Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phóng viên NTNN đã trao đổi với chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi về những nút “thắt - mở” trong câu chuyện lãi suất này.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng tuyên bố hạ lãi suất của NHNN trong bối cảnh vẫn chủ trương thắt chặt tín dụng (cả về chủ quan phía NHNN cũng như khách quan ở các NHTM) được nhiều ý kiến đánh giá là không mang nhiều ý nghĩa trên thực tế. Ông có đồng tình với nhận định này?
- Xét cho cùng, tuyên bố hạ lãi suất lần này của NHNN vẫn là một giải pháp can thiệp bằng biện pháp hành chính - chứ chưa phải là một giải pháp điều chỉnh theo những yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô và thị trường tín dụng- tiền tệ. Mặc dù tôi thường không đồng thuận sử dụng những biện pháp hành chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong suốt 5 năm qua nhưng nếu cho rằng tuyên bố này không mang ý nghĩa trên thực thế thì tôi không cùng quan điểm đó.
Lãi suất tăng cao đang gây sức ép cho nhiều doanh nghiệp. |
Tại sao? Cân đo lại những tổn thương do lạm phát kéo dài suốt 5 năm 2007-2011 và tình trạng tiêu cực (có hệ thống) của thị trường lãi suất qua suốt thời gian 6 tháng cuối năm 2011 cho đến nay thì nếu không kéo lãi suất và lạm phát xuống được trong năm nay, nền kinh tế sẽ có nhiều rủi ro bị rơi vào một chu kỳ khủng hoảng lạm phát khác trầm trọng hơn. Đó là yếu tố tích cực vậy(?!).
Tuy nhiên, nếu buộc các NHTM hạ lãi suất thời điểm này thì theo ông liệu có phải NHNN đang “ép” các NHTM về thời điểm hay không? Ông có bình luận gì về điều này?
- Đã là một biện pháp hành chính thì hẳn nhiên, trực tiếp và hoặc gián tiếp, đâu đó cũng là một sự “thúc ép”. Nếu hiểu như vậy thì sự “thúc ép” này từ NHNN đến các NHTM đã phải được bao lót một mạng lưới an toàn (có lợi tối thiểu) cho người gửi tiền. Ngược lại, nếu chỉ là một “thúc ép” một chiều thì có thể sẽ có những phản ứng gây những hệ quả không lường trước từ người gửi tiền và các NHTM.
Về thời điểm hạ sớm hoặc trễ, hạ lãi suất này là gì, bao nhiêu và ai trả? Tôi hy vọng Chính phủ và NHNN đã có câu trả lời này. Tôi thiên về hướng đã trễ.
Lãi suất huy động hạ xuống 1% trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá như giá gas tăng 20%, giá xăng dầu tăng 10% kéo theo nhiều mặt hàng khác chắc chắn cũng sẽ tăng. Vậy theo ông việc hạ lãi suất huy động vào thời điểm này liệu có gây phản ứng gì tiêu cực hay không?
- Quản lý và điều hành kinh tế và đặc biệt trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của chúng ta dường như cứ mãi đi trên những lối mòn “nghịch lý”. Nói một cách khác: Chúng ta vẫn cứ mặc nhiên dung túng và tạo thêm ra “những nghịch lý”. Giá năng lượng tăng vì yếu tố bên ngoài là chấp nhận được nhưng giá tăng nhanh và tăng đều hơn vì những yếu tố nội tại cơ chế của hệ thống khai thác-chế biến-sản xuất-nhập khẩu-phân phối-kinh doanh như hiện nay là một lối mòn nghịch lý kinh niên – góp phần làm lệch việc kiềm chế và triệt tiêu sức đề kháng con bệnh lạm phát kinh niên của Việt Nam.
Kể từ quý IV/2011 đến nay, nhiều NH cũng đã tuyên bố hạ lãi suất cho vay nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn rẻ hơn khiến dư luận và doanh nghiệp nghi ngờ rằng việc hạ lãi suất chỉ là trên giấy? Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân và các hộ nông nghiệp, ngư nghiệp đã không tiếp cận và nhận được những khoản vay. Đó là một thực tế: Nói vậy mà không phải vậy. Cứ nhìn và tính lại các công ty, tổng công ty, tập đoàn quốc doanh và các nhóm lợi ích đã tiếp cận và nhận được tỷ lệ tín dụng cỡ nào trên tổng tín dụng của nền kinh tế thì có thể thấy nguyên nhân.
Nếu nhìn nhận theo cách như vậy thì rõ ràng với lần hạ lãi suất huy động này, người gửi tiền sẽ chịu thiệt vì lãi suất đang thấp đi trong bối cảnh lạm phát vẫn đang là thách thức, trong khi đây lại chưa phải là yếu tố buộc lãi suất cho vay hạ nhiệt tương ứng?
- Lạm phát kinh niên kéo dài trong 5 năm qua và khả năng kiềm chế con bệnh này của Ngân hàng Nhà nước (cùng với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư) mới thật sự là vấn đề nhức nhối cho nền kinh tế và cho người nghèo chưa có tiền tiết kiệm, kế đến người có tiền tiết kiệm và gửi tiền tiết kiệm.
Lạm phát cao và kinh niên đã khiến hệ thống ngân hàng và người gửi tiền trong xã hội bị cuốn hút và rơi vào cái bẫy của những “cơn nghiện” lãi suất cao. Lạm phát là người sản xuất-chế biến. Ngân hàng là người phân phối chất nghiện. Người gửi tiền là người bị nghiện. Không và chưa kiềm chế được lạm phát thì chưa thể hạ lãi suất tương ứng – nhất là bằng một giải pháp hành chính.
Theo nhận định của ông, phản ứng của thị trường sẽ như thế nào? Liệu các NH nhỏ có xảy ra hiện tượng thiếu thanh khoản không, liệu có tái diễn tình trạng “đi đêm” lãi suất ở các NH nhỏ?
- Các ngân hàng nhỏ hoặc yếu (nhóm 3 và 4 theo xếp loại của NHNN) đã và đang trong tình trạng yếu và thiếu thanh khoản. Với kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay thì hầu hết các hoạt động của hai nhóm này (đặc biệt nhóm 4) đang và sẽ được NHNN chăm sóc khá kỹ. Như vậy, nếu chấp hành theo đúng quy trình thì vấn đề thanh khoản của hai nhóm ngân hàng này cũng sẽ được NHNN kiểm soát và quản lý vì vậy sẽ khó có tình trạng “đi đêm” như trước đây.
Theo ông làm thế nào để giám sát việc giảm lãi suất huy động đồng nghĩa với hạ lãi suất cho vay một mức tương ứng? Có nên duy trì trần lãi suất nữa hay không?
- Đây là vấn đề chế tài của NHNN và các cơ quan liên quan đối với hệ thống ngân hàng. Rất khó đối với cơ chế và môi trường hiện nay. Tuy nhiên, việc giám sát chắc sẽ khả thi hơn nếu NHNN và các cơ quan liên quan thật sự muốn giám sát và chế tài.
Áp đặt trần lãi suất vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và khẩn cấp. Tôi nghĩ rằng những quan niệm - giải pháp - thời điểm áp dụng “trần” trong một số lĩnh vực kinh tế và đặc biệt với chính sách tiền tệ là một trong những yếu tố chính khiến cho NHNN không phát huy được hết các công cụ khác của một Ngân hàng Trung ương trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát. Vì vậy, tôi mong muốn NHNN sẽ sớm thực hiện vai trò của một Ngân hàng Trung ương và giải pháp hành chính “trần” sẽ không còn ưu tiên nữa.
Xin cảm ơn ông!
Hương Thủy (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.