Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Vừa chọn nghề vừa... run

Tùng Anh-Mỵ Lương Thứ tư, ngày 09/03/2016 06:30 AM (GMT+7)
Đó là tâm lý của rất nhiều học sinh THPT trước ngưỡng cửa kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Nhiều em lo lắng vì không biết thi ngành nào, chọn nghề gì để có được tấm bằng mà không phải chịu cảnh thất nghiệp.
Bình luận 0

Học sinh đã lo… thất nghiệp

Buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh của Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức tại Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Nội) mới đây sôi nổi khác thường bởi những câu hỏi về chọn nghề của học sinh lớp 12. Có một điều đặc biệt mà cô Nguyễn Thị Thơm – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát hiện ra là học sinh lớp 12 của trường đã biết lo nỗi lo thất nghiệp.

“Những năm trước đây, thắc mắc của các em chỉ xoay quanh quy chế tuyển sinh, hồ sơ đăng ký, khối ngành… thì năm nay các em hỏi rất nhiều câu như: Học ngành gì dễ kiếm việc làm? Cần kỹ năng gì để không bị thất nghiệp sau khi ra trường… Chứng tỏ, con số về tỷ lệ thất nghiệp hiện nay đã khiến các em lo sợ” - cô Thơm nói.

img

Học viên của Trường Trung cấp nghề Hoa sữa (Hà Nội) học nghề làm bánh. Ảnh: T.L

Cũng chính vì nỗi lo thất nghiệp mà em Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Hồng Thái còn băn khoăn chưa dám quyết định dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 để thực hiện ước mơ thành cô giáo. Mai cho biết, bố mẹ em buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập trung bình. Cả bố mẹ đều muốn em lựa chọn ngành nghề sau này ra trường kiếm được một công việc làm dễ dàng bằng chính khả năng của mình.

“Học ngành giáo viên đúng theo sở thích nhưng sợ khó xin việc. Nhiều anh chị cùng xã em ra trường phải giấu bằng đi làm công nhân khiến em thấy nản. Có khi em theo ý của mẹ là không học tiếp ĐH mà đi học nghề thôi” - Mai cho biết.

Dù lịch học ôn các môn tốt nghiệp phủ kín tuần, song em Tạ Thùy Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Ninh Giang (Ninh Giang, Hải Dương) vẫn tranh thủ học thêm tiếng Hàn làm “phao cứu sinh” nếu lỡ thi trượt ĐH. Trang hài hước nói: “Em dự định thi vào Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nhưng học ĐH ra trường còn khó xin huống gì CĐ. Vì vậy học thêm cho ăn chắc, ra trường không làm việc này sẽ làm việc khác”.

img

Nhìn số thất nghiệp để… chọn nghề

Thấu hiểu những băn khoăn của học sinh, cô Thơm cho biết, những năm gần đây trường thường tìm cách tư vấn cho học sinh của mình một cách thực tế nhất: “Cứ mỗi năm, chúng tôi lại mời những cựu sinh viên từng học tại các trường ĐH về tư vấn cho các em để các em hiểu rõ hơn thuận lợi và khó khăn khi mình chọn ngành học đó. Chúng tôi cũng phân tích cho các em hiểu rằng, việc chọn ngành học không cần biết mình có thích hay không, có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp hay không sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc của cả gia đình và xã hội”.

"Học sinh không nên đặt mục tiêu vào ĐH là con đường duy nhất để lập nghiệp để rồi lo sợ có bằng mà... thất nghiệp. Chính vì vậy, chọn học nghề và trở thành thợ giỏi cũng là 1 con đường không bao giờ lo thất nghiệp cả".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH)

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội khuyên, hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều và cụ thể về con số thất nghiệp, những ngành nghề sẽ khó xin việc. Vì vậy, thí sinh cần coi đó là 1 kênh tham khảo đặc biệt để định hướng nghề.

“Cách đây 3 năm, các em đua nhau học kế toán, ngân hàng vì thời điểm đó mức lương ngành này lên tới 14 - 15 triệu đồng/tháng. Song hiện tại, thu nhập chỉ còn 5 - 6 triệu đồng/tháng. Xu thế ngành nghề không bao giờ ổn định mãi mà chỉ ổn định khi chúng ta đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động” – bà Trinh nói.

Từ góc độ khác, bà Nguyễn Phương Thảo - Bí thư Đoàn Trường ĐH Thành Tây (Hà Đông, Hà Nội) nhìn nhận: “Việc lựa chọn ngành nghề có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh khối THPT. Trong khi các ngành sư phạm, báo chí… sinh viên ra trường khó kiếm việc làm, chẳng thà ngay từ đầu xác định lựa chọn ngành khả năng kiếm được việc làm sẽ tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí và các em có cơ hội được cống hiến nhiều hơn với nghề”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem