Vingroup nhảy vào bất động sản khu công nghiệp, bất ngờ với lợi nhuận DN BĐS công nghiệp

Quang Dân Thứ hai, ngày 28/06/2021 11:11 AM (GMT+7)
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp sẽ là cuộc cạnh tranh thú vị trong thời gian sắp tới khi Vingroup tiến vào mảng này, mà bên được hưởng lợi trực tiếp sẽ là các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
Bình luận 0

Bất động sản khu công nghiệp và toan tính của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông 2021 mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup cho biết, Tập đoàn đang có nhiều kế hoạch triển khai dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều nơi. Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ vì đang làm thủ tục...

Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, với mảng bất động sản khu công nghiệp, Vingroup vẫn giữ quan điểm cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm cuối cùng cũng giống như bất động sản nhà ở, dù nguồn cung nhiều, sản phẩm của Vinhomes vẫn bán được ổn định. Bởi Vingroup nghiên cứu tạo hệ sinh thái ăn ở, tiêu dùng cho người dân Vinhomes tốt nhất, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh tuyệt đối. Dù giá nhà Vinhomes cao hơn các khu dân cư lân cận, nhưng vẫn được khách hàng lựa chọn.

Bên cạnh đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho rằng, bất động sản khu công nghiệp sẽ mang lại dòng tiền thường xuyên. Điều này là cần thiết, nếu nhìn từ diễn biến Covid-19, một mảng kinh doanh có khả năng phân tán rủi ro và hướng tới những nguồn thu ổn định càng trở nên quan trọng hơn.

Vingroup nhảy vào bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hiện đang ra sao? - Ảnh 1.

Vingroup nhảy vào bất động sản công nghiệp. Ảnh: VinFast

Tuy nhiên, việc đón sóng đầu tư có thể chỉ là một nửa câu chuyện. Quyết định phát triển bất động sản khu công nghiệp còn mang theo những toan tính của Vingroup về việc mở rộng hệ sinh thái cho mảng sản xuất với tham vọng đi nhanh hơn.

Bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes cho biết, những khách hàng mục tiêu ban đầu của mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ là các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ôtô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý.

"Bất động sản khu công nghiệp", miếng bánh béo bở của các doanh nghiệp BĐS

Theo các chuyên gia, sự bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 sẽ không làm thay đổi sức nóng của bất động sản khu công nghiệp. Theo Savills Việt Nam, bất động sản khu công nghiệp vẫn đang trên đà tăng trưởng và được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Báo cáo thị trường bất động sản khu công nghiệp mới nhất của Savills cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kì, tỷ lệ lấp đầy cụ thể: tại Hà Nội lên đến 90%, Bắc Ninh lên đến 95%, Hưng Yên là 89% và Hải Phòng là 73%. Trong khi đó, khu vực phía nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại TP.HCM là 88%, Bình Dương là 99%, Đồng Nai là 94%, Long An là 84%, Bà Rịa – Vũng Tàu là 79%.

Cùng với đó, báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây ghi nhận, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp năm tỉnh công nghiệp chính tại miền Bắc và miền Nam ổn định đạt khoảng 85-90%.

Đáng chú ý, mức giá chào thuê đất công nghiệp trung bình theo khu vực ổn định. Tại miền Bắc giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 1,8 triệu/m2/chu kỳ thuê. Trong khi đó, giá chào thuê đất công nghiệp đạt trung bình khoảng 768 nghìn/m2/chu kỳ thuê. Con số này tại miền Nam dao động 1,7 triệu/m2/chu kỳ thuê.

Mức giá thuê đất công nghiệp được đánh giá là tăng ổn định, phù hợp với chất lượng kho bãi được cải thiện và nhu cầu về nhà xưởng gia tăng trong thời gian gần đây.

Vingroup nhảy vào bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hiện đang ra sao? - Ảnh 2.

Bất động sản công nghiệp vẫn đang trên đà tăng trưởng và được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: NN

Ngoài ra, các nhà đầu tư trong và nước ngoài vẫn đổ vốn mạnh vào thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, trong vài tháng đầu năm 2021, thị trường đã chứng kiến nhiều hoạt động M&A mới. Ví dụ, thương vụ Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty KTG Industrial của Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

ESR Cayman Limited - nền tảng bất động sản hậu cần tập trung lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW), nhà phát triển bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu Việt Nam, đã công bố cùng hợp tác thành lập liên doanh mới với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m2 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần TP.HCM.

Việc hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR Cayman Limited vào thị trường Việt Nam, mở rộng thêm phạm vi hoạt động của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á.

Hay doanh nghiệp mới gia nhập thị trường là công ty Cổ phần Công nghiệp KCN Việt Nam cũng đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. KCN Việt Nam hiện đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho vận chất lượng cao, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An.

Cùng với bước chuyển mình tại Tổng công ty Viglacera (HOSE: VGC), tái cấu trúc theo hướng tư nhân của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần (HOSE: HNX) và "tuyên bố" tập trung tiềm lực của Vingroup, lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ là cuộc cạnh tranh thú vị trong thời gian sắp tới, mà bên được hưởng lợi trực tiếp sẽ là các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.

Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang làm ăn ra sao?

Nhìn lại năm 2020, thời điểm bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do xung đột thương mại với Hoa Kỳ và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, tuy nhiên các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp như ITA, KBS, BCM... đã có một năm kinh doanh không xứng với kỳ vọng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại có bước lội ngược dòng ấn tượng trong quý I/2021.

Cụ thể, năm 2020 CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) ghi nhận doanh thu 649 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2019. Lãi ròng đạt 179 tỷ đồng, giảm 13%.

Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 2021, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời vẫn còn hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc từ năm trước, ITA ghi nhận tăng trưởng trong quý I/2021 nhờ doanh thu chủ yếu từ mảng kinh doanh chính BĐS KCN với doanh thu đạt 177 tỷ đồng, tăng 88% so với quý I/2020. Lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng, tăng 132%.

Vingroup nhảy vào bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hiện đang ra sao? - Ảnh 3.

Nguồn: BCT quý I/2021 các doanh nghiệp.

Tương tự, năm 2020 doanh thu của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) chỉ đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 32,8% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, giảm 71,4% so với năm 2019. Bước sang quý I/2021, KBC có doanh thu gấp 4 lần quí I/2020, lên mức 2.001 tỷ đồng, nhờ đó, lãi ròng cũng tăng lên 715 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ.

Năm 2020, doanh thu của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (HOSE: BCM) đạt 7.921 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.148 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 18% so với năm 2019. Quý I/2021, BCM ghi nhận doanh thu đạt 1.389 tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận sau thuế gần 468 tỷ đồng, tăng 41% so với quý I/2020.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem