Tìm “phương án” mớiTheo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga: “Bộ sẽ tính toán điểm sàn sao cho thí sinh (TS) có được nhiều cơ hội đỗ vào các trường nhất”. Cụ thể, theo ông Ga: “Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy khoảng 605.000 trên tổng số 1,3 triệu TS dự thi. Vì vậy, mức điểm sàn sẽ được đưa ra ở mức sao cho số TS trúng tuyển vượt tổng chỉ tiêu 1,5 lần để tạo nguồn tuyển cho các trường, đặc biệt các trường ở địa phương, các trường khối ngoài công lập”.
Thí sinh dự thi đại học năm 2013 tại TP.HCM.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trực tiếp làm công tác tuyển sinh thì: “Sẽ rất khó để xác định mức điểm sàn chung vì… cơ cấu vùng miền, cơ cấu phân tầng của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay rất cách biệt”. Thực tế mọi năm, Bộ GDĐT xác định điểm sàn dựa trên đỉnh phổ là điểm trung bình cộng của các môn thi dẫn đến tình trạng nguồn tuyển không được dồi dào. Một minh chứng là số liệu thống kê của Bộ GDĐT, năm 2012 bậc ĐH chỉ tuyển được 88% so với chỉ tiêu, CĐ 70%, TCCN 63%.
TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng cho biết: “Chúng ta có thể xác định điểm sàn dựa trên việc phân tầng các đại học, khu vực. Chẳng hạn, với các ĐHQG trường ĐH top đầu, ĐH trọng điểm thì phải chấp nhận mức điểm sàn cao hơn điểm sàn tối thiểu. Riêng các trường ngoài công lập, cũng như các trường địa phương nên được quyền chọn mức điểm sàn tùy theo sứ mệnh của mình, miễn sao đảm bảo đầu vào tối thiểu”.
Mỗi trường một quan điểmViệc xác định điểm sàn không chỉ liên quan đến các trường mà trước hết, nó quyết định trực tiếp việc đỗ và trượt của các TS trong kỳ thi. Tuy nhiên, công việc này không hề dễ dàng khi chính giữa các trường lại có những quan điểm trái ngược nhau.
Các trường tuyển khối năng khiếu được tự xác định điểm chuẩn, miễn sao điểm từng môn thi không bị liệt (0 điểm). Nhiều trường khi xây dựng điểm chuẩn trúng tuyển ngành thuộc khối năng khiếu đã nhân hệ số môn năng khiếu và không quy định mức điểm tối thiểu các môn này. Kết quả, khi nhìn vào tổng điểm thì thấy bình thường nhưng thực ra điểm thi từng môn rất thấp, có trường mức điểm trúng tuyển của TS khi chưa nhân hệ số cũng không bằng điểm sàn.
|
Theo ông Hứa Minh Tuấn- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính -
Marketing thì: “Điểm sàn cứ giữ như năm 2012 là hợp lý”. ?Còn PGS-TS Lê
Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lại bày
tỏ: “Tôi không đồng ý với phương án hạ điểm sàn. Nếu hạ điểm sàn để tạo
thêm nguồn tuyển sinh thì chất lượng đầu vào đại học sẽ rất thấp”.
Phía các trường ngoài công lập lại lập luận, phương án giữ điểm sàn như năm 2012 là không hợp lý vì bản thân cách xác định điểm sàn năm 2012 trở về trước là không đúng đắn. Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM nhận định:
“Đỉnh phổ năm 2012 chủ yếu là từ 7-8 điểm thì Bộ GDĐT nên căn cứ vào đây để lấy điểm sàn, tuy nhiên Bộ lại lấy điểm sàn từ 13-14 sẽ dẫn đến tình trạng cạn nguồn tuyển. Do vậy, năm nay nếu đỉnh phổ có tăng thêm hay giảm xuống so với năm 2012 thì cũng nên căn cứ vào đó để xác định điểm sàn, đừng cứng nhắc vào việc… không thể hạ điểm sàn thấp hơn so với điểm năm trước”.
Quốc Hải (Quốc Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.