Tỷ phú “4 dám” ở làng hoa hồng Mê Linh

Nguyễn Quỳnh Thứ năm, ngày 13/06/2019 07:00 AM (GMT+7)
Ở “thủ phủ” trồng hoa Mê Linh lớn nhất miền Bắc, ông Nguyễn Văn Tình (xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) được biết đến là lão nông “4 dám”: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu, dám chơi. Điều đặc biệt được thể hiện ở chỗ, ông là người đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Mê Linh tự sản xuất được cây giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Bình luận 0

Dám nghĩ, dám làm

Ông Nguyễn Văn Tình cho biết: “Trước gia đình tôi làm hoa thương phẩm rất nhiều, trong giai đoạn làm thì có lúc thuận lợi lúc khó khăn. Để tránh khỏi những bấp bênh trông thấy, tôi cùng gia đình chuyển sang nghiên cứu về vấn đề kỹ thuật, khoa học và mạnh dạn đầu tư phòng nuôi cấy mô”.

img

Bên trong phòng nuôi cấy mô của gia đình ông Nguyễn Văn Tình được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: P.V

Hiện, gia đình ông Tình đang đầu tư thêm 400 triệu đồng để xây dựng thêm 1 phòng cấy mô và mua sắm các trang thiết bị. Với việc áp dụng thành công quy trình sản xuất cây hoa giống này đã mang lại hiệu quả kinh tế tiền tỷ mỗi năm cho gia đình ông Tình.

Phòng nuôi cấy mô đạt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như ngày hôm nay là tâm huyết được ông Tình và cậu con trai út Nguyễn Xuân Trường ấp ủ từ những năm 2010. Hai bố con đã phải mất 2 năm để đi tìm hiểu những nơi sản xuất cây con giống lớn nhất cả nước như Lâm Đồng, Đà Lạt.

Thời gian đầu gia đình ông mở phòng mô rộng 100m2, vốn đầu tư 300 triệu với đầy đủ thiết bị như tủ cấy vi sinh, hệ thống chiếu sáng, trang thiết bị đầu tư, pha chế. Hiện nay, ông Tình đang áp dụng quy trình này để sản xuất 18 giống hoa. Thông thường, để sản xuất ra giống cây hoa bằng phương pháp này phải mất thời gian khoảng 2 đến 3 năm để tạo ngân hàng phôi, và thêm 3 tháng nữa mới trở thành cây hoàn chỉnh để đưa ra vườn ươm. Tuy nhiên, việc sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô mang lại rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp nhân giống cây trước đây.

Mặc dù ưu việt như vậy nhưng không phải ai cũng có thể sản xuất cây giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô, bởi phương pháp này đòi hỏi nông dân cần đầu tư vốn lớn, và quan trọng nhất là quy trình nuôi cấy mô rất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao nên người làm phải làm người nắm vững khoa học kỹ thuật.

Dám chịu, dám chơi

Chính vì vậy, khi mới thực hiện mô hình này, ông Tình đã gặp thất bại. Hơn nửa năm đầu ông không thu được một cây giống nào và nửa năm sau đó cây giống vẫn bị hỏng đến 60%. Sau đó, ông đã phải mời chuyên gia nông nghiệp cùng nghiên cứu và thực hiện thì mới thành công.

Hiện nay, lao động mà ông thuê đều là những cử nhân nông nghiệp để làm việc trong phòng nuôi cấy mô. Không chỉ sản xuất hoa giống, ông Tình còn đầu tư trồng 2 mẫu trồng hoa thương phẩm, xuất bán cho các đại lý hoa trong khu vực. Với giá bán trung bình từ 2.000- 4.000 đồng/cành tùy thời điểm, chỉ tính riêng ruộng hoa cúc thương phẩm đã mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí ông Tình lãi hơn 330 triệu đồng.

Chị Ngô Thị Thơm (xã Đại Thịnh) cho biết: “Tôi làm ở đây hơn 10 năm rồi, công nhân làm đông lắm 8 đến 10 người, làm bình thường thì 5-6 triệu đồng/tháng, còn vào vụ thì được 8-9triệu/tháng”.

Yếu tố để ông Tình quyết định đi đến cùng chính là niềm đam mê tạo sản phẩm sạch cho nông dân. Ở giai đoạn đầu khó khăn, thất bại cũng nhiều nhưng chính niềm đam mê, sự nhiệt tình, nhiệt huyết mà ông Tình đã từng bước chinh phục và thành công với hướng đi mà mình đã chọn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem