Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2021: Những nhóm ngành nào "khát nhân lực"?

Chủ nhật, ngày 02/05/2021 06:36 AM (GMT+7)
Thị trường ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao trong hiện tại và tương lai chính là yếu tố quan trọng trong xác định ngành đăng ký tuyển sinh.
Bình luận 0

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Chọn ngành học theo năng lực, sở thích là xu hướng đăng ký xét tuyển mà nhiều học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các em cần tính đến yếu tố thị trường đó là chọn những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao trong thời điểm hiện nay và tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, những nhóm ngành có nhu cầu nhân lực lớn trong thời điểm hiện nay và tương lai đều liên quan đến chuyển đổi số, đầu tiên là nhóm ngành về công nghệ thông tin.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2021: Những nhóm ngành nào "khát nhân lực"? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Ông Vũ Chí Thành, Giám đốc Khối đào tạo Cao đẳng - FPT Polytechnic cho biết, khối ngành công nghệ thông tin đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, mỗi năm khoảng 400.000 nhân lực chất lượng cao . Với sức đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì đang thiếu rất nhiều.

“Trong công nghệ thông tin đang nổi lên các ngành liên quan đến thiết kế website. Vì bây giờ mỗi doanh nghiệp muốn ổn định đều cần có một web để quảng bá cho hình ảnh của mình. Nhóm ngành thứ hai trong công nghệ thông tin là ngành thiết kế đồ họa”, ông Thành cho biết thêm.

Trong khối ngành liên quan đến kinh tế, kinh doanh, đang nổi lên ngành lớn là marketing số. Về các nhóm ngành khác, khi xã hội gặp biến động thì các ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa... vẫn là nhóm ngành xương sống của nền kinh tế. Khi xã hội phát triển, nhóm ngành nghề về làm đẹp sẽ có nhu cầu nhân lực rất lớn.

Cùng chung quan điểm này, Phó Giáo sư Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa cho rằng, nhóm ngành nghề về công trình về thủy lợi, xây dựng, công nghệ thông minh; công nghệ sinh học, khoa học môi trường phát triển bền vững; tài chính, quản trị kinh doanh, du lịch sẽ rất có triển vọng trong tương lai.

“Những ngành về khoa học sức khỏe, đó là những ngành về điều dưỡng, phục hồi chức năng. Với công nghệ số thì cho phép chúng ta có big data dữ liệu và Chính phủ cũng như Bộ Y tế cũng muốn xây dựng dữ liệu của các cá nhân và theo dõi hồ sơ y tế. Vậy quá trình theo dõi y tế đấy, với big data như thế cũng giúp chúng ta có những phương án cải thiện sức khỏe người dân hơn. Trong môi trường hội nhập 4.0 tuy chúng ta có thể dùng nhiều phương cách khác nhau, nhưng ngoại ngữ cũng rất quan trọng bởi vì nó chính là công cụ quan trọng để chúng ta hội nhập và học những kiến thức ở bên ngoài trong quá trình hội nhập”, Phó Giáo sư Nguyễn Phú Khánh phân tích.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, trong bất kỳ thời điểm nào, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đây cũng là những định hướng để các em có thể lựa chọn ngành học phù hợp cho bản thân.


Minh Hường (vov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem