Tường trình của một F2 từ khu cách ly dịch Covid-19

Phương Hà Thứ tư, ngày 11/03/2020 15:46 PM (GMT+7)
Khi gia đình tôi còn chưa nhận được yêu cầu cách ly để phòng dịch Covid-19, điện thoại tôi đã gần như cháy máy với những câu hỏi: Cảm giác thế nào, có sợ không? Liệu có dương tính với corona không? Có cần gì không? Có thấy sốt, đau họng không? Nhưng buồn hơn, là những lời cảnh báo trên cộng đồng Group dân cư, nơi chúng tôi đã sinh sống hàng chục năm qua.
Bình luận 0

Bỗng dưng… là F2 vì Covid-19!

Có sợ dịch Covid-19 không à? Tôi chẳng sợ gì cả vì Việt Nam hiện đang là quốc gia được đánh giá là quốc gia chống dịch tốt, thậm chí được WHO khuyến cáo là mô hình để các quốc gia học hỏi kinh nghiệm. Nếu chẳng may bị nhiễm virus corona thì tôi cũng tin rồi sẽ được chữa khỏi.

Nhưng có lo lắng trong dịch Covid-19 không à? Tôi lo chứ, lo lắm vì những ngày qua tôi toàn tiếp xúc với những người thân trong gia đình, đã thế lại toàn người già và trẻ em.

Tôi còn lo vì gánh trên vai nỗi lo của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, những người cả chủ động lẫn vô tình tiếp xúc với tôi trong những ngày tôi chưa hề biết mình rơi vào diện cần phải cách ly.

img

Nơi tôi được cách ly phòng dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đống Đa

Từ Tết âm lịch đến nay tình hình dịch bệnh đã có lúc cận kề mức an toàn bỗng chốc bùng lên sau chuyến bay VN0054 hạ cánh ngày 2/3 tại Nội Bài.

Đêm 6/3 ấy cả Hà Nội không ngủ, gia đình tôi và tôi cũng không ngủ vì những thông tin về tình hình dịch bệnh dồn dập với diễn biến phức tạp sau khi bệnh nhân số 17 nhiễm dịch Covid-19 được công bố.

Nhưng đâu có ngờ chỉ một ngày sau đó, tối 7/3 gia đình tôi bỗng rơi vào diện cách ly tập trung vì chồng tôi có mặt trong buổi làm việc với bệnh nhân 21 từ khi bệnh nhân chưa khởi phát bệnh.

Sáng 8/3, mở mắt sau một đêm mệt mỏi vì những khai báo, áp lực lo lắng, băn khoăn để chấp hành lệnh cách ly, còn chưa kịp biết liệu sẽ cách ly dịch Covid-19 ở đâu thì bản danh sách F1, F2 cùng những cái tên gần 400 trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân 21, trong đó có tên chồng tôi được tung đầy trên mạng.

Và thế là, hàng chục cuộc gọi, hàng trăm tin nhắn hỏi han, truy vấn cùng chia sẻ. Lúc đó tôi mới biết rằng, thậm chí không ít các trường hợp F1 trong danh sách đó đã phải chấp hành lệnh cách ly tập trung ngay trong đêm 7/3 mà không thể chờ được đến sáng.

img

Chúng tôi là trường hợp thuộc diện F2, được xe y tế chở đến khu vực cách ly chờ xét nghiệm. Nhưng ngay sau đó, đã có ảnh xuất hiện trên mạng xã hội với những ngôn từ "Toang rồi ..."

10h00 sáng, cảnh sát khu vực, đại diện chi bộ và y tế phường đến nhà đọc quyết định cách ly cả gia đình tôi đủ 14 ngày kể từ ngày chồng tôi có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính với Covid-19.

4h00 chiều xe cấp cứu 115 ủ còi cùng 3 nhân viên trùm kín bưng như người ngoài hành tinh lao đến giục giã. Trên xe nhiệt độ nóng như lò ấp trứng, chắc không nóng bằng những ánh mắt nhòm ngó, e dè của hàng xóm lẫn người đi đường, cảm giác thật không dễ chịu. Chỉ 10 phút lướt trên đường, chiếc xe dừng trước khu Truyền nhiễm của bệnh viện Đống Đa.

3 tầng của Khoa truyền nhiễm BV Đống Đa ước khoảng 20 chục phòng, mỗi phòng có từ 2- 4 giường, có phòng rộng chừng 10m2, nhưng có phòng chắc chỉ 4-5m2. Toàn bộ khu nhà được dùng làm nơi để cách ly các trường hợp nghi nhiễm và có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với virus corona.

Đợt này, 6 bệnh viện trong nội thành được chỉ định là nơi cách ly cho các trường hợp tiếp xúc trực tiếp và nghi nhiễm virus corona, là các bệnh viện: BV Đống Đa, BV Hà Đông, BV Đức Giang, BV Bắc Thăng Long, BV Thanh Nhàn và BV Saint Paul.

img

Khu vực cách ly Covid-19 nơi chúng tôi ở, được ngăn cách với các khu vực khác

Ở phòng cách ly bệnh viện Đống Đa - nơi chúng tôi chờ xét nghiệm, có phần "cao cấp" hơn một số địa chỉ khác được bạn bè tôi kể. Chế độ được miễn phí hoàn toàn cho những nhu cầu tối thiểu, kể cả ba bữa ăn trong ngày với mức 80k/ngày/người. Bữa sáng hôm có xôi, hôm thì bánh cuốn. Hai bữa cơm tiêu chuẩn có trứng, thịt, rau và lạc.

Ngày hai lần y tá đến kiểm tra thân nhiệt, hỏi han các biểu hiện lạ. Nhân viên vệ sinh dọn dẹp phòng 2 lần/ngày trong trang phục áo đi mưa kín người từ đầu đến chân, tuyệt đối không hở chỗ nào. Chị nhân viên vệ sinh ngày nào cũng nhắc nhở giữ vệ sinh chung, vừa dọn vừa bảo: "Ngày nào cũng mặc thế này 16/24 h/ngày suốt hàng chục ngày nay rồi".

Chúng tôi được yêu cầu hạn chế trao đổi, giao tiếp và phải chấp hành quy định đeo khẩu trang 24/24 kể cả lúc đi ngủ và chỉ trừ lúc ăn. Trong phòng có camera giám sát để nhắc người chịu cách ly không được bước ra khỏi khu vực quây chắn, bù lại sóng wifi lúc nào cũng "căng đét".

Các F và nỗi lo bị "thăng hạng"

Kết quả xét nghiệm của chồng tôi âm tính mang theo niềm vui bước đầu, cởi bỏ được gánh nặng lo lắng cho nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người hàng xóm hiểu biết và tình cảm. 

Bởi trước đó, nhiều anh em bạn bè, đồng nghiệp vô tình hay có tâm gặp gỡ chúng tôi bỗng chốc bị đeo trên mình tảng đá nghìn cân thành F3, F4, F5, ... mang cánh cánh nỗi lo về dịch Covid-19.

Thậm chí, có người chẳng biết tôi là ai nhưng tiếp xúc với bạn tiếp xúc với tôi bỗng dưng thành F3, F4… thậm chí nếu cứ suy luận danh sách sẽ dài mãi tới F thứ n.

img

Khu vực cách ly Covid-19 tại Bệnh viện Đống Đa, nơi chúng tôi ở trong khi chờ kết quả xét nghiệm

Theo quy định phải nghiêm túc khai báo khi xuất hiện nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm và nguồn có khả năng nhiễm khiến nhiều tình cảnh dở khóc dở cười vì nỗi lo bị "thăng hạng" nếu F1 nhà tôi không may có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

Cùng chung cảnh ngộ "vô duyên" vướng phải vòng quay "F" của Covid-19, người cảm thấy rắc rối và bất tiện khi bị cơ quan, cộng đồng hỏi thăm, truy vấn, người thì bị cho nghỉ làm tự cách ly 14 ngày một cách bất đắc dĩ, người lại cám ơn vì bỗng dưng có lý do chính đáng để được nghỉ, lại có người thậm chí tiếc là không gặp trước đó để có lý do chính đáng mà xin nghỉ làm… 

Thôi thì, tu mi tỉ muội các cung bậc cảm xúc mà các "Ép" của gia đình tôi phải trải qua trong những ngày cách ly phòng dịch chờ kết quả xét nghiệm!

Bi hài vô vàn hệ lụy khi bị là "Ép"

Kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 của chồng tôi - có nghĩa là, những ai tiếp xúc với anh trước ngày 8/3 (ngày anh tiếp xúc với bệnh nhân 21) đều an toàn. Chúng tôi cũng được cơ quan y tế đưa về nhà tự cách ly, không cần cách ly ở bệnh viện nữa. Nhưng những hệ lụy từ việc bị dính là "F" do Covid-19 vẫn còn đó. 

Nỗi lo lắng đè nặng nhất trong những ngày "dính" cách ly là danh tính và thông tin cá nhân bị post đầy trên mạng. Trên mạng xã hội, trong Group dân cư ảnh chồng tôi được đưa lên và có những người "soi mói", bình luận và truy vấn như "tội phạm". 

Thậm chí, có người truy cả chức danh, công việc, bình luận xem chức thế là to hay nhỏ, đến xe gửi trong hầm là xe nào… họ cũng phải tìm ra bằng được để còn biết mà tránh sờ vào.

Thương nhất là con gái tôi, sau khi có thông tin cháu thuộc diện phải cách ly, gia đình đã chủ động báo cáo với cô chủ nhiệm. Nhưng sau đó, cháu mếu máo bảo tôi: "Mẹ ơi thông tin con bị cách ly đầy trên mạng rồi". Cháu kể mà như khóc: "Họ bảo ở khu Hồ Giảng Võ toang rồi, vừa có 3 người bị "bế" đi, còn kèm theo ảnh chụp nhà mình mẹ ạ!".

Nhưng chuyện cách ly nhà tôi vẫn còn "nhẹ" nếu so với một số đồng nghiệp của chồng tôi hay bạn bè tôi phải chịu. 

Có trường hợp F2 cách ly vì Covid-19 còn bị người ta dùng xích khóa cổng lại. Thậm chí, có trường hợp thuộc diện F1 trong danh sách tiếp xúc với bệnh nhân 21 còn bị tung tin dương tính với corona. Gia đình sau đó đã phải báo cáo Công an phường làm rõ, xử lý người tung tin thất thiệt. 

Lại có trường hợp, hàng ngày được loa phường bêu tên với thông tin lịch trình chi tiết tới giờ đã đi đâu, làm gì?

Có những người chỉ do vô tình tiếp xúc với những người thuộc F1, F2 ngay lập tức bị các "Ép" dưới liên tục truy vấn, hỏi han, trách cứ và coi như "tội đồ" đem con virus corona về gây nguy cơ cho bao người.

Hôm nay, sau 3 ngày phải cách ly tập trung , sau khi chồng tôi có kết quả xét nghiệm âm tính, mẹ con tôi được trở về căn nhà quen thuộc để được cách ly tại nhà (chồng tôi vẫn đang ở khu cách ly tập trung). 

Vậy nhưng, trên Group khu dân cư tôi đang sống vẫn dành cho hai mẹ con tôi những lời "cảnh báo": "Chúng ta nên hạn chế tiếp xúc với vợ con ông Đ., nếu có tiếp xúc nhớ đeo khẩu trang và đứng xa một chút".

Tôi biết, quanh chúng tôi vẫn có những người hàng xóm tốt, thăm hỏi, động viên. Ở nhiều nơi, hàng xóm đều hỗ trợ gia đình bị cách ly bằng tình cảm, sự trách nhiệm cộng đồng.

Thế nhưng, tôi nghĩ sau đợt cách ly Covid-19 với số lượng F1, F2 liên quan đến các bệnh nhân vừa phát hiện tại HN trong những ngày qua, có lẽ nhiều người sẽ phải đi điều trị tâm lý!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem