Tưởng nhớ vị tướng toàn tài

Thứ năm, ngày 16/01/2014 06:40 AM (GMT+7)
Một “đại tang của dân tộc” đã diễn ra suốt những ngày đầu tháng 10.2013. Ngày 14.1 vừa qua, tròn 100 ngày ông mất, phóng viên NTNN ghi lại một kỷ niệm của tiến sĩ Nguyễn Công Ngữ với Đại tướng để tưởng nhớ vị tướng toàn tài.
Bình luận 0
Vị tướng làm công nghiệp

Năm 1978, tôi là cán bộ của Viện Nghiên cứu thực phẩm (Bộ Lương thực- Thực phẩm), thuộc Phòng đường I (chế biến thực phẩm). Tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu chế biến hoa màu thành các sản phẩm lương thực, mà cụ thể là thành mì sợi. Thời kỳ này vừa mới sau chiến tranh nên cả nước rất thiếu và khan hiếm lương thực- thực phẩm. Ngành nông nghiệp được giao trọng trách làm sao bằng khoa học kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho nhân dân.

Một số cơ sở chế biến sợi hoa màu đang được nghiên cứu và xây dựng tại Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đông Anh... Tôi tham gia trực tiếp chế biến sợi hoa màu tại Liễu Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Kết quả khả quan đã tạo ra được sợi mì- trong đó có 50% bột sắn và 50% bột ngô. Đặc biệt trong quá trình chế biến tại Liễu Sơn đã sáng tạo ra phương pháp chế biến mì sợi bằng hạt bo bo (tiểu mạch), nhằm giải quyết vấn đề khó tiêu hóa, dễ gây ra các bệnh đường ruột.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị tướng toàn tài của dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị tướng toàn tài của dân tộc.

Cũng năm đó, có hội nghị khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 2. Trong đó có giải quyết vấn đề phát triển lương thực thông qua các biện pháp khoa học để có thể biến hoa màu thành lương thực. Chủ trì hội nghị lúc đó là Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp.

Thời kỳ này Đại tướng được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ làm Phó Thủ tướng phụ trách khoa học công nghiệp. Tôi nhận được giấy mời họp của Văn phòng Thủ tướng kèm theo yêu cầu phát biểu ý kiến riêng về chế biến và bảo quản lương thực, thực phẩm. Ý kiến yêu cầu phải gửi về Văn phòng Thủ tướng trước ngày 25.3.1978. Hội nghị khoa học kỹ thuật toàn quốc lần 2 được Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì theo sự phân công của Bộ Chính trị.

Sau khi nhận được giấy mời với tư cách là cán bộ, tôi báo cáo lại đơn vị chủ quản và giám đốc viện đã đồng ý sắp xếp cho đi họp. Hai ngày sau Viện trưởng thông báo: “Không cần thiết phải đi họp nhưng phát biểu ý kiến bằng văn bản và gửi lên Văn phòng Thủ tướng”.

Lãnh đạo phải lắng nghe nhà khoa học

Khi văn bản gửi lên Văn phòng Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Văn Hưởng- Phó Chủ nhiệm Văn phòng 10 thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp có xem những ý kiến đề xuất và tâm đắc với những điều tác giả viết.

Đại tướng nhấn mạnh nên động viên khai thác lực lượng nông dân miền Bắc sẵn sàng bán hoa màu lương thực cho Nhà nước theo giá quy định nhưng Nhà nước phải có chế độ ưu tiên ngược lại như: Cấp phát sách vở, quần áo, nhu yếu phẩm… (không nên chỉ khai thác lòng yêu nước của nông dân mà còn phải có bồi dưỡng vật chất). Tôi báo cáo với Văn phòng Thủ tướng- (đại diện lúc đó là đồng chí Vũ Tuân) là Viện không cho đi. Đồng chí Vũ Tuân nói: “Cứ đi họp rồi về báo cáo sau”.

Tết này, nhớ đến Đại tướng, tôi quay trở về Vũng Chùa viếng mộ. Mùa xuân đã về với Quảng Bình, cả đất trời chìm trong hương sắc của năm mới đang đến gần, tôi xin phép thắp lên trên mộ ông những nén tâm nhang chân thành trước người anh hùng dân tộc. Xin chúc ông yên nghỉ và đem lại bình yên cho những mùa xuân của dân tộc.

Tôi đang đi họp được nửa chừng thì có lệnh triệu tập về họp thi đua ở Viện (vì lúc đó tôi là phụ trách thi đua ở Viện). Nhưng khi về Viện thì không có cuộc họp đó nên tôi quay lại hội nghị khoa học. Ở đây tôi đã được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phần kết luận đã nhấn mạnh: “Các cấp lãnh đạo cơ quan khoa học phải thường xuyên lắng nghe các nhà khoa học, không trù dập các nhà khoa học, khi có những bất đồng thì phải trao đổi...”.

Kết thúc hội nghị khoa học, tôi trở về Viện và nhận được yêu cầu phải làm bản kiểm điểm vì đã tự ý đi họp. Thông tin đó tới tai Võ Đại tướng và ông tỏ ra rất bực mình. Đại tướng yêu cầu phải làm rõ sự việc và thậm chí khiển trách cán bộ lãnh đạo của Viện nếu cần. Ba hôm sau thì tôi được tin lãnh đạo của Viện bị cách chức và vụ việc đưa tôi ra làm kiểm điểm cũng chấm dứt…

Sau này, sợi chế biến từ bo bo đã có nhiều thành công đáng kể. Đã được Bộ Lương thực- Thực phẩm chỉ đạo đưa vào chế biến phục vụ cho các cháu ở các trường mẫu giáo để tránh các bệnh về đường ruột; còn được sử dụng ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Vĩnh Phú, Hà Nội... Cũng trong thời gian theo dõi chỉ đạo xây dựng Cụm chế biến, tôi đã thực hiện được sáng kiến biến hạt (tiểu mạch) thành sợi và đã giải quyết được vấn đề ăn hạt mì gây ra bệnh táo bón và kiết lỵ cho trẻ mẫu giáo, nhờ đó đã giải quyết được việc tăng thực phẩm một cách tốt hơn.

Gần 40 năm trôi qua, tôi vẫn giữ nguyên tờ giấy mời họp có tên Võ Đại tướng để kỷ niệm về ông năm đó. Một nhân cách trong sáng và hết lòng vì sự nghiệp chung.

Thiên Việt (Ghi) (Thiên Việt (Ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem