Thu 20 tỷ/năm từmô hình vườn - rừng
Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Đoàn Xuân An từ tỉnh Ninh Bình lên huyện Hàm Yên xây dựng vùng kinh tế mới. Đến năm 19 tuổi, ông Đoàn Xuân An lấy vợ và được bố mẹ cho ra ở riêng với mảnh đất để làm vườn, dựng nhà. Lúc mới xây dựng gia đình, cuộc sống của 2 vợ chồng ông An có những lúc rơi vào bế tắc bởi thiếu thốn đủ bề.
Để có “kế sinh nhai”, 2 vợ chồng ông An xin vào làm công nhân Lâm trường Hàm Yên. Cuộc sống của công nhân lâm trường với những tháng ngày gắn liền với lều bạt trên những cánh rừng nay đây mai đó. Tuy vẫn còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng ông An không bao giờ nản chí. Tình yêu, niềm say mê với vườn, rừng nhen nhóm và lớn dần lên trong ông An từ đây.
Ông Đoàn Xuân An bên vườn cam sành Hàm Yên sai trĩu quả. Ảnh: Đình Thắng.
Sau này, với nhiều đóng góp tích cực, ông được lãnh đạo Lâm trường Hàm Yên giao cho làm cán bộ phụ trách mảng văn hóa của lâm trường. Sau đó ông An được bầu vào Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn Hàm Yên rồi làm đến Trưởng Ban Công – Nông nghiệp của Tỉnh đoàn Hà Tuyên cũ. Năm 1991, ông về nghỉ theo chế độ 176 (thanh toán 1 cục). Thời điểm này được coi là bước ngoặt đáng nhớ của cuộc đời ông An khi dành toàn vẹn thời gian với công việc trồng rừng, làm vườn.
Từ diện tích rừng có được, ông An đã quy hoạch bài bản từng vùng đất. Ở đồi cao ông chọn trồng keo, mỡ, bồ đề; khu vực thấp phía dưới ông trồng cam; đất bằng phẳng hơn ông cho người dựng cột bê tông trồng thanh long ruột đỏ. Với sự chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi cộng với kiến thức lâm nghiệp sẵn có, ông An đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn rừng. Khi gỗ vừa đến tuổi khai thác, ông lại trồng ngay cây mới, không cho đất nghỉ.
Tích lũy được vốn từ việc trồng rừng, ông lại mua thêm đất để trồng rừng, trồng cam. Hiện diện tích rừng của gia đình ông An đã hơn 51ha với đủ các loại cây trồng trù phú từ cây rừng sản xuất cho đến vườn cây ăn trái.
Với sự chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi cộng với kiến thức lâm nghiệp sẵn có, ông An đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại trồng rừng. Năm 2003, ông An quyết định mở rộng mô hình kinh doanh của gia đình. Ông đã đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, giao thông thủy lợi, lắp đặt điện, nước. Doanh nghiệp của ông đã xây dựng nhiều công trình lớn nhỏ trên khắp địa bàn huyện, góp phần làm thay đổi “bộ mặt” nông thôn mới trên địa bàn. Tiêu biểu phải kể đến công trình đường giao thông nông thôn mới từ km 51 đường Tuyên Quang – Hà Giang đi thôn 9 Minh Phú, xã Yên Phú; công trình Trường Tiểu học Hùng Vân, xã Hùng Đức 2 tầng khang trang; công trình mặt bằng Khu tái định cư thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên)…
Hiện nay, ngoài 12 cán bộ, công nhân chính thức của Doanh nghiệp Lương Tâm, ông An còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương khi đơn vị thi công các công trình, trồng và khai thác rừng; chăm sóc cây ăn quả. Đối với cán bộ, công nhân làm việc dài hạn, ông An trả lương từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên và được đóng bảo hiểm đầy đủ. Đối với lao động thời vụ, ông An trả 200.000 đồng/ người/ngày.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, duy trì hoạt động hiệu quả doanh nghiệp xây dựng, mỗi năm gia đình ông An thu về trên 20 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt trên 800 triệu đồng/năm. Gia đình ông An nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng bằng khen. Ở địa phương, ông An luôn được đánh giá cao vì có nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, đi đầu trong thực hiện các phong trào tại địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Khát vọng xuất khẩu cam sành Hàm Yên
Đưa chúng tôi đi tham quan đồi cam sành của gia đình, ông An hào hứng kể: “Cam sành là một sản phẩm lâu đời đặc trưng của vùng đất Hàm Yên. Cam sành cũng là giống cây trồng đưa gia đình tôi từ nghèo khó vươn lên giàu có như hiện nay. Chính vì vậy đã từ lâu tôi luôn có mơ ước làm sao để thương hiệu cam sành quê hương được nhiều người biết đến và sử dụng. Làm thế nào để loại quả này có mặt ở tất cả các chợ, siêu thị trên cả nước và vươn ra thế giới”.
Ông Đoàn Xuân An bên vườn thanh long ruột đỏ-1 loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao bên cạnh cây cam sành Hàm Yên. Ảnh: Đình Thắng.
“Đầu năm 2017, khi Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức cho nông dân đi học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp ở Hàn Quốc, tôi đã đăng ký ngay lập tức. Tôi đi chuyến này với tham vọng tìm đầu ra cho cam sành Hàm Yên. Khi đến đại sứ quán Hàn Quốc, tôi mới biết nước này chỉ nhập cam không hạt. Xuất phát từ nhu cầu của nước bạn, sau khi đi Hàn Quốc về, tôi nảy sinh ý nghĩ, các nước khác sản xuất được giống cam không hạt thì mình không có lý do gì không làm được. Từ đó tôi đã trăn trở rất nhiều về giống cam sành không hạt Hàm Yên. Rồi tôi phác thảo ý tưởng, lập kế hoạch xây dựng đề án làm giống cam sành không hạt Hàm Yên…” - ông An thổ lộ.
Bắt đầu từ năm 2018, ông Đoàn Xuân An sẽ cho triển khai xây dựng vườn ươm giống cam sành không hạt. Dự tính, cũng trong năm 2018, ông An sẽ đưa giống cam này vào trồng thử nghiệm, khi nào chắc chắc thành công, ông mới nhân rộng dần ra các vùng trồng khác trong huyện Hàm Yên.
|
Ông An cho biết, ông chia sẻ ý tưởng này với gia đình, với những người có tâm huyết trồng cam Hàm Yên và lãnh đạo huyện, tỉnh. Mọi người rất hào hứng với ý tưởng của ông. Lãnh đạo huyện và tỉnh đồng ý để tôi chủ trì xây dựng và triển khai đề án làm cam sành không hạt. Ông đã liên hệ với đơn vị nghiên cứu khoa học có tiếng để nhờ hỗ trợ, hợp tác tạo ghép giống cam sành không hạt.
Ông An hào hứng nói: “Ý tưởng này ra đời để phục vụ những người nông dân trồng cam và nâng tầm thương hiệu cam sành Hàm Yên. Nếu ý tưởng này thành công sẽ giúp cho sản phẩm cam sành có chỗ đứng trên thị trường và trong tâm trí người tiêu dùng không chỉ trong nước mà dần dần hướng ra thị trường quốc tế. Đưa sản phẩm cam sành sạch bệnh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đến được với tay người tiêu dùng, giúp cho người trồng cam yên tâm sản xuất, làm ra ngày càng nhiều các sản phẩm cam có chất lượng, mẫu mã ngày càng hoàn thiện để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng…”. Nói như ông An, mong muốn của ông là cam sành Hàm Yên sẽ được biết đến không chỉ nhiều hơn ở trong nước mà còn có thể xuất đi nước ngoài, nhất là các thị trường khó tính như Hàn Quốc…
Với cây cam sành, ông Đoàn Xuân An đã thành lập Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên với mức đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, kho xưởng bảo quản cam sành, và các hệ thống đóng gói cam sành. Doanh nghiệp này sẽ có 6 kho lạnh được xây dựng trên diện tích 2ha nhằm thu mua cam của các hộ nông dân. Ông An cho biết: “Cứ đến mùa thu hoạch cam, thương lái đến ép giá bà con rất nhiều, vì cam thu hoạch cùng lúc, sản phẩm nhiều và không thể để lâu. Thương lái đã lợi dụng điểm yếu đó để ép giá bà con trồng cam. Với việc có kho lạnh công suất trữ 6.000 tấn cam sau thu hoạch sẽ bảo quản trong 8 tuần mà cam vẫn nguyên vẹn chất lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.