Tuyển sinh 2016: Cuộc chiến khốc liệt của trường ngoài công lập

Quốc Hải Thứ ba, ngày 12/07/2016 19:00 PM (GMT+7)
Quy chế tuyển sinh năm 2016 được đánh giá là tạo “nguồn tuyển” cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Thế nhưng, từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đều cho thấy đang có xu hướng ngược lại.
Bình luận 0

Theo đại diện các trường, những năm trước khá nhiều trường công lập lấy điểm xét tuyển tới tận sàn khiến thí sinh (TS) dồn hết vào đó mà bỏ qua các trường ngoài công lập. Năm nay, nguồn tuyển giảm sút tới gần 1/3 thì “cuộc chiến” giành giật TS càng khốc liệt.

Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt nói, dù đã cố gắng hết mức nhưng mùa tuyển sinh 2015 trường chỉ tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu. Năm nay tình hình tuyển sinh sẽ càng khó khăn hơn khi lượng TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp (không xét tuyển CĐ, ĐH) chiếm tới hơn 30% lượng TS dự thi kỳ thi THPT quốc gia.

Theo ông Lâm, nguồn tuyển đã giảm mạnh nhưng các chính sách giúp trường CĐ ngoài công lập tiếp cận nguồn tuyển lại khó giám sát nên sẽ dễ dàng bị các trường ĐH “lách luật” để vét TS.

Cụ thể, ông Lâm dẫn chứng, theo Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học đã nói rõ, cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.

img

Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển theo học bạ năm 2015 tại ĐH Nguyễn Tất Thành.

Tuy nhiên, do không được giám sát chặt nên có trường sẽ giảm chỉ tiêu ngành cũ nhưng lại mở ra ngành đào tạo mới nên cuối cùng chỉ tiêu chẳng những không giảm mà còn phình to hơn. Chưa kể việc các trường ĐH công lập năm nay lại còn được xét tuyển theo học bạ nên sẽ càng khó khăn hơn cho các trường ngoài công lập.

“Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên quản lý thật chặt vấn đề chỉ tiêu của các trường ĐH công lập, ngoài ra với các trường ĐH theo hướng nghiên cứu đã được Chính phủ, Bộ GD-ĐT phê duyệt thì nên tập trung hẳn vào việc đào tạo theo hướng nghiên cứu, để mảng đào tạo nghề, đào tạo thực hành cho các trường ngoài công lập có nguồn tuyển” - ông Lâm nói.

Tương tự, Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) cũng đang rất lo lắng không tuyển đủ TS cho năm học tới. Ông Hồ Viễn Phương, Phó phòng Đào tạo nhà trường cho biết, nguồn tuyển “cơ hữu” của trường là ở khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên nhưng do năm vừa qua hạn hán kéo dài nên tình hình sản xuất khó khăn, việc đảm bảo chi phí cho con em học ĐH sẽ là gánh nặng cho các gia đình nên chắc chắn nguồn tuyển này sẽ giảm. Năm nay trên địa bàn lại có thêm nhiều trường ĐH được mở ra hoặc nâng cấp từ CĐ lên ĐH nên việc cạnh tranh TS sẽ rất khốc liệt.

“Để kéo nguồn tuyển, nhà trường chỉ còn cách nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc học tập tốt nhất cho các SV đang theo học để từ đó thông qua các SV này để kéo nguồn tuyển sinh trong năm 2016” - ông Phương thông tin.

Nhiều trường CĐ khác tại TP.HCM cũng lo lắng khi nguồn tuyển giảm. Đại diện Trường CĐ Vạn Xuân thẳng thắn: “Mùa tuyển sinh năm 2015 đã diễn ra tình trạng đại học “vét” hết sinh viên của cao đẳng bởi các trường đại học có tới 4 đợt xét tuyển. Cùng với đó, năm nay nhiều trường đại học còn thực hiện xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, chưa kể quy định của Bộ GD-ĐT là điểm xét tuyển đợt sau không quy định phải cao hơn đợt trước. Như thế, TS có chấp nhận xét tuyển vào trường CĐ trong khi cơ hội vào các trường ĐH rộng mở?”.

Các chuyên gia tuyển sinh cũng nhìn nhận, năm nay sẽ là một mùa tuyển sinh không hề dễ dàng cho các trường ngoài công lập khi Bộ GD-ĐT ra quy định cho phép điểm xét tuyển đợt sau không cao hơn đợt trước và các trường công lập sẽ “thoải mái” xét cho đến khi nào đủ chỉ tiêu. Chưa kể, nếu những trường ĐH công lập tuyển vượt 10% chỉ tiêu như quy định Bộ cho phép và được xét tuyển bằng học bạ thì các trường ngoài công lập sẽ không còn nguồn tuyển.

“Những nguyên nhân này sẽ dẫn đến việc các trường ngoài công lập chia làm hai nhóm. Một nhóm vì quyết “sinh tử” nên sẽ tìm mọi cách tuyển đủ, thậm chí “lách luật” và chấp nhận bị phạt để tuyển đủ chỉ tiêu. Nhóm còn lại sẽ chỉ biết “sống mòn” chờ đợi TS” - một chuyên gia phân tích.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, năm nay chỉ có 880.000 TS dự thi THPT quốc gia, giảm 12% so với năm ngoái. Trong khi đó, số TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học, cao đẳng tăng rất nhiều (chiếm 32%). Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến cho nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập lo lắng khi mùa xét tuyển đã đến rất gần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem