Nuôi vịt thả đồi cho nhảy sàn lưới, nông dân tỷ phú Thái Nguyên thu tiền tỷ/năm
Tỷ phú nông dân Thái Nguyên nuôi vịt thả đồi, cho chạy sàn lưới, ai đến xem cũng trầm trồ phục lăn
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ sáu, ngày 11/02/2022 05:30 AM (GMT+7)
Sau 13 năm gắn bó với nghề thu mua gà, năm 2016 anh Dương Văn Việt ở xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định chuyển sang phát triển mô hình nuôi vịt trên đồi, chạy sàn lưới cho hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, anh Dương Văn Việt (SN 1973), xóm Nam Hương 2, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chuyên thu mua gà bố mẹ từ các trang trại gà giống trên địa bàn huyện Phú Bình và huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.
Đến năm 2016, anh quyết định xây dựng trang trại và chuyển sang mô hình nuôi vịt thương phẩm tại xóm Đồng Hương, xã Lương Phú.
Trên diện tích đất 7.000m2 đã mua và nuôi thuỷ sản trước đó, anh Việt bắt tay vào nuôi vịt, gia đình anh nuôi khoảng 2.000 con. Sau đó, anh tăng số lượng dần theo từng năm.
Đến nay, gia đình anh có tất cả 3 trang trại nuôi vịt, trong đó một trang trại được xây dựng tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, 1 trang trại tại xã Lương Phú, và 1 trang trại tại xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình.
Với 3 trang trại nuôi vịt nói trên, gia đình anh hiện có khoảng 37.000 con vịt, trong đó riêng trang trại tại Yên Thế, Bắc Giang có khoảng 33.000 con.
Theo anh Việt, thời gian nuôi vịt ngắn chỉ khoảng 50 ngày là được xuất bán. Vịt là loài có khả năng chống chọi với bệnh tật cũng như thời tiết tốt hơn so với những con vật khác.
Thông thường, vịt chủ yếu mắc các bệnh cơ bản là ecoli bại huyết. Trong khoảng thời gian từ 7 đến 20 ngày tuổi vịt rất dễ mắc bệnh này. Do đó để phòng bệnh cho vịt đòi hỏi khi vào đàn bắt buộc phải tiêm phòng đủ 5 mũi vắc xin.
Thời gian vào đàn tốt nhất đối với vịt là khoảng từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Nếu vào mùa hè cần phải xử lý nhiệt độ dưới 30oC đảm bảo nhiệt độ mát mẻ thích hợp cho vịt phát triển.
Do đó, khi nuôi vịt trong môi trường khép kín thì yêu cầu bắt buộc phải có hệ thống làm mát đảm bảo duy trì nhiệt độ trong chuồng luôn ở mức trung bình từ 24 – 25oC.
Chuồng nuôi vịt phải luôn thoáng mát và nền chuồng phải được xử lý bằng men vi sinh cũng như các vi khuẩn có lợi cho hệ hô hấp và tiêu hoá để bảo vệ môi trường cho vật nuôi.
Đặc biệt với sáng kiến nuôi vịt trên sàn lưới, gia đình anh đã tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ chăn nuôi vịt và phân vịt thải ra để chăn nuôi thuỷ sản như cá trê lai.
Sáng kiến này ngoài việc giúp giảm chi phí chăn nuôi còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi vịt. Với sáng kiến này, anh Việt đã nhận được giải nhì về sáng kiến sáng tạo trong phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế và nhận được bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên năm 2019 - 2020.
Trung bình mỗi năm gia đình anh Việt nuôi từ hai đến ba lứa vịt tuỳ thuộc vào nhu cầu thị trường. Với quy mô như hiện nay, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 250 – 300 tấn vịt thương phẩm chủ yếu đi các tỉnh khu vực miền Bắc và một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung như Huế, Đà Nẵng… mang về doanh thu từ 10 – 13 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng tiền lãi/năm.
Ngoài nuôi vịt, hiện gia đình anh còn kết hợp chăn nuôi thuỷ sản và nuôi chó thương phẩm và chó cảnh với số lượng lớn.
Hiện, gia đình anh đang chăn nuôi khoảng 600 con chó các loại để phục vụ cho nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, gia đình anh còn trồng thêm khoảng 7ha rừng, dự kiến sau khi thu hoạch sẽ cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng trong 3 năm tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.