÙM TỘI PHẠM KHÉT TIẾNG NHẤT NƯỚC NHƯ THẾ NÀO?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.