Phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hoá - bước đột phá trong nông thôn mới ở Kim Phú
Tuyên Quang: Dân nơi này có bí quyết gì làm kinh tế mà thu nhập tăng vù vù, đạt 43,2 triệu đồng/người/năm?
Thu Trang
Thứ năm, ngày 02/12/2021 13:58 PM (GMT+7)
Với quan điểm nhất quán, Đảng bộ và nhân dân xã Kim Phú (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong triển khai phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, góp phần kết nối cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng NTM bền vững và nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người ở Kim Phú (Tuyên Quang) đạt 43,2 triệu đồng/năm
Mục tiêu của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM) là để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân; không phải chỉ là công trình xây dựng cơ bản mà cũng cần quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.
Xác định đó là điều cốt lõi trong xây dựng NTM, xã Kim Phú đã tập trung xây dựng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững với những mô hình sản xuất nông nghiệp, thương mại được đầu tư bàn bản, có khoa học.
Thăm mô hình vườn kiểu mẫu của gia đình ông Nguyễn Duy Lý (thôn 20) với diện tích hơn 2ha, chủ yếu trồng bưởi, ổi, mới thấy được sự cố gắng vươn lên từ những khó khăn đó.
Ông Lý chia sẻ: Trước đây mảnh đất hơn 2ha này là khu vườn tạp, không có giá trị kinh tế. Khi có chủ trương của xã về xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu, ông đã mạnh dạn đăng ký ngay.
Lúc đầu ông trồng các loại quất, hồng, nhãn nhưng đều thất bại, hiệu quả không cao. Sau khi nghiên cứu, học hỏi ông đã chuyển sang trồng bưởi Diễn và ổi.
Đến nay, có thể khẳng định cây ổi, bưởi đều cho năng suất cao, chất lượng ngon, rất phù hợp với đất Kim Phú. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Lý bỏ túi gần 200 triệu đồng.
Từ thành công của mô hình nhà ông Lý, đến nay Kim Phú đã nhân rộng ra nhiều mô hình vườn cây ăn quả được quy hoạch khoa học mang lại doanh thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Không chỉ có các mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao mà Kim Phú còn hình thành các HTX phát triển sản xuất thương mại và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ.
Như HTX mỳ Thuận Yến (thôn 22), mỗi ngày sản xuất trên 1 tấn sản phẩm mỳ gạo các loại và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.
Kim Phú cũng đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu như: Gạo chất lượng cao Kim Phú, ổi Kim Phú, mỳ gạo Thuận Yến, tất cả đều được xây dựng theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ.
Ông Lưu Hồng Châm – Chủ tịch UBND xã Kim Phú chia sẻ: Từ thành công của các mô hình phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập của người dân xã Kim Phú đã đạt 43,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,26%.
Làm kinh tế giỏi còn giữ gìn bản sắc văn hoá
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, thì việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa bản sắc trước xu thế đô thị hóa cũng rất quan trọng.
"Vì vậy, ngoài việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, xã Kim Phú còn trú trọng tới đời sống tinh thần, văn hoá của người dân, đặc biệt là đồng bào tộc thiểu số" – ông Châm nhấn mạnh.
Sau 10 năm xây dựng NTM, Kim Phú có 28/28 thôn ở đạt tiêu chuẩn văn hoá theo quy định; 100% thôn xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước cộng đồng. Toàn xã có 45 câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật, thể thao hoạt động thường xuyên.
Đến nhà văn hoá thôn 14 xã Kim Phú chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với cách trang trí và hoạt động văn hoá của bà con nơi đây.
Trưởng thôn Vũ Đức Lợi cho biết: Trước đây mọi hoạt động của thôn đều phải nhờ nhà dân, sinh hoạt văn hoá của bà con gặp nhiều khó khăn. Mong muốn lớn nhất của bà con trong thôn là có được một nhà văn hoá riêng để sinh hoạt. Nên khi có chủ trương đầu tư xây dựng nhà văn hoá, bà con đã rất nhiệt tình ủng hộ.
Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2017, nhà văn hoá thôn đã phát huy rất tốt công năng sử dụng, các CLB văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân hoạt động sôi nổi.
Thôn có 177 hộ thì hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Cao Lan. Vì vậy, để tiếng nói, điệu múa của dân tộc mình không bị mai một, thôn thành lập CLB giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan với hơn 10 hội viên.
CLB hoạt động rất hiệu quả, với tần suất 1-2 lần/tháng, thu hút đông đảo bà con tham gia.
"Đây vừa là nơi giúp bà con sinh hoạt nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đồng thời cũng là nơi để thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau giọng nói, chữ viết, văn hóa của đồng bào mình, giúp cho văn hoá dân tộc Cao Lan còn lưu truyền mãi mãi"- ông Lợi chia sẻ.
Giữ gìn bản sắc văn hoá cũng là nền tảng quan trọng để xã Kim Phú tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu. Tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, xây dựng con người, gia đình, cộng đồng và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa.
"Phát triển hài hòa giữa vật chất và tinh thần đang là một hướng đi bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Phú hiện nay" – ông Châm nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.