Tương lai nào cho Afghanistan sau khi NATO rút quân?

Thứ sáu, ngày 25/06/2021 20:00 PM (GMT+7)
Vào tháng 4, các đồng minh NATO đã quyết định rút lực lượng của họ khỏi Sứ mệnh hỗ trợ kiên quyết ở Afghanistan, vốn bắt đầu từ năm 2015.
Bình luận 0
Nội chiến ở Afghanistan sẽ xảy ra sau khi NATO rút quân? - Ảnh 1.

Nội chiến ở Afghanistan sẽ xảy ra sau khi NATO rút quân? (Ảnh: Sputniknews)

Hôm 23/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết có khả năng sẽ xảy ra nội chiến ở Afghanistan sau khi NATO rút quân.

"Sau khi các lực lượng NATO rút khỏi đây, rất có thể một cuộc nội chiến sẽ tiếp tục, với tất cả những hậu quả tiêu cực của nó: cuộc sống của người dân ngày càng xấu đi, di cư hàng loạt cùng sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan sang các nước láng giềng", Shoigu lập luận.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng, liên minh đã không đạt được kết quả đáng kể nào trong việc ổn định đất nước mặc dù đã tham gia gần 20 năm. Shoigu nói thêm rằng cần có những hành động cấp thiết để thay đổi tình hình này.

Ông cảnh báo: "Sự phát triển ở Afghanistan đòi hỏi nhu cầu quan tâm đặc biệt của cả các nước láng giềng cùng những tổ chức quốc tế."

Nội chiến ở Afghanistan sẽ xảy ra sau khi NATO rút quân? - Ảnh 2.

Cuộc chiến tại Afghanistan vẫn còn rất phức tạp (Ảnh: Sputniknews)

Cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ

Mỹ đến Afghanistan vào năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, khởi động cho cuộc giao tranh quân sự lâu dài nhất trong lịch sử nước này. Vào năm 2015, NATO đã khởi động Sứ mệnh hỗ trợ kiên quyết tại quốc gia này để tiếp nối kế hoạch trước đó, nhiệm vụ của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế, đã hoàn thành vào tháng 12 năm 2014.

Vào tháng 2 năm 2020, chính quyền Trump đã ký một thỏa thuận với Taliban nhằm bật đèn xanh về việc rút toàn bộ quân đội Mỹ và NATO khỏi đất nước để đổi lấy cam kết không cho phép các phần tử khủng bố al-Qaeda hoạt động trong các khu vực dưới sự kiểm soát của lực lượng này. Kế hoạch ban đầu là Mỹ sẽ rút toàn bộ quân của mình trước ngày 1 tháng 5 năm 2021. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn đến ngày 11 tháng 9 năm 2021.

Vào cuối tháng 4, NATO thông báo rằng họ đã bắt đầu rút các lực lượng khỏi Afghanistan sau lời kêu gọi của Tổng thống Biden về việc triệu hồi các binh sĩ tham gia sứ mệnh 9.600 người. Thời điểm đó, các quan chức NATO nói với truyền thông rằng quá trình rút quân sẽ là một "quá trình trật tự, có phối hợp và có cân nhắc", mặc dù lo ngại rằng điều này sẽ mở đường cho lực lượng Taliban giành được quyền lực trong khu vực.

Một số thành viên NATO, bao gồm cả Anh, bày tỏ sự không hài lòng với việc Biden vội vàng rút quân khỏi Afghanistan, thay vì chuẩn bị các điều kiện cần thiết cũng như đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước này.

Động thái của Taliban

Hôm 22/6, Taliban đã chiếm được cửa khẩu chính của Afghanistan với Tajikistan, chiến thắng quan trọng nhất của lực lượng này kể từ khi Mỹ bắt đầu giai đoạn cuối cùng của cuộc rút quân.

Một sĩ quan quân đội giấu tên nói với AFP: "Chúng tôi buộc phải rút lui khỏi tất cả các trạm kiểm soát... Thậm chí, một số binh sĩ đã vượt biên sang Tajikistan. Đến sáng, các chiến binh Taliban ở khắp nơi; có đến hàng trăm người".

Washington kêu gọi các bên tham chiến ngừng hành động bạo lực và "tham gia vào những cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm xác định một lộ trình chính trị" cho tương lai của đất nước.

"Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi chấm dứt những hành động bạo lực đang diễn ra mà phần lớn là do Taliban thúc đẩy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết hôm 22/6.

Ngày rút quân (11/ 9) vẫn không thay đổi cho đến nay, mặc dù vậy Lầu Năm Góc đã ám chỉ rằng có khả năng quá trình rút quân sẽ bị chậm lại phần nào trong bối cảnh phong trào Taliban đang leo thang. Hơn nữa, điều này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani dự kiến thăm Nhà Trắng.

Lê Phương (Sputniknews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem