Tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ chuyện trận mạc

Thứ hai, ngày 30/04/2012 07:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tướng Phạm Xuân Thệ từng là người áp giải Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng trong ngày 30.4 lịch sử, rồi trở thành Tư lệnh Quân đoàn 2, sau đó là Tư lệnh Quân khu 1.
Bình luận 0

Vị tướng tài ba, dày dạn chiến trường Phạm Xuân Thệ đã chia sẻ về những kỷ niệm trận mạc và thuở hàn vi.

Nhai ngô nhặt chữ

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, vị tướng nổi tiếng trong Ngày Giải phóng miền Nam không ngại nhớ lại hình ảnh của mình hơn 50 năm về trước. Ông chậm rãi kể: "Tôi sinh ngày 24.8.1947 nhưng mãi đến năm 1956 tôi mới được đi học lớp 1 ở trường làng. Quê tôi ở Hà Nam, một tỉnh bán sơn địa, đồng chiêm trũng. Huyện Kim Bảng của tôi 3 phần núi, 1 phần đồng, phần đồng cũng thuộc loại chiêm khê mùa thối nên việc học hành của chúng tôi thời kỳ đó rất ít. 9 - 10 tuổi chúng tôi còn cởi truồng chạy lồng ngồng ngoài đồng.

img
Tướng Phạm Xuân Thệ với tấm ảnh chụp ông dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh ngày 30.4.1975

Suốt 7 năm đi học cấp 1, cấp 2, tôi không phải là người học giỏi. Bởi lẽ nhà tôi rất khó khăn nên cứ sáng đi học còn chiều về phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Cứ mỗi sáng sớm, mẹ tôi rang cho tôi một nắm ngô. Nhà tôi cách trường gần 1 cây số, cứ nghe tiếng trống trường đánh tùng tùng là tôi cho nắm ngô vào túi áo bà ba rồi vừa chạy vừa vã ngô vào mồm nhai và nuốt. Tôi học không chăm nhưng lại có trí thông minh nên vẫn nhận thức được bài vở chứ không đến nỗi thua kém bạn bè".

Năm 1964, sau khi học hết lớp 7, cậu thanh niên Phạm Xuân Thệ xung phong vào bộ đội nhưng không được tuyển vì chưa đủ tuổi. Tháng 2.1965, Nhà nước xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, ông liền đi tuyển công nhân và được chấp nhận ngay. Đó là lần đầu tiên ông thoát ly gia đình.

Nhớ lại thời điểm đó, Tướng Thệ cười thoải mái: "Hành trang của tôi lúc đó chỉ có cái ba lô vuông bằng vải tự may mang theo 3 bộ quần áo bà ba vải nâu. Lên Thác Bà tôi mặc quần áo bà ba làm con gái họ cười nhiều lắm. Công nhân Thủy điện Thác Bà lúc đó có hàng vạn người nhưng chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng lên nên họ toàn mặc quần âu, áo sơ mi các kiểu. 6 tháng sau, tôi lại được cử đi học lớp lái xe của công ty".

Tháng 6.1967, học lái xe xong, đúng lúc Nhà nước ta xây dựng sân bay Yên Bái, Phạm Xuân Thệ và các đồng nghiệp được phân công lấy đá từ trong Thác Bà rồi chở ra ga Cổ Phúc. Chặng đường chỉ có 60 cây số nhưng vô cùng nguy hiểm vì phải đi qua cửa tử là thị xã Yên Bái. Những năm đó, giặc đánh thị xã Yên Bái vô cùng khốc liệt. Nhiều lái xe đã hy sinh. Tháng 8.1967, thấy thông báo tuyển bộ đội, ông liền xung phong đi ngay.

Tướng Thệ hào hứng nhớ lại: "Ngày 5.8, tôi nhập ngũ tại công ty với khoảng 1.000 thanh niên khác. Sau đợt huấn luyện, tôi được phân về đơn vị vận tải của Quân khu Việt Bắc. Thế nhưng tôi và một số đồng đội nữa không muốn tiếp tục lái xe mà thích tham gia bộ binh rồi vào chiến trường. Chúng tôi làm đơn và được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 250 rồi hành quân đi B".

Những kỷ niệm tử sinh

Sau khi được về nhà ăn Tết Mậu Thân, ngày 6.2.1968, người lính trẻ Phạm Xuân Thệ bắt đầu cùng đơn vị đi B. Cứ đi bộ theo đường giao liên, hơn 2 tháng sau, ông mới vào đến chiến trường. Đêm 15.2, tại một xã ở huyện Phù Cừ, Hưng Yên, ông đã được kết nạp Đảng. Lần đó, có 3 người được kết nạp nhưng sau đó cả 2 đồng chí kia đều hy sinh.

Ngày 15.4.1968, ông Thệ được bổ sung vào Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Ngày 2.5.1968, chàng lính trẻ Phạm Xuân Thệ được phân công đi tiêu diệt một cao điểm có một đại đội Mỹ đang chiếm giữ.

img
Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Phạm Xuân Thệ đội mũ cối đứng bên phải trong bức ảnh.

Tướng Thệ nhớ lại: "Lúc đi tôi cũng hăng hái lắm nhưng đến khi trườn bò đến hàng rào của địch thì tôi bắt đầu thấy sợ. Vào đến nơi cứ thấy địch là tôi bắn, không hiểu là giết được bao nhiêu tên. Trận đó cũng nhiều người thương vong nhưng tôi may mắn không bị sao cả. Đến 8 giờ sáng chiếm được cao điểm thì 2 đại đội đặc công rút về, trung đội của tôi còn 14 - 15 người thì được giao nhiệm vụ ở lại chốt giữ cao điểm đó”.

Liên miên với những trận đánh và những chiến dịch lớn, chỉ đến khi bị thương nặng vào năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị, Tướng Thệ mới có cơ hội để quen với người vợ bây giờ. Cưới xong được ít ngày, ông nói dối vợ là vào đơn vị cũ thăm đồng đội thế rồi ở lại luôn Trung đoàn 66, Sư 304 cho đến ngày toàn thắng mới trở về quê hương.

Ngày 4.5, địch tấn công lên cướp lại cao điểm. Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Miêng quê ở Lý Nhân được phân công chốt giữ một mỏm cao nhất và sát với địch nhất. Thấy một thằng Mỹ to cao lừng lững đi đến trước mặt mình, tôi liền siết cò. Thằng Mỹ ngã sõng soài cách cửa hầm tôi chỉ khoảng 3m. 2 thằng Mỹ khác tiếp tục bò lên, tôi siết cò loạt nữa.

Bọn Mỹ lập tức rút lui, bom pháo của chúng tiếp tục đánh lên nhưng không đánh vào mỏm của tôi mà đánh ra phía sau vì chúng sợ đánh vào xác quân chúng nó. Cả ngày hôm đó, địch tấn công nhiều lần nhưng đều bị quân ta đẩy lùi. Đêm pháo địch giã vào liên tục.

Ngày hôm sau địch tiếp tục tấn công lên nhưng vẫn bị đẩy lui. Địch khôn hơn nên bò sát đất. Tôi bỗng nghe thấy phía đồng chí Miêng nổ một loạt AK rồi lại nghe thấy tiếng tiểu liên cực nhanh của địch đáp trả. Sau đó tất cả đều im ắng. Một lúc sau tôi bò sang ngách đó thì thấy đồng chí Miêng bị dính một vệt đạn nằm hy sinh ngay cửa hầm. Tôi lôi đồng chí Miêng vào hầm vuốt mắt và nằm cố thủ trong đó mấy ngày liền.

Ngoài gạo rang ra, tôi còn thu được ít đồ hộp và nước uống trên người 3 thằng Mỹ bị bắn chết nên không bị đuối sức. Đến ngày thứ 6 thì địch ngừng tấn công. Lúc này, đơn vị cho người lên tìm và cho chúng tôi rút về".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem