Việc Trung Quốc "trả đũa" áp thuế 25% lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ đã khiến các thị trường châu Á giảm mạnh trong sáng nay và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, sau ít phút giảm mạnh đầu phiên, thị trường đã dần hồi phục và lấy lại được sắc xanh trong phiên buổi chiều. Điểm tiêu cực là thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, chỉ 4.300 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Kết thúc ngày giao dịch 14 tháng 5, VN-Index tăng 6,8 điểm (0,71%) lên 965,34 điểm. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,08 điểm (0,08%) lên 105,7 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh với giá trị khoảng 235 tỷ đồng.
Thị trường tăng điểm phiên thứ ba liên tiếp
Điểm sáng của thị trường trong phiên hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngành dầu khí. Trong đó, GAS (PVGas) tăng 2,3%, PLX (Petrolimex) tăng 2,6%, OIL (Tổng công ty Dầu Việt Nam) tăng 5,5%, PVD và PVS lần lượt tăng 5,5% và 4,7%. Hiện giá dầu thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 61 USD/thùng.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dệt may và thủy sản được cho là hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và đà tăng của tỷ giá USD/VND cũng có diễn biến khá tích cực. MPC (Thủy sản Minh Phú) tăng 3%, VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn) tăng 1,4%, TCM (Dệt may Thành Công) tăng 1,7%, TNG tăng 3,7%.
Ở nhóm vốn hóa lớn, nhiều đại gia tăng giá khá tốt và thúc đẩy sự phục hồi của thị trường. Đáng kể nhất là VNM (Vinamilk) tăng 1,2%, SAB (Sabeco) tăng 2%, VCB (Vietcombank) tăng 1,1%, VJC (Vietjet Air) tăng 0,7% và VIC (Vingroup) tăng 0,5%. Tính đến thời điểm hiện tại, Vingroup và Vinhomes vẫn đang là hai doanh nghiệp có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa lần lượt đạt 362.249 tỷ đồng và 284.708 tỷ đồng, bỏ khá xa doanh nghiệp đứng thứ ba là Vietcombank với vốn hóa 247.011 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông 2019 của Vingroup sẽ diễn ra vào ngày 23/5 sắp tới
Đáng chú ý, mới đây, Tập đoàn Vingroup đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2019. Theo đó, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên chỉ tiêu doanh thu thuần đạt khoảng 140.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế khoảng 6.500 tỷ đồng. Trong năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của Vingroup đạt lần lượt 121.971 tỷ đồng và 6.190 tỷ đồng.
Vingroup cũng sẽ trình cổ đông về phương án giữ lại lợi nhuận năm 2018 để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, HĐQT Vingroup đề nghị đại hội đồng cổ đông thông qua mức thù lao cho HĐQT và BKS tương đương với mức đã trình của năm 2018. Cụ thể, thù lao cho HĐQT tối đa bằng 0,4% lợi nhuận sau thuế năm 2019; thù lao cho BKS tối đa bằng 0,1% lợi nhuận sau thuế năm 2019.
Dồn lực cho đại dự án thép Dung Quất, tập đoàn Hòa Phát đối mặt với khối nợ vay lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.