Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bối cảnh toàn cầu hoá thanh toán di động là xu thế tất yếu không ai có thể cưỡng lại và đứng ngoài cuộc. Xu thế này mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể: người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. "Xu hướng này chắc chắn sẽ bùng nổ tại Việt Nam và thế giới thời gian tới", ông nhấn mạnh.
9 tháng, giao dịch trên di động đạt 423.000 tỷ đồng
Ông Huệ đề nghị các bộ ngành nghiên cứu thêm phát triển thanh toán điện tử trong quản lý nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam, hiện tỷ trọng này chiếm phần lớn tại các vùng đô thị, nông thôn. Quản lý được khu vực này sẽ giúp nền kinh tế phát triển bình đẳng hơn, chống xói mòn trong thu thuế.
Tuy nhiên, lợi ích của ngân hàng trong xu thế này chưa được đề cập nhiều. Hiện tại ngân hàng Việt Nam chủ yếu sống dựa vào dịch vụ tín dụng, trong khi dịch vụ phi tín dụng rất ít. Mỗi khi một chủ thể tham gia quá trình hệ sinh thái này còn nghĩ tới cái tôi của mình thì không thể phát triển được.
Phó thủ tướng và Tỷ phó Jack Ma tại VEPT 2017 (Ảnh: Vnexpress)
“Chính phủ, cá nhân tôi rất ủng hộ và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển thanh toán di động và để xu thế này phát triển bùng nổ tại Việt Nam. Phổ cập để đi nhanh, để chúng ta không tụt lại phía sau. Đi nhanh để không một ai thụt lại phía sau trong quá trình này", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nói về vai trò của ngân hàng trong thanh toán điện tử, thanh toán di động, NHNN cho biết, đến nay tại Việt Nam đã có trên 41 NHTM triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016; đạt 153% và 316% so với năm 2015).
“Một số NHTM bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác”, đại diện Vụ thanh toán NHNN cho biết.
Đồng thời, NHNN cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ Ví điện tử thông qua kênh Internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân.
“Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ thanh toán trên thế giới, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã và đang nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử”, đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho biết thêm.
Ngân hàng sẵn sàng cho kỷ nguyên 4.0
Đón đầu xu hướng thanh toán qua di động, ông Võ Trọng Thủy, thành viên HĐQT PvcomBank, cho biết PVcomBank luôn chú trọng đầu tư công nghệ mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất và thuận tiện nhất cho khách hàng.
“Chúng tôi đã nâng cấp thành công hệ thống core hiện đại nhất hiện nay và đã kết nối với hầu hết các đối tác trung gian thanh toán lớn để toàn bộ khách hàng đều được trải nghiệm công nghệ ngân hàng hiện đại”, ông Thuỷ cho biết.
Ông Thuỷ nhấn mạnh PVcomBank sẵn sàng cho kỷ nguyên 4.0 bằng việc thành lập trung tâm công nghệ tài chính Fintech để mang đến các sản phẩm dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
“Khi dự án được triển khai thành công, toàn bộ người dùng đặc biệt là những khách hàng ở vùng xa xôi dù chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ được trải nghiệm những dịch vụ tiện ích thiết thực cho cuộc sống hàng ngày”, ông Thuỷ nhấn mạnh.
Cũng câu chuyện này, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết nếu như sự ra đời của Internet đã giúp thế giới có thêm loại hình kinh doanh trực tuyến thì các thiết bị di động (mobile) đang giúp chúng ta có thêm những phương thức thanh toán điện tử tiện dụng nhất.
“Việc chuyển dịch từ Internet banking sang Mobile banking được xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng”, ông Lân nhận định.
Theo ông Lân, tại Việt Nam tiềm năng thanh toán qua QR code cũng là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone.
“Tính đến hết tháng 9.2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code. Dù vậy, hiện vẫn có sự manh mún trong phát triển QR code tại Việt Nam", ông Lân nhận xét.
Hơn 10h, tỷ phú Jack Ma đã có mặt tại Diễn đàn thanh toán điện tử VEPF 2017 với sự đón chào bằng tràng vỗ tay dài. Một trong những chủ đề Jack Ma sẽ nói tại phiên 3 của chương trình VEPF 2017 là câu chuyện về thanh toán điện tử của Alibaba tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc.
Jack Ma là tỷ phú tự thân nổi tiếng của Trung Quốc, với tài sản 39,6 tỷ USD, theo Forbes. Ông sinh năm 1964 tại Hàng Châu, từng là giáo viên tiếng Anh trước khi đồng sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba năm 1999. Doanh thu hãng này trong 12 tháng, đến hết tháng 3, là 23 tỷ USD. Alibaba niêm yết tại New York năm 2014 và là IPO lớn nhất thế giới khi đó. Ngoài thương mại điện tử, Alibaba còn hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, thanh toán online, điện toán đám mây, logistics và phim truyện.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.