Ụ nổi “đánh chìm” trách nhiệm

Thứ sáu, ngày 25/04/2014 07:28 AM (GMT+7)
Vụ án sai phạm tại Vinalines không chỉ ở phiên tòa sơ thẩm mà đến phiên phúc thẩm, tình tiết gây tranh cãi quyết liệt vẫn là câu chuyện ụ nổi có phải là tàu biển hay không?
Bình luận 0
Trả lời trước HĐXX, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan giám định liên ngành (5 bộ) đã thống nhất nhận định ụ nổi không phải là tàu biển! Theo đó, Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa không có sai phạm trong việc giám định nên không thể quy trách nhiệm cho họ.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng công bố 2 văn bản của Bộ GTVT với nội dung khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển. Nó là một thiết bị sửa chữa tàu di động nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu (không quá 15 tuổi). Như vậy, nếu không phải là tàu biển thì không thể điều chỉnh theo quy định tàu biển trong Bộ luật Hàng hải. Tuy nhiên, trong bộ luật này vẫn có điểm mở, cụ thể là tại khoản 2 Điều 2 có quy định: Trong trường hợp công ước quốc tế - mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên - có quy định khác với quy định của bộ luật này thì áp dụng quy định của công ước quốc tế đó.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa đã vận dụng điều này để nhắc tới Công ước HS. Và theo công ước này thì ụ nổi không phải là tàu biển, nó có mã số riêng. Ụ nổi không phải tuân thủ các quy định về giấy phép tuổi của tàu, giấy bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải. Về vấn đề này, đại diện Cục Đăng kiểm trình bày trước tòa rằng: Tại Việt Nam có những ụ nổi đã 60-70 tuổi vẫn đủ điều kiện hoạt động bình thường thì cơ quan quản lý vẫn phải cấp chứng nhận đăng kiểm. Vị đại diện này dẫn chứng, ụ nổi của Nhà máy Đóng tàu Ba Son hiện nay thậm chí còn gần 100 tuổi.

Như vậy vấn đề không phải là bao nhiêu tuổi mà là đủ điều kiện thì vẫn được cơ quan giám định phân cấp cho sử dụng. Quay trở lại với ụ nổi 83M, nguyên nhân chính khiến Dương Chí Dũng và đồng phạm phải đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay, nếu như ụ nổi này đã già nua nhưng vẫn còn đủ khả năng hoạt động thì đã không xảy ra vụ án tại Vinalines.

Giờ đây ụ nổi chỉ còn là đống sắt vụn, đơn vị chủ quản cũng muốn tống khứ sớm để tránh mỗi tháng tốn tiền tỷ để trông coi, neo đậu. Nếu chiếu theo các quy định hiện hành về ụ nổi thì rõ ràng thấy có lỗ hổng. Nếu nó không thuộc trường hợp điều chỉnh theo quy định về độ tuổi thì phải có các quy định khác làm tiêu chí để đảm bảo chất lượng khi nhập khẩu. Nếu như có những quy định để điều chỉnh thì dù Dương Chí Dũng và thuộc cấp có cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm cố tình cho nhập ụ nổi 83M về thì nó cũng chỉ nằm ở cảng biển.

Hậu quả của vụ sai phạm tại Vinalines là đống sắt vụn 83M được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng, chưa kể mỗi tháng đống sắt này lại ngốn thêm tiền tỷ để trông coi. Vị kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm đã thốt lên "mua đống sắt cũ nát về giờ không biết vứt đi đâu, không ai chịu trách nhiệm thì vô lý quá". Sự vô lý sẽ còn xảy ra nếu như chúng ta không cập nhật, bổ sung những quy định mới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem