TTCK biến động mạnh nhất 10 năm: tỷ phú Phạm Nhật Vượng ổn định, tài sản Trần Đình Long bốc hơi

P.V Thứ hai, ngày 31/12/2018 09:00 AM (GMT+7)
Năm 2018 chứng kiến những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong 10 năm qua kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 và tài sản của các tỷ phú cũng sóng sánh theo. Theo đó, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng ổn định, còn tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thì trồi sụt và tài sản tỷ phú Trần Đình Long bốc hơi cùng giá cổ phiếu HPG.
Bình luận 0

img

Sự trồi sụt về tổng tài sản trên sàn chứng khoán của 3 tỷ phú USD Việt Nam đã phần nào phản ánh mức biến động mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 năm. (Ảnh minh họa)

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 chứng kiến mức biến động mạnh nhất trong 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đây là năm đầu tiên thị trường chứng khoán suy giảm, sau 5 năm liên tiếp trước đó chỉ số chứng khoán song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao, có năm lên đến 47% (năm 2017).

VnIndex từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10.4.2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30.10.2018).

Sự “lạc nhịp” của thị trường chứng khoán Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Ngã rẽ trái chiều của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2018, VnIndex giảm 8,27 điểm (0,92%) xuống 892,54 điểm, và giảm 91,7 điểm (9,32%) so với cuối năm 2017. Hai “cổ phiếu họ Vin” là VIC và VRE bất ngờ bị bán tháo vào cuối phiên. VIC giảm sàn xuống 95.300 đồng; VRE giảm 4,5% xuống 27.900 đồng khiến tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng “bốc hơi” hơn 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, với việc đang trực tiếp sở hữu 876.002.652 cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu 989.183.952 cổ phiếu VIC thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đạt mức 177.752 tỷ đồng, tăng gần 50% so với mức tài sản 119.156 tỷ đồng mà ông Vượng đạt được vào thời điểm cuối năm 2017.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup ghi nhận những bước tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2018. Ngoài ra, thương vụ IPO hơn 2,68 tỷ cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes, một công ty con của Tập đoàn Vingroup cũng được đánh giá là thương vụ tỷ USD lớn nhất trong năm 2018.

Còn nhớ, tuần giao dịch trung tuần tháng 5.2018 (từ 13.5 - 18.5) đã khép lại với việc TTCK Việt Nam lần đầu có giá trị giao dịch tỷ USD. Công ty CP Vinhomes (VHM) thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, một tân binh trên sàn HoSE đã khiến giới đầu tư phải ngước nhìn chỉ sau 2 ngày chào sàn.

Cụ thể, ngay sau khi chính thức niêm yết gần 2,68 tỷ cổ phiếu VHM trên sàn HoSE vào ngày 17.5, “bom tấn” Vinhomes ngay lập tức đã thể hiện sức hút của mình khi chỉ 20 phút đầu tiên sau khi lên sàn, VHM đã tăng trần tới 18.000 đồng, đạt 110.500 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa ngày đầu lên sàn của Vinhomes ở mức trên 246.700 tỷ đồng, lớn hơn cả Vinamilk, vốn hóa đạt 245.440 tỷ đồng ở phiên giao dịch ngày 17.5.

Trong khi đó, VinFast cũng chính thức trình làng với với sự kiện ra mắt của ô tô thương hiệu Việt đình đám tại Paris. Bên cạnh đó, Vingroup cũng công bố mô hình VinCity, Đại học VinUni, nhà thuốc VinFA, , công ty công nghệ VinTech, sản phẩm điện thoại Vsmart...

Vingroup cũng công bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ. Dự kiến đến năm 2028, công nghệ sẽ là ngành chiếm tỷ trọng chính thay vì ngành bất động sản như hiện nay.

img

Trong khi tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tăng trưởng thì tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại sụt giảm. (Ảnh minh họa)

Với tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, dù nắm trong tay 35.961.580 cổ phiếu HDB. Đồng thời, trực tiếp sở hữu 39.559.095 cổ phần VJC và gián tiếp sở hữu 128.950.134 cổ phiếu VJC thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Song tài sàn tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại giảm hơn 3.000 tỷ đồng, xuống còn 21.311 tỷ đồng do giá trị giao dịch của cổ phiếu HDB giảm mạnh trong năm 2018.

Cũng trong năm 2018, Công ty CP Sovico (Sovico Holdings), một công ty do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT và cũng là một trong những cổ đông sáng lập của Vietjet đã mua thỏa thuận thành công hơn 13.7 triệu cp VJC trong khoảng thời gian 26.3 - 4.4.2018. Sau giao dịch, Công ty này nâng tỷ lệ sở hữu tại Vietjet từ 4,56% (20,58 triệu cổ phiếu) lên 7,59% (34,25 triệu cổ phiếu) và trở thành cổ đông lớn của Vietjet.

Ước tính tại giá đóng cửa của cổ phiếu VJC chốt phiên 4.4.2018 ở mức 221.000 đồng/cổ phiếu, Sovico dự kiến phải bỏ ra hơn 3.000 tỷ đồng cho thương vụ này.

Một năm “chìm nổi” của tỷ phú Trần Đình Long

Tỷ phú Trần Đình Long lại trải qua năm 2018 với nhiều biến động. Chỉ trong tròng 1 năm, tỷ phú Trần Đình Long được Forbes nhắc tới 2 lần. Đầu tiên, sự bùng nổ về giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG trong những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018 đã nhanh chóng giúp vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát lọt vào danh sách tỷ phú USD do Forbes công bố hồi tháng 3.2018.

Song đến đầu tháng 12.2018, tên ông Trần Đình Long đã không còn xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes trước khi trở lại danh sách này chỉ sau vài ngày với tổng tài sản đạt 1 tỷ USD.

img

Tỷ phú Trần Đình Long trải qua năm 2018 với nhiều biến động.

Hiện tại, tỷ phú Trần Đình Long đã rơi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với túi tiền chỉ còn hơn 16.533 tỷ đồng.

Năm 2018 cũng ghi nhận ngành thép là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, phải đối mặt với nhiều vụ kiện và bị áp thuế bảo hộ của Mỹ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem