Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào cuộc chơi lớn, ngân hàng có tỷ phú USD

Lê Thúy Thứ tư, ngày 02/01/2019 16:29 PM (GMT+7)
Danh sách những doanh nhân tiêu biểu năm 2018 phải kể đến như tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hay Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương... Không chỉ sở hữu tài sản tỷ USD mà những tên tuổi này còn gắn với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có lợi nhuận hàng trăm, nghìn tỷ đồng năm năm 2018.
Bình luận 0

Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng

Năm 2018 là năm cực kỳ bận rộn của Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bên cạnh dự án VinFast khởi công từ cuối năm 2017, Vingroup công bố mô hình VinCity, Đại học VinUni, dược phẩm - nhà thuốc VinFA, điện thoại Vsmart, công ty công nghệ VinTech, thanh toán VinID... và khánh thành tòa nhà Landmark81 cao nhất Việt Nam với độ cao 461m. Ngày cuối năm, Vingroup còn "chơi lớn" với động thái mở cùng lúc 117 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên cả nước nâng tổng số cửa hàng lên con số 1.700.

Tốc độ triển khai các dự án mới của Vingroup trong năm cũng khiến nhiều người kinh ngạc. Chỉ sau hơn 1 năm kể từ ngày công bố, VinFast đã ra mắt các mẫu xe ô tô tại Paris Motor Show cũng như tại Việt Nam và nhận được hàng nghìn đơn đặt trước. Bên cạnh đó, những chiếc xe máy điện VinFast Klara đầu tiên đã lăn bánh trên đường phố.

Và chỉ 4 tháng sau khi tuyên bố nhảy vào lĩnh vực smartphone, 4 mẫu điện thoại Vsmart đã ra mắt với mức giá bình dân từ 2,5 triệu đến 7 triệu đồng

img 

Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng

Năm 2018 cũng ghi đậm dấu ấn của Vingroup lên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, thương vụ IPO hơn 2,68 tỷ cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes, một công ty con của Tập đoàn Vingroup cũng được đánh giá là thương vụ tỷ USD lớn nhất trong năm 2018

Vingroup cũng công bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ. Dự kiến đến năm 2028, công nghệ sẽ là ngành chiếm tỷ trọng chính thay vì ngành bất động sản như hiện nay.

Hiện ông Phạm Nhật Vượng là người giàu có nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt nam trong danh sách tỷ phú đô la do Forbes công bố . Tính cả lượng cổ phiếu sở hữu gián tiếp qua CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Nam, người giàu nhất TTCK đang nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá hơn 190.000 tỷ đồng, tăng 71.000 tỷ so với năm trước.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Sau khi Vietjet lên sàn rất thành công trong năm 2017, nữ tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam tiếp tục đưa HDBank lên niêm yết vào ngay đầu năm 2018. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT và sở hữu 3,7% cổ phần của ngân hàng này, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Với vốn hóa hiện đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tức gần 3 tỷ USD, Vietjet là hãng hàng không có giá trị lớn thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore Airlines. Lũy kế 9 tháng tháng đầu năm, Vietjet của nữ đại gia này đạt gần 34.000 tỷ đồng doanh thu và LNST đạt 3.681 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017.

img 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Lợi nhuận kinh doanh khả quan song năm 2018 cũng là 1 năm không hoàn toàn may mắn với nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi hàng loạt sự cố xảy ra đối với hãng hàng không Vietjet như chậm chuyến, hạ cánh nhầm, thậm chí bị văng bánh trước trong quá trình hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột khiến hành khách hoảng loạn. Vietjet chính thức rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt

Tại HDBank do bà Thảo làm Phó Chủ tịch HĐQT, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của HDBank đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận cao giúp ROE của nhà băng này duy trì trên 20%.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Tập đoàn FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 18.367 tỷ đồng tăng 22% và 34% so với cùng kỳ.

img 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Lợi nhuận sau thuế sau thuế của FPT đạt 2.659 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.128 tỷ đồng, tăng 23% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.474 đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 17,2%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ.

Với gần 32,7 triệu cổ phiếu FPT đang nắm giữ, tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia này trên 1.373 tỷ đồng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) do ông Nguyễn Xuân Thành làm Chủ tịch HĐQT vừa chốt kết quả kinh doanh cơ bản năm 2018 với kỷ lục lợi nhuận bứt phá ấn tượng, gấp gần ba lần so với trước thời điểm triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo sơ bộ cho thấy, kết thúc năm 2018, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế lên tới hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 60% so với năm 2017 và gần gấp ba lần so với quy mô lợi nhuận năm 2015 - năm ngân hàng này bắt đầu chuyển sang giai đoạn tái cơ cấu.

img 

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Quy mô lợi nhuận hơn 18.000 tỷ đồng nói trên cũng vượt xa các dự báo từ 15.000 - 16.000 tỷ đồng mà một số tổ chức đầu tư đưa ra trong năm 2018.

Với kết quả đạt được, năm 2018 ngân hàng của ông Thành tiếp tục giữ vị trí số 1 về lợi nhuận với một quy mô khó có thành viên khác bám sát.

Đó cũng là một trong những điều kiện để Vietcombank trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam vượt rào thành công, qua thẩm định và phê duyệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), để triển khai kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Mỹ, với hồ sơ đã được duyệt trong năm 2018.

Và dự kiến, ngân hàng này cũng sẽ trở thành thành viên có quy mô vốn chủ sở hữu số 1 hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, với khoản thặng dư lớn từ kế hoạch bán vốn nhiều khả năng sẽ hoàn tất ngay đầu năm 2019.

Đại gia ngành ngân hàng Hồ Hùng Anh

Cùng với sự bứt phá của lợi nhuận ngân hàng trong những năm gần đây, nhiều đại gia ngân hàng cũng đã dần lộ diện. Một cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian vừa qua đó là Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh.

Hiện tại ông Hồ Hùng Anh cùng mẹ, vợ, con trai và em dâu đang nắm giữ 17,02% cổ phần của Techcombank, trị giá hơn 16.200 tỷ đồng cùng với 1.000 tỷ đồng cổ phiếu Masan Group. Tính cả phần sở hữu gián tiếp qua Masan Corp, ông Hồ Hùng Anh và gia đình đang sở hữu cả khối tài sản trị giá gần 37.000 tỷ đồng.

Trước khi lên sàn, tổng tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Techcombank ước tính lên tới 25.401,1 tỷ đồng.

img 

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh.

Như vậy có thể thấy, ông Hồ Hùng Anh hiện đang là vị đại gia gốc Đông Âu giàu có nhất ngành ngân hàng. Vị trí tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam trong năm 2019 khó có khác sáng giá hơn vị chủ tịch Techcombank.

Nói về Techcombank của ông Hồ Hùng Anh, từ vị thế chỉ tương đương hoặc thấp hơn các ngân hàng cổ phần Top đầu khác như VPBank, ACB hay MBB thì nay Techcombank đã bứt phá vượt lên hẳn.

Hiện tại, vốn hóa thị trường của Techcombank đạt hơn 90.000 tỷ đồng - đứng thứ 3 chỉ sau Vietcombank và BIDV. Thậm chí với mức tăng trưởng 61% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank chỉ kém mỗi Vietcombank, đạt đạt 7.774 tỷ đồng.

Chủ tịch Yeah1 Group (YEG) Nguyễn Ảnh Nhượng Tống

Vốn là một người khá lạ lẫm với công chúng nhưng khi đưa công ty lên sàn, Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã gia nhập nhóm những doanh nhân nghìn tỷ trên sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá hơn 2.700 tỷ đồng.

Yeah1 Group là một trong những doanh nghiệp lên sàn gây nhiều tranh cãi nhất trong năm 2018, chủ yếu do mô hình kinh doanh truyền thông khá mới mẻ dựa trên nền tảng Internet, truyền hình cùng với mức định giá cao ngất ngưởng hơn 7.000 tỷ đồng - gấp 3 lần so với FPT Online.

img

 Chủ tịch Yeah1 Group (YEG) Nguyễn Ảnh Nhượng Tống

Theo báo cáo tài chính quý III.2018 của Yeah 1, tổng doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2018 đạt 1.034,8 tỷ đồng, tăng 110,7 % so với cùng kỳ 2017. Số dư tiền mặt cuối quý III là 1.071,3 tỷ đồng.

Doanh thu của mảng truyền thống (Tivi, phim ảnh, đại lý quảng cáo) tăng trưởng 50,9% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ doanh thu bán hàng tăng cao và nhiều hợp đồng chiến lược với nhiều đài truyền hình lớn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh thu từ lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số tăng trưởng lên tới 179,3% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ sự tăng trưởng của số lượt người xem, đặc biệt từ các lượt xem quốc tế và việc tối ưu hóa các nội dung số.

Trong quý III, Yeah1 cũng ra mắt 2 dự án hợp tác quốc tế đáng chú ý là kênh truyền hình UM channel – hợp tác với Universal Music Group và dự án nhóm nhạc thần tượng SGO48, hợp tác với tập đoàn giải trí AKS Nhật Bản.

Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn

Năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ của một số nhóm ngành xuất khẩu như dệt may hay thủy sản. Và một trong những doanh nghiệp ấn tượng nhất là CTCP Vĩnh Hoàn, nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.

Dù doanh thu tăng không quá mạnh nhưng đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn đều có lợi nhuận tăng trưởng ở mức ba chữ số. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 1.036 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 153% so với cùng kỳ.

img 

Cổ phiếu Vĩnh Hoàn đã tăng liên tục bất chấp xu hướng chung đi xuống của thị trường, tức mức 50.000 đồng hồi tháng 6 lên mức đỉnh 112.000 vào cuối tháng 11.

Hiện Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp thủy sản lớn nhất trên sàn với vốn hóa đạt 8.500 tỷ đồng. Với gần 43% cổ phần, Chủ tịch Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh hiện sở hữu lượng cổ phiếu trị giá hơn 3.600 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2017.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco & Đại Quang Minh

Là một doanh nhân lớn trong cả lĩnh vực sản xuất ô tô và bất động sản, ông Trần Bá Dương hiện đang Chủ tịch công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) & Đại Quang Minh và cũng là 1 trong 4 tên tuổi tỷ phú USD được nhắc đến trong cả năm 2018.

Với Thaco của vị tỷ phú này, trong 9 tháng đầu năm doanh nghiệp này ghi nhận 39.800 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất và 4.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 13% và 29% so với cùng kỳ 2017.

Cũng trong kỳ vừa qua, tổng tài sản của Thaco tăng gần 6.700 tỷ lên mức 72.400 tỷ đồng so với thời điểm 30/6. Trong đó, tài sản tăng chủ yếu từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 2.217 tỷ. Số này chủ yếu là số tiền Thaco đã chi để mua 221.688 trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.

img

 Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco & Đại Quang Minh

Cũng phải nói thêm rằng, trong năm vừa qua, Thaco do tỷ phú Trần Bá Dương làm chủ tịch và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm chủ tịch đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược thông qua việc Thaco sẽ mua một lượng lớn cổ phần và trái phiếu chuyển đổi tại 2 công ty con quan trọng của HAGL là công ty nông nghiệp HAGL Agrico và khu phức hợp của HAGL tại Myanmar.

Sau cái bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT đã kết thúc quý III.2018 với kết quả kinh doanh có nhiều tiến triển.

Tỷ phú Trần Đình Long

Tỷ phú Trần Đình Long lại trải qua năm 2018 với nhiều biến động. Chỉ trong tròng 1 năm, tỷ phú Trần Đình Long được Forbes nhắc tới 2 lần. Đầu tiên, sự bùng nổ về giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG trong những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018 đã nhanh chóng giúp vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát lọt vào danh sách tỷ phú USD do Forbes công bố hồi tháng 3.2018.

img  

Song đến đầu tháng 12.2018, tên ông Trần Đình Long đã không còn xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes trước khi trở lại danh sách này chỉ sau vài ngày với tổng tài sản đạt 1 tỷ USD.

Hiện tại, tỷ phú Trần Đình Long đã rơi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với túi tiền chỉ còn hơn 16.533 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với Hòa Phát của vị đại gia này, với sự khác biệt về công nghệ, “cỗ xe lu” vẫn đạt được những thành tích đáng nể so với doanh nghiệp cùng ngành. Trong 3 quý đầu năm, Hòa Phát đạt 42.000 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước.

CEO Vinamilk Mai Kiều Liên

Trong khuôn khổ Women's Summit 2018 diễn ra ngày 18.10 tại TP HCM, Forbes Việt Nam lần đầu tiên công bố giải thưởng "Thành tựu trọn đời". Trong lần đầu trao giải, tạp chí vinh danh duy nhất một người phụ nữ Việt Nam nổi bật có những thành tích và đóng góp đã được chứng minh và ảnh hưởng lớn tới một lĩnh vực, xã hội hay quốc gia. Đó là Tổng giám đốc Mai Kiều Liên của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

img 

CEO Vinamilk Mai Kiều Liên

Bà Mai Kiều Liên đã dẫn dắt Vinamilk hơn 40 năm qua, đưa công ty trở thành trường hợp thành công điển hình nhất của khối doanh nghiệp Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa ghi nhận doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu... tăng trưởng đều đặn và mạnh mẽ.

Nhiều chỉ số thể hiện kết quả kinh doanh kỷ lục qua các năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Vinamilk đạt 39.558 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 867 tỷ (2%) so với cùng kỳ năm 2017. Lãi gộp 18.449 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2018, Vinamilk đã trúng Gói thầu số 01 Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020. Giá trị trúng thầu là hơn 4.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem