Luật sư của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đề nghị hủy án, điều tra lại

Thứ tư, ngày 23/04/2014 14:17 PM (GMT+7)
Luật sư Trần Đình Triển (bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng) và luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc) cùng đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại.
Bình luận 0
17h32’, luật sư Thiệp kết thúc phần bào chữa của mình. Tòa dừng làm việc. Sáng mai (24.4) phần tranh tụng tiếp tục.

16h52’,
luật sư Được một lần nữa đề xuất hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ việc. Tiếp lời, ông Được, luật sư Nguyễn Huy Thiệp “phê” quan điểm, lý lẽ đại diện VKS đưa ra không sử dụng những thông tin thể hiện trong diễn biến phiên tòa mà lấy nguyên từ hồ sơ vụ án. Ngoài ra, nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng lại bị bỏ ra ngoài để phán quyết các bị cáo.

Ông Thiệp cảnh báo có nhận định sai về vai trò của mỗi bị cáo trong vụ án, có khả năng sai (người thực hiện hành vi né được trách nhiệm đầu trò) và oan (người không thực hiện hành vi phạm tội lại bị quy tội).

16h20’, được đồng nghiệp “nhường sân”, luật sư Hoàng Huy Được bắt đầu nội dung bảo vệ cho bị cáo Mai Văn Phúc.

Ông Được nhắc lại việc VKSND Tối cao đánh giá Mai Văn Phúc có vai trò thấp hơn trong việc tham ô 28 tỷ đồng (dù mỗi người cùng “ăn” 10 tỷ đồng). Luật sư muốn được làm rõ khi chuyển 5 tỷ đồng cho Phúc tại làng Quốc tế Thăng Long, Sơn dùng 3 tỷ đồng em gái Trần Hải Huyền chuẩn bị cho thêm với 2 tỷ đồng tự rút từ Ngân hàng Hàng hải. Xác minh thông tin tại ngân hàng không hề có việc rút tiền này.

Lời khai của Sơn không chỉ mâu thuẫn với Mai Văn Phúc và mâu thuẫn với chính mình qua các lần lấy cung. Ông Được chìa ra tấm ảnh chụp lại ngôi nhà của Mai Văn Phúc tại An Hồng, An Dương, Hải Phòng, như chính quyền địa phương xác nhận, là nhà cấp 4, mái tôn cũ nát xuống cấp. Nhưng Sơn khai mang 5 tỷ đồng đến đây cho Phúc lại miêu tả, vào phòng khách ở… lầu 1.

Luật sư Được trình bày nội dung bảo vệ cho thân chủ
Luật sư Được trình bày nội dung bảo vệ cho thân chủ.

16h19’, luật sư Trần Đình Triển đề nghị hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại phần nội dung về tội tham ô tài sản.

16h12’, kết thúc phần phân tích về hành vi chuyển tiền, luật sư Trần Đình Triển nói về vấn đề nhận tiền Dương Chí Dũng đang bị cáo buộc.

16h10’, điểm cuối cùng luật sư Trần Đình Triển đề cập trong bản tuyên thệ này là thông tin: theo yêu cầu của Trần Hải Sơn, ông Goh ký một thỏa thuận đầu tư dự án khai thác điểm thông quan nội địa ngay sau khi hoàn tất thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M. Bản thân ông Goh không hề giữ bản sao nào của thỏa thuận này hay tham gia vào hoạt động nào của công ty liên doanh.

“Tôi nhớ là sau đó, cũng theo yêu cầu của ông Sơn, một bộ chứng từ đã được ký để dừng hoạt động của liên doanh” - bản tuyên thệ của ông Goh nêu.

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, cần đánh giá lại vai trò của các bị cáo trong việc “thương thảo” với Công ty AP vì đây là một chứng cứ, một tình tiết mới của vụ án.

15h51’, đưa ra tập tài liệu vừa thu thập từ Singapore, ông Triển cho rằng, một loạt lời khai của “đổ vấy” tội của Trần Hải Sơn cần được xem xét lại.

Luật sư Triển trình chứng cứ thu thập từ Singapore và cho rằng đây là tình tiết mới của vụ án.
Luật sư Triển trình chứng cứ thu thập từ Singapore và cho rằng đây là tình tiết mới của vụ án.

Cụ thể, các luật sư đã tiếp cận được ông Goh Hoon Seow, lấy được bản tuyên thệ của nhân vật này về vụ án: “Tôi biết ông Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch”. Lời khai này, luật sư cho rằng phù hợp với lời khai của Dương Chí Dũng trong quá trình điều tra.

Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty AP lại cung cấp thông tin, “việc thương thảo thủ tục mua bán ụ nổi 83M được tiến hành giữa tôi và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Trần Hải Sơn là người đứng đầu”.

Nội dung bản tuyên thệ của ông Goh cũng nêu rõ người này không hề yêu cầu ông Sơn phải mở tài khoản của Công ty Phú Hà. Tên Công ty Phú Hà xuất hiện lần đầu tiên khi công ty Global Success (bên trung gian có vai trò chỉ định đơn vị nhận lại 1,666 triệu USD trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M) thông báo cho AP về tên công ty sẽ nhận khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M, sau khi tín dụng thư được phát hành.

Chi tiết về tài khoản của công ty Phú Hà cũng do Trần Hải Sơn thông báo cho AP để ông Goh thực hiện việc thanh toán theo tín dụng thư cho công ty Phú Hà theo thỏa thuận. “Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD” - luật sư Triển đọc nguyên văn lời tuyên thệ của ông Goh.

15h40’, luật sư Trần Đình Triển bắt đầu nội dung bào chữa. Ông Triển đi vào vấn đề khai thác thông tin đối chứng về việc Dương Chí Dũng tham ô từ phía Singapore.

15h29’, luật sư Thắng cho rằng, Dương Chí Dũng không có quyết định cá nhân về việc đầu tư dự án nhà máy sửa chữa tàu biển cũng như việc mua ụ nổi vì chỉ là một thành viên của HĐQT. Nếu Dũng không đồng ý chủ trương mà HĐQT vẫn nhất trí làm việc này thì Dũng cũng phải chịu. Từ đó, luật sư đề nghị tuyên cựu Chủ tịch Vinalines không phạm tội “cố ý làm trái”.

15h17’, luật sư Trần Đại Thắng lật lại quy định về việc phê duyệt quy hoạch ngành trong trường hợp quyết định đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển, mua ụ nổi tại TCty Hàng hải năm 2007. Ông Thắng cho rằng Vinalines không sai khi đã trình Bộ GTVT. Dự án này có quy mô vốn không phải thuộc dự án nhóm A, không cần xin ý kiến Thủ tướng.

15h7’, luật sư Ngô Ngọc Thủy đề cập quan hệ của Dương Chí Dũng với ông Goh, luật sư bác những nhận định việc này đã chi phối ý chí của cựu Chủ tịch Vinalines vì không có gì chứng minh bị cáo với người này liên hệ, bàn bạc, thống chất về việc mua ụ nổi 83M để nhận lại quả.

“Hình phạt tử hình với Dương Chí Dũng theo luật sư chưa thỏa đáng, chưa thấu tình đạt lý. Có thể sinh mạng của một con người bị tước bỏ không thuyết phục, không đảm bảo mục đích của pháp luật” - ông Thủy nói.

Luật sư đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại để có thể đi đến một phán quyết có lý, có tình, công bằng, làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng công bằng, thuyết phục hơn.

14h50’, luật sư Ngô Ngọc Thủy bắt đầu nội dung bào chữa cho thân chủ - cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng. Ông Thủy nhận định ngay từ đầu, không đủ căn cứ buộc tội Dương Chí Dũng tham ô tài sản.

14h47’, trước khi bước vào phần tranh luận, tòa yêu cầu đưa Dương Chí Dũng lên ngồi hàng ghế trên cùng, sát vành móng ngựa.

14h44’, kết lại, đại diện VKS nhận định việc xin giảm án của Triện, Lừng, Đức có cơ sở xem xét, còn lại không chấp nhận các kháng cáo về mức án khác. VKS đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm, chỉ ghi nhận ý kiến của chị P.T.T và vợ Mai Văn Phúc đối với tài sản kê biên.

14h39', với kháng cáo về việc kê biên 3 căn nhà của Dương Chí Dũng (căn hộ SkyCity, ở Pacific Place) và căn nhà ở đường Nguyên Hồng vợ chồng Dũng đang ở, tòa cho rằng cả 2 tội mà Dương Chí Dũng phạm phải đều có quy định kê biên tài sản đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên án sơ thẩm cũng chưa đề cập trách nhiệm, nghĩa vụ người liên quan, gây khó khăn cho thi hành án.

Kháng cáo của vợ Mai Văn Phúc được cho là không có cơ sở xem xét.

Viện kiểm sát đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng
VKS đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng.

14h37’, về tội tham ô, VKS cho rằng, trong phiên phúc thẩm này, Dương Chí Dũng chưa thành khẩn nhận tội. Hành vi nghiêm trọng của bị cáo không có căn cứ để xem xét giảm án tử hình tòa sơ thẩm đã tuyên.

Hành vi của Mai Văn Phúc, tòa cũng cho rằng việc nộp tiền khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ tội tham ô với bị cáo.

Với Trần Hải Sơn, VKS cho rằng bị cáo phải nhận 14 năm tù về tội tham ô cấp sơ thẩm tuyên là nhẹ so với hành vi phạm tội của bị cáo nên không có căn cứ xem xét giảm hình phạt về tội này với Sơn.

Với Trần Hữu Chiều, đại diện cơ quan công tố nhận định, tính chất hành vi của bị cáo thấp hơn, chiếm hưởng ít hơn, mức án 12 năm tù là hợp lý, không có cơ sở giảm nhẹ hơn.

14h36’, chuyển sang vai trò của Mai Văn Khang, VKS cho rằng bị cáo bị tuyên 12 năm là phù hợp.

Bị cáo Lê Văn Dương thực hiện hành vi vi phạm với vai trò đồng phạm giúp sức cho Dũng, Phúc và các cán bộ TCty Hàng hải, gây thiệt hại 366 tỷ đồng. Mức án 7 năm tù đã tuyên với bị cáo là có cơ sở nhưng mức tiền buộc bồi thường có thể xem xét giảm nhẹ một phần cho bị cáo.

Nhóm bị cáo hải quan (Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện) được đánh giá có vai trò thấp hơn các bị cáo Dương, Sơn, Khang, Chiều. VKS đề nghị giảm một phần hình phạt, bồi thường cho các bị cáo.

14h33’, VKS nhận định về vai trò của Mai Văn Phúc - thấp hơn Dương Chí Dũng. Án sơ thẩm xử phạt Phúc 18 năm tù, bằng Dũng là cao so với vai trò của bị cáo nhưng nội dung buộc bồi thường 110 tỷ đồng giống như dũng là đúng.

Về Trần Hữu Chiều, cơ quan công tố cho rằng bị cáo là người trình phương án khảo sát ụ nổi 83M, trình, ký nháy biên bản giám định ụ nổi. Việc xử lý bị cáo bằng 9 năm tù về tội cố ý làm trái là hợp lý, kháng cáo xin giảm nhẹ án của bị cáo không có cơ sở xem xét.

Về Trần Hải Sơn, kiểm sát viên đánh giá vai trò của bị cáo giúp sức tích cực, hình phạt cấp sơ thẩm tuyên là hợp lý, không có cơ sở xem xét kháng cáo.

14h19’, chuyển sang hành vi tham ô tài sản, đại diện cơ quan công tố cho rằng, Dương Chí Dũng đã thừa nhận quen biết ông Goh trước đó. Dũng cùng Phúc đã chỉ đạo cấp dưới mua bằng được ụ nổi 83M qua Công ty AP. Từ đó, AP chuyển lại quả cho các bị cáo 1,666 triệu USD.

Lời khai của Trần Hải Sơn về việc nhận khoản tiền, chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều có nhiều cơ sở đối chứng chứng minh.

Từ đó, VKS kết luận số tiền hơn 28 tỷđồngcủa Vinalines là tiền của Nhà nước, Dũng, Phúc có trách nhiệm cao nhất để quản lý nhưng các bị cáo đã tư lợi chia chác.Việc truy tố các bị cáo về tội tham ô tài sản là đúng quy định pháp luật.

VKS nhận định, không có căn cứ xem xét kháng cáo kêu oan về tội này của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.

Với đơn kháng cáo của các bị cáo khác xin giảm nhẹ án đối với tội cố ý làm trái, VKS nhận định mỗi bị cáo có một vai trò riêng trong vụ án.

Dương Chí Dũng được nhận định là người chủ mưu, đồng thời là người thực hiện tích cực nhất. Bị cáo đã từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng nhưng vì chủ ý tham ô tài sản nên chỉ đạo các bị cáo là cấp dưới cố tình mua ụ nổi 83M. Với tội cố ý làm trái, Dương Chí Dũng phải chịu trách nhiệm cao nhất, chịu mức bồi thường nhiều nhất.

Đúng 14h, đại diện VKSND tối cao bắt đầu trình bày bản luận tội đối với Dương Chí Dũng và các đồng phạm.

Nhận định về hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, VKS cho rằng có 4 nhóm hành vi. Kiểm sát viên nhắc lại việc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các cấp dưới làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, quyết định đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M (tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng) trước khi dự án được Bộ GTVT cập nhật vào quy hoạch phát triển ngành hàng hải.

Nhóm hành vi thứ 2 là việc cố ý làm trái trong việc tổ chức mua bán, đầu tư ụ nổi 83M của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương. Các bị cáo đã không tuân thủ quy định đầu tư theo phương thức chào hàng cạnh tranh.

Trong thương vụ này, các bị cáo còn sai phạm khi quyết tâm mua ụ nổi 83M này thông qua trung gian là Công ty AP của Singapore thay vì mua trực tiếp của chủ ụ. Việc này khiến giá mua ụ chênh lên tới 6,7 triệu USD so với giá gốc 2,3 triệu USD Công ty Nakhodka bán.

Nhóm hành vi thứ 3 là về việc thanh toán duyệt chi tiền mua ụ nổi. Trách nhiệm của kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan thể hiện trong nội dung này. Hành vi của các bị cáo bị cho là trái luật thương mại, luật đấu thầu, luật kế toán.

Nhóm hành vi thứ 4 là về nhóm cán bộ hải quan đã cho thông quan khối sắt phế liệu khổng lồ mang tên ụ nổi 83M. VKS cáo buộc dù biết ụ nổi quá tuổi quy định của tàu biển, đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm môi trường nhưng vẫn cho thông quan món hàng này.

VKS cho rằng các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều tuy không bàn bạc với nhau nhưng cũng thỏa thuận, tiếp sức cho nhau để tổ chức việc đầu tư sai phạm. Sơn, Khang, Dương, Loan được cho là người tiếp nhận ý chí của các “sếp” lãnh đạo, góp phần làm cho hành vi sai trái xảy ra trót lọt, gây thiệt hại 366 tỷ đồng.

Nhận định đủ yếu tố kết luận hành vi của các bị cáo, VKS cho rằng đơn kháng cáo kêu oan của Mai Văn Phúc là không có cơ sở xem xét.

Dương Chí Dũng cười vui vẻ khi trò chuyện với vợ
Dương Chí Dũng cười vui vẻ khi trò chuyện với vợ
Dương Chí Dũng cười vui vẻ khi trò chuyện với vợ.

Không như buổi sáng, 13h45’ chiều, Dương Chí Dũng được đưa vào phòng xử án với đôi tay thảnh thơi, không phải mang còng.

Bị cáo quay người xuống hàng ghế dưới trò chuyện với vợ. Khi có thêm một cảnh sát bảo vệ ngồi cạnh, cựu Chủ tịch Vinalines vẫn tỏ ra khá thoải mái, tự nhiên nói chuyện.
Dân trí (Theo Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem