Quân đội Nga thử nghiệm tên lửa siêu thanh Avangard. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Thiếu tướng Howard “Dallas” Thompson, nay đã nghỉ hưu, từng là Tham mưu trưởng của Bộ Tư lệnh Mỹ phía Bắc tại Ohio. Trong một bài viết đăng tải trên The Hill vào hôm qua (10.1), ông Thompson cho rằng các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã bỏ mặc việc phát triển hệ thống phòng thủ đủ năng lực đối phó mối đe dọa từ các loại vũ khí siêu thanh.
Theo RT, đã có nhiều lời kêu gọi Washington theo đuổi vũ khí siêu thanh trong bối cảnh Mỹ đang rất chậm hơn so với Trung Quốc – nước có số lần thử nghiệm vũ khí siêu thanh trong năm 2018 nhiều hơn Mỹ trong cả một thập kỷ - và Nga vốn đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh “Avangard” vào hồi tháng 12 vừa rồi. Được biết, tên lửa “Avangrad” có tốc độ Mach 27, sẽ được đưa vào biên chế vào năm nay.
Hiện tại, hệ thống cảm biến, radar của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đang được thiết kế cho một mục đích duy nhất: chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đến từ các đối thủ như Iran, Triều Tiên. ICBM là loại tên lửa có đường bay có thể đoán trước nên các hệ thống phòng thủ của Mỹ như Patriot hay THAAD đều có khả năng cao đánh chặn, bắn hạ ICBM của Iran, Triều Tiên.
Hình ảnh đồ họa về cách hoạt động của tên lửa siêu thanh "Avangard" của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, các hệ thống này lại trở nên vô dụng khi đối đầu với vũ khí siêu thanh. Các tên lửa như “Avangard” bay với tốc độ nhanh, độ cao thấp để tránh bị radar phát hiện. Ngoài ra, các tên lửa loại này còn có khả năng cơ động cao, tránh né các loại tên lửa, rocket đất đối không, giảm thiểu khả năng bị bắn hạ.
“Hiện thực không thể chối cãi là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ cũng như tư duy vận hành hệ thống phòng thủ không có khả năng chống lại mối đe dọa này”, ông Thompson viết trên The Hill.
Theo ông Thompson, cho dù Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào năm 2025 và đang có một số tiển triển trong việc phát triển hệ thống đánh chặn vũ khí siêu thanh, Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải có một chương trình hợp tác lớn với các công ty quốc phòng để đối phó với Nga và Trung Quốc.
“Để chống lại mối đe dọa này, Mỹ cần đầu tư mạnh vào một kiến trúc phòng thủ sâu rộng”, ông Thompson viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.