Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017: Lập nhóm trường để cùng “lọc ảo”

Tùng Anh Thứ tư, ngày 10/05/2017 06:15 AM (GMT+7)
Lo lắng với lượng thí sinh (TS) “ảo” khổng lồ sẽ xuất hiện trong mùa tuyển sinh năm nay vì quy chế mở, nhiều trường ĐH, CĐ đã cùng nhau lập nhóm để sàng lọc và chọn được TS riêng của trường mình.
Bình luận 0

48 nguyện vọng cũng chưa lớn

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện có đến 50% TS chỉ đăng ký từ 1 - 3 nguyện vọng, 30% TS đăng ký 4 - 5 nguyện vọng. Như vậy, có 80% số TS đăng ký từ 1 - 5 nguyện vọng. Đặc biệt, có 1 TS đã đăng ký tới 48 nguyện vọng. Với trường hợp đặc biệt này, Bộ sẽ không đưa vào hệ thống phần mềm xét tuyển chung mà sẽ phải xét tuyển thủ công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với quy định xét tuyển ĐH, CĐ như năm nay, 48 nguyện vọng vẫn chưa… lớn nhất.

img

  Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Anh 

Nguyên nhân là năm nay có rất nhiều tổ hợp xét tuyển mới. Theo tính toán của các chuyên gia giáo dục, nếu TS chỉ thi 4 bài thi với 6 môn thì 1 TS có thể có 14 tổ hợp môn thi có thể dùng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, tức là có tối thiểu 14 cơ hội trúng tuyển. Nếu TS làm cả 5 bài thi với 9 môn thi thì tổ hợp dùng để xét tuyển sẽ là... không đếm xuể.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay TS đã biết tuân thủ theo quy luật đăng ký xét tuyển khả năng đỗ cao nhất là:  Đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài nguyện vọng sát với kết quả dự kiến và một vài nguyện vọng thấp hơn kết quả dự kiến. Với cách thức đăng ký xét tuyển mà các em đã thực hiện như vậy, sau khi có kết quả thi sẽ có ít TS thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, trừ những TS có kết quả thi lệch xa với kết quả mà các em dự kiến.

Tuy nhiên, ông Ga cũng thừa nhận: “Đối với các trường, khi cho phép TS đăng ký nhiều nguyện vọng thì số TS ảo sẽ tăng nên việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn”.

Do lượng TS “ảo” tăng gấp nhiều lần so với các năm trước là “tiên lượng” của các trường ĐH, CĐ trước đó. Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cho biết, năm nay họ không thể xác định được học sinh nào là của trường mình ngay cả khi nhận được rất nhiều nguyện vọng của các em.

Hợp sức chống “ảo”

Bộ GDĐT cho biết, việc xét tuyển năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25 – 28.7 (25.7 bắt đầu nhập dữ liệu và 28.7 sẽ khởi động việc chạy phần mềm lọc “ảo”).

Để đối phó với tình trạng này, không còn cách nào khác, các trường ĐH, CĐ buộc phải hợp sức lại sàng lọc TS “ảo” trong các nhóm tuyển sinh chung. Theo thông tin từ Bộ GDĐT, hiện đã hình thành 2 nhóm trường lớn. Nhóm miền Bắc do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH, cao đẳng sư phạm từ Hà Tĩnh trở ra. Nhóm miền Nam do ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH, cao đẳng sư phạm từ Quảng Bình trở vào. Hiện tại, nhóm trường miền Bắc có 40 trường tham gia, nhóm phía Nam có hơn 50 trường tham gia.

Ông Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, khi tham gia nhóm xét tuyển, các trường sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin và hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong thời gian nhất định. “Nhóm sẽ sử dụng chung dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT quốc gia do Bộ GDĐT cung cấp để xét tuyển đợt 1; sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý, đồng thời áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh”  - ông Sơn nói.

Thứ trưởng Ga cho biết thêm, đối với các nhóm trường xét tuyển chung, danh sách trúng tuyển dự kiến của từng trường được gửi lên Bộ GDĐT. Phần mềm của Bộ sẽ chạy để mỗi TS trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất, sau đó chuyển về cho các trường trong nhóm xác định với nhau và thống nhất điểm chuẩn. Bộ sẽ chạy một lần nữa để lọc TS ảo ở miền Bắc và miền Nam. Như vậy, khả năng lọc được TS sẽ  thuận lợi hơn.

img

Giải thích thêm về những thuận lợi khi tham gia xét tuyển theo nhóm trường, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, nhóm trường càng to thì càng thuận lợi và lọc “ảo” dễ hơn. “Có thể khi tham gia nhóm vẫn có “ảo” nhưng số lượng này không đáng kể. “Ảo” chỉ còn đối với các trường có xét tuyển học bạ và thường rơi vào các trường lấy điểm chuẩn sát điểm sàn. Đối với những trường “top” trên, lượng “ảo” sót lại là do TS đỗ ĐH nhưng không học mà đi nước ngoài... Tuy nhiên số lượng này rất ít và không đáng kể. Vì vậy, các trường có thể tin tưởng vào khả năng lọc “ảo” khi xét tuyển chung” – ông Nghĩa nói.

Để thuận lợi hơn cho việc xét tuyển theo nhóm trường, ông Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, các nhóm trường cần phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng để chạy điểm cho nhanh và có quy định chốt điểm chuẩn để các trường thực hiện chặt chẽ. Ngoài ra, nên lấy chung thang điểm 30 như truyền thống để tránh rắc rối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem