Tuyển sinh ĐH - CĐ 2016: Thí sinh bị “tung hoả mù”

Nguyễn Thiêm Thứ năm, ngày 17/03/2016 06:25 AM (GMT+7)
Theo quy định mới của Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2016, các thí sinh (TS) không được rút hồ sơ thoải mái mà được “mở” sẵn 10 cơ hội để chọn trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, TS vẫn mơ hồ trong các nguyện vọng này.
Bình luận 0

Tăng cơ hội vào ngành yêu thích

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, việc các trường chủ động thành lập nhóm tuyển sinh là phù hợp với Luật Giáo dục ĐH, cách làm này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường và TS. Cụ thể, theo quy định của Bộ, trong đợt 1, TS sẽ được nộp tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng.

img

Thí sinh tham dự xét tuyển vào ĐH Bách khoa năm 2015. Ảnh: Tùng Anh

Tuy nhiên, nếu xét tuyển theo nhóm, TS có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên.

Ví dụ: Trong đợt I, TS có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm, nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường. Ngoài ra, TS đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.

“Như vậy, TS không trúng tuyển trường tốp trên có thể trúng tuyển trường tốp dưới hoặc giữa trong nhóm này. Vì vậy, các em sẽ có khả năng trúng tuyển cao hơn vào ngành mà mình yêu thích, theo đuổi ngay từ đầu mà các trường lại lọc được TS ảo” – ông Ga nói.

Với cách làm này, Bộ GDĐT cũng “khống chế”, các trường muốn tuyển sinh theo nhóm phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của nhóm trường và báo cáo về Bộ GDĐT, sau khi được Bộ xác nhận bằng văn bản là đề án phù hợp với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ các trường mới được công khai đề án tự chủ tuyển sinh trên trang thông tin và thực hiện các bước tiếp theo. Ông Ga cũng cho biết, hiện tại tại khu vực phía Bắc có ĐH Bách khoa Hà Nội đang chủ trì một nhóm tuyển sinh bao gồm nhiều trường ĐH trong khu vực. Sắp tới sẽ có thêm nhiều trường khác đứng ra lập nhóm trường.

Thí sinh mơ hồ

TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Nhóm trường do ĐH Bách Khoa chủ trì sẽ thống nhất sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường trong nhóm; sử dụng 1 phần mềm quản lý dữ liệu thí sinh; áp dụng chung cách tính điểm xét tuyển và thống nhất 1 chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. TS trúng tuyển nguyện vọng nào thì phần mềm sẽ không cho xét tuyển các nguyện vọng sau nữa. Đặc biệt, điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên điểm của TS và chỉ tiêu của ngành, không phân biệt thứ tự nguyện vọng giữa các TS đã đăng ký vào nhóm ngành đó”.

Tuy nhiên, đối với rất nhiều TS, những thông tin về tuyển sinh theo nhóm trường vẫn quá mơ hồ và khó hiểu. Em Nguyễn Thị Phương – học sinh lớp 12 (Lang Sơn, Hạ Hòa, Phú Thọ) tỏ ra rất hoang mang sau khi đọc được các thông tin về tuyển sinh trên mạng. Phương cho biết: “Đọc để hiểu hết các điểm mới trong 2 bản quy chế rồi tìm hiểu quy định tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ, giờ còn phải đọc và tìm hiểu thêm quy định của các nhóm trường nữa… quá nhiều quy định và điểm mới khiến em và các bạn như bị… tung hỏa mù”.

Không khác gì Phương, Phạm Văn Trường – học sinh Trường THPT Ninh Giang (Ninh Giang, Hải Dương) cũng khá bối rối: “Đợt 1 là 2 trường và 4 nguyện vọng, đợt 2 là 3 trường và 6 nguyện vọng, nhưng nếu em gửi hồ sơ vào nhóm trường rồi, muốn nghĩ lại thì không còn cơ hội nộp sang trường khác ngoài nhóm. Hoặc nếu thấy cơ hội đỗ trong các trường thuộc nhóm không được, muốn nguyện vọng ra trường bên ngoài thì sao?”.

Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục lại có những lo lắng khác.  PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, sự hình thành nhóm trường là “giải pháp tình thế” để các trường đối phó với quy định của Bộ GDĐT về việc cho TS quá nhiều nguyện vọng. Nó không phải giải pháp hợp lý của bài toán… TS ảo.

“Xét tuyển theo nhóm trường có thể hiểu đơn giản như sau: Giả sử em thích sư phạm, trước đây các em nộp ở trường A không được thì phải chạy sang trường B, không được nữa thì lại phải ngóng xem trường C có tuyển không để gửi hồ sơ. Năm nay, có nhóm trường sư phạm riêng tập hợp các trường từ cao xuống thấp, em không được trường A thì nó tự động đẩy em xuống trường B, C… kiểu gì em cũng đỗ sư phạm nếu đủ điểm” – ông Nhĩ giải thích.

Tuy nhiên, ông Nhĩ cũng cho rằng, Bộ GDĐT nên đưa ra các tiêu chí cụ thể: Nhóm trường theo chuyên môn, vùng hay địa phương… ở mức độ tối đa và tối thiểu là bao nhiêu trường? Ngoài ra, khi đã có nhóm trường tức là sẽ có những trường “ngoài lề”, những trường này có khả năng rơi vào yếu thế và khó tuyển sinh: “Bộ GDĐT không nên để cho các trường tự liên kết nhóm theo hình thức tự nguyện” – ông Nhĩ nói.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem