Tỷ phú... tóc giả

Thứ sáu, ngày 25/06/2010 07:41 AM (GMT+7)
(NTNN) - Từ đôi bàn tay trắng, sau vài năm bươn chải từ Bắc chí Nam, đến nay Dương Văn Dũng đã có một cơ ngơi bạc tỷ từ một nghề ít ai ngờ tới, nghề... làm tóc giả.
Bình luận 0
img
Người làm tóc giả có thu nhập bình quân hơn 1 triệu đồng/tháng.

Đồ giả nhưng phải tốt

Gặp Dương Văn Dũng (SN 1981, ở xóm 7, xã Nga Thái, Nga Sơn, Thanh Hóa), chúng tôi không nghĩ đó là Giám đốc một doanh nghiệp, bởi phong cách ăn mặc giản dị và cách tiếp chuyện thân tình, cộng với thân hình nhỏ thó, nước da ngăm đen. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Dũng quyết định “Nam tiến”. Duyên may đến với Dũng khi Công ty Tân Rô, (một công ty của Hàn Quốc chuyên về thương mại tóc) tuyển Dũng vào học nghề và thử việc.

Dũng cho hay, những ngày đầu bước vào học nghề là quãng thời gian vô cùng vất vả. Để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống để học nghề, anh phải làm thêm rất nhiều việc. Khi đã làm được nghề, biết Công ty Tân Rô có chi nhánh ở Hà Nội, Dũng xin chuyển ra chi nhánh làm để có điều kiện gần nhà. Với khả năng thích ứng nhanh trong công việc, Dũng được lãnh đạo công ty cử đi Hàn Quốc để đào tạo thêm về nghiệp vụ kinh doanh tóc. Đây chính là quãng thời gian tạo ra bước đột phá trong nhận thức kinh doanh của anh.

Năm 2007, Dũng quyết định trở về quê mở cơ sở gia công tóc giả Việt Dũng. Chỉ sau hai năm tách ra làm ăn riêng, nhờ biết mạnh dạn trong đầu tư sản xuất và tận dụng tốt lợi thế về nguồn lao động dôi dư theo thời vụ tại địa phương, Dương Văn Dũng đã trở thành một tỷ phú trẻ với doanh thu trên 12 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí anh thu lãi hàng tỷ đồng. Dũng bảo, “xã hội đều lên án hàng giả, nhưng có một số loại đồ giả lại được người ta chấp nhận, nhưng phải làm thật tốt, ví dụ như: răng giả, chân tay giả…và tóc giả”.

Tạo việc làm cho lao động nông thôn

Với những thành công trong lĩnh vực kinh doanh, vừa qua Dương Văn Dũng vinh dự được nhận giải thưởng “Doanh nhân tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, do Cục Sở hữu trí tuệ và Hội DN trẻ Hà Nội phối hợp tổ chức.

Trong vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thì Dương Văn Dũng đang là người đi tiên phong, bởi hiện Dũng đã và đang gây dựng “mạng lưới” đào tạo nghề làm tóc giả cho nhiều lao động ở địa phương.

Lúc mới thành lập, cơ sở sản xuất của Dũng chỉ có vài chục công nhân nhưng đến nay, Công ty TNHH Việt Dũng đã có 6 cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, với gần 500 công nhân. Nhiều lao động cho biết, nghề làm tóc giả không khó, điều quan trọng là phải cần cù, chịu khó vì công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ.

Chị Vũ Thị Hồng, công nhân xưởng sản xuất tại xã Nga Thái (Nga Sơn) nói, chỉ cần bỏ thời gian khoảng 2-3 ngày để học việc là có thể làm được. Nếu làm chăm chỉ có thể cho thu nhập bình quân 60.000 đồng/người/ngày. Điều mà chị em phấn khởi nhất đó là nếu làm tốt sẽ được nhận nguyên liệu về sản xuất tại nhà.

Cũng như chị Hồng, chị Mai Thị Hiền, ở xóm Đông, xã Nga Vịnh, cho hay: “Chị em công nhân ở xưởng chúng tôi ngày đi cấy lúa, tối lại đi làm tóc giả. Hết mùa gặt hái và gieo cấy, chúng tôi đi làm tóc cả ngày, cũng thêm được một khoản tiền kha khá lo cho cuộc sống”.

Tuy nhiên, điều băn khoăn lớn nhất của Giám đốc Dũng hiện nay là lực lượng lao động nông nhàn còn quá nhiều, nhưng nguồn vốn để mở rộng doanh nghiệp lại quá khó khăn. “Dự định trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm một số cơ sở để có thể làm đối tác trực tiếp với doanh nghiệp của Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ tuyển khoảng 500 lao động nữa, đào tạo nghề gắn với việc làm luôn. Tuy nhiên, trước hết phải có vốn, từ đó mới có thể mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho công nhân”- Dũng nói về dự định của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem