Tuyên Quang: Loài cây chỉ lấy lá đun nước, mọc tít trên núi cao, vì sao được Thủ tướng chọn làm quà tặng?

Thanh Thảo - Phạm Mơ Thứ ba, ngày 16/03/2021 15:42 PM (GMT+7)
Mọc tít trên vùng núi cao 1.000m so với mực nước biển, Chè Shan tuyết Hồng Thái Lộc Trà được “hít” tất cả tinh hoa của đất trời nên rất thơm ngon, đậm đà. Có lẽ vì vậy mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lựa chọn sản phẩm OCOP “4 sao” này làm quà biếu Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2019.
Bình luận 0

Sản phẩm trà hữu cơ an toàn từ đồi chè cổ thụ

Xã Hồng Thái được ví như "Sa Pa" của Tuyên Quang bởi nơi đây quanh năm mờ sương, mây phủ những đồi chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi thọ trăm năm tuổi, cho chất lượng trà có mùi thơm rất đặc trưng.

Với mục tiêu phát triển vùng chè của địa phương và khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã nghiên cứu tạo ra sản phẩm trà Shan tuyết - một sản phẩm trà hữu cơ an toàn, đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.

Tuyên Quang: Từ một cây chỉ lấy lá đun nước đã thành OCOP “4 sao” - Ảnh 1.

Vùng nguyên liệu chè Shan tuyết của xã Hồng Thái có quy mô 64ha

Chị Lý Thị Mỵ (một hộ liên kết sản xuất với HTX Sơn Trà) chia sẻ: "Cây chè Shan tuyết ở đây có từ rất lâu đời. Trước kia, bà con người Dao chúng tôi trồng chè chủ yếu là hái về rồi sao lên để gia đình uống, bán được ít lắm, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng giờ thì khác rồi, nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè Shan tuyết".

Từ khi dự án phát triển chè Shan tuyết về bản, hiểu được giá trị kinh tế mà cây chè mang lại nên nhà nào cũng học cách chăm sóc và thu hái đúng mùa vụ. Cây chè đã trở thành cây trồng cho kinh tế cao, đem lại no ấm cho người dân. Nhờ đó diện tích trồng chè Shan tuyết trong xã ngày càng được tăng lên.

Đến nay, tổng diện tích trồng chè Shan tuyết của xã Hồng Thái đã tăng theo cấp số nhân với 64ha. Riêng HTX Sơn Trà sở hữu 21,4ha chè, với gần 10 hộ thành viên. Ngoài ra HTX còn cam kết bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ dân trong xã.

Theo ông Lý Văn Lành, thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái, để có đủ điều kiện cung cấp nguyên liệu cho HTX thì các hộ dân trong thôn phải cam kết, cây chè không được sử dụng bón phân hóa học và phun thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ có chè sạch, HTX mới thu mua.

Tuyên Quang: Từ một cây chỉ lấy lá đun nước đã thành OCOP “4 sao” - Ảnh 3.

Người dân thu hái những búp chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá về chế biến.

"Nhưng nhờ những điều điện tự nhiên, không khí trong lành nên những vườn chè Shan tuyết ở xã Hồng Thái được phát triển một cách tự nhiên, ít sâu bệnh. Chè lên búp lúc nào thì mình hái lúc đó chứ không phun thuốc kích thích hay tác động gì cả nên luôn đảm bảo chất lượng" - ông Lành cho biết thêm.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất

Để tạo ra sản phẩm trà Shan tuyết có chất lượng, cách chế biến trà của HTX Sơn Trà mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc. Theo đó, sản phẩm chè được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, an toàn hữu cơ, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… nên luôn đảm bảo chất lượng sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuyên Quang: Từ một cây chỉ lấy lá đun nước đã thành OCOP “4 sao” - Ảnh 4.

Nhờ có cây chè Shan tuyết, cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây được cải thiện rõ rệt

Ông Đặng Ngọc Phố - Phó Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết: "Hương vị và chất lượng của chè Shan tuyết Hồng Thái có tính khác biệt so với các sản phẩm chè ở vùng trung du, bởi đặc thù cây chè ở đây đều được trồng và phát triển ở độ cao từ 600-1.000m, kết hợp với kỹ thuật sao chè kết tinh từ quá trình học hỏi của các chuyên gia và kinh nghiệm của đồng bào dân tộc".

Để trà dậy hương, đượm vị, những búp chè non được thu hái về, hong khoảng 30 phút, sau đó đưa vào máy sao ngay. Chè được sao liên tục ở nhiệt độ 400 độ C trong vòng 2-3 phút giúp búp trà giữ được màu sắc tự nhiên, dệt men tốt.

Cũng theo ông Phố, trước đây sản phẩm trà chủ yếu làm thủ công, mỗi ngày HTX chỉ sản xuất tối đa 50kg chè tươi. Nhưng nay HTX đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại, sản lượng có thể lên tới vài tấn chè tươi mỗi ngày.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phân khúc khách hàng, HTX Sơn Trà còn sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau: chè 1 tôm – 1 lá, chè 1 tôm – 2 lá. Theo đó, giá trị của sản phẩm trà Shan tuyết Hồng Thái Lộc Trà cũng dao động ở các mức 250.000 đồng/kg, 600.000 đồng/kg và 1.200.000 đồng/kg, tùy loại.

Từng bước vươn ra thị trường quốc tế

Năm 2020, HTX Sơn Trà đạt sản lượng gần 100 tấn/năm, đem lại nguồn thu gần 5 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đưa thương hiệu trà Shan tuyết Hồng Thái có mặt khắp đất nước Việt Nam.

Tuyên Quang: Từ một cây chỉ lấy lá đun nước đã thành OCOP “4 sao” - Ảnh 6.

Chè Shan tuyết Hồng Thái Lộc Trà đang hướng tới thị trường quốc tế

Nhờ những ưu điểm khác biệt đó, mà lần đầu tham gia đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái Lộc Trà đã được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao năm 2020.

"Để từng bước nâng cao giá trị cho cây chè, trong giai đoạn tới, HTX Sơn Trà sẽ tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết và mở rộng khu vực canh tác, sản xuất… nhằm đưa sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái vươn xa không chỉ thị trường trong nước và còn đến với thị trường quốc tế" - ông Phố chia sẻ thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem