U60 chống... bia ôm

Chủ nhật, ngày 02/05/2010 09:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều năm nay, dân nhậu mê “gác tay” về huyện Tân Thạnh, Long An tìm đỏ con mắt cũng không thấy bất kỳ một quán đèn mờ nào, đó là nhờ sự đóng góp của hai người phụ nữ là “phó thường dân” của huyện.
Bình luận 0
img
Bà Thu (phải) và bà Dung tìm hiểu thông tin pháp luật trên mạng Internet.

Trong sản xuất, họ là những người hết mình vì công việc. Trong mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực họ sẵn sàng xả thân để tìm sự công bằng, ổn định cho xã hội. Họ được những người xung quanh trìu mến gọi là những “Bao Công” chân đất...

U60 vẫn sung!

Người dân ở thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) ai cũng biết hai người phụ nữ chuyên đấu tranh chống tiêu cực là bà Nguyễn Thị Thu và bà Lê Thị Lệ Dung. Hai bà đều đã “sồn sồn” ở hàng U60 nhưng rất hăng hái tham gia chuyện xã hội.

imgPhải tìm mọi cách để bảo vệ an toàn cho người tố cáo. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.img

Ông Vũ Tiến Chiến - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng

Thời trẻ, bà Thu là phát thanh viên đài huyện, còn bà Dung từng là thủ lĩnh TNXP, hoạt động tưng bừng thời chiến tranh biên giới Tây Nam và khai hoang Đồng Tháp Mười. Xong nhiệm vụ, 2 bà trở về với đời thường, ở nhà nội trợ và ra đồng làm... nông dân. “Máu” tham gia chuyện “quốc sự” đã ngấm từ thời trẻ nên không có việc xã hội nào ở địa phương mà 2 bà không tham gia.

Bà Thu tâm sự: “Người dân vùng Đồng Tháp Mười còn nghèo lắm. Vào quán ôm chỉ có cán bộ thôi chứ dân thường tiền đâu mà vô. Nếu cán bộ mà cứ mê bia ôm thì còn đâu thời gian mà lo cho dân. Ở đâu cán bộ uống bia ôm không biết, còn ở huyện này dứt khoát không được…”.

Nhưng đối đầu với tệ nạn xã hội là việc không dễ. Quán ôm nào cũng có lực lượng bảo kê, đụng tới họ chỉ có nước “ôm đầu máu”. Sau khi bàn bạc, 2 bà thống nhất phương án: Triệt nguồn khách của các quán ôm! Khách không còn, quán ôm sẽ tự động giải tán.

Để “đối tượng” khỏi chối cãi, 2 bà tự bỏ tiền túi ra sắm điện thoại di động có quay phim, chụp hình để quay các ông, và quay biển số xe. Hai bà xác định, chống tệ nạn nhưng cũng không được làm trái luật nên bà Thu có nhiệm vụ mua máy tính rồi nối mạng để thường xuyên vào nghiên cứu các bộ luật để không bị sơ hở trong quá trình đấu tranh.

Mật phục bắt “dế”

Năm 2006, hai bà thay phiên nhau ngồi “phục” trong bụi tràm từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, kết quả là một ông thanh tra cùng các thuộc cấp đã bị “chụp” tại đây. Chờ họ rồng rắn kéo đi “tăng hai”, hai bà lại quay phim chụp hình. Ngày hôm sau, toàn bộ tài liệu được trình lên lãnh đạo huyện. Vị thanh tra bị kỷ luật Đảng.

Rút kinh nghiệm từ vị thanh tra này, nhiều cán bộ khác đi xe ôm tới quán ôm, áo khoác bít bùng, khẩu trang đeo kín mít. Không chụp được mặt thì hai bà... chụp dép, sau đó cứ căn cứ vóc dáng từng ông rồi đem “đối chiếu” dép. Nhiều ông ban đầu cãi chày cãi cối, nhưng sau đó biết khó thắng nên phải thừa nhận và xin bỏ qua, hứa không tái phạm.

Năm 2007, 2008, nhiều quán ôm ở nơi khác kéo về Tân Thạnh mở “chi nhánh”. Họ bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư mặt bằng và thu hút em út trẻ đẹp. Tuy nhiên, không quán nào trụ nổi quá một tháng vì... ế.

“Mấy ngày đầu khai trương, tụi tui vô quán ngồi ở bàn ngoài kêu đĩa đậu phộng với mấy chai bia rồi ngồi đồng hàng tiếng đồng hồ. Nhiều cán bộ vừa thò mặt vào quán thấy chúng tôi đã vội rút ra ngay. Quán xá cứ thế mà... dẹp tiệm” - bà Thu kể lại.

Cứ quán nào thấy 2 bà chiều chiều "dòm ngó" thì một thời gian sau cũng tự "rút lui êm thấm". Hai năm nay, trên địa bàn thị trấn Tân Thạnh, nạn bia ôm coi như sạch.

Do nắm khá rành luật (chủ yếu nhờ tra sách và tìm trên mạng) nên nhà của 2 bà trở thành “địa chỉ đỏ” của rất nhiều nông dân. Nhiều người dân bị chèn ép, không dám lên tiếng đều nhờ 2 bà “hỏi giùm”.

Cử tri đặc biệt

Có lần, một vị đại biểu HĐND đã nhờ các bà... bênh vực vì bị xử ép chuyện đất đai. Đại biểu nọ không dám có ý kiến tự bảo vệ mình vì sợ bị đánh giá là cá nhân, nên nhờ 2 bà nêu lên trong lần tiếp xúc cử tri. Kết quả là nhờ sự đấu tranh của 2 bà mà quyền lợi của vị đại biểu nọ không bị xâm hại.

Hầu như không có cuộc tiếp xúc cử tri nào (của HĐND các cấp và của đoàn ĐBQH đơn vị Long An) tổ chức mà vắng mặt 2 bà. Có khi tiếp xúc cử tri tổ chức ở xã, 2 bà thuê xe ôm về dự. Lần nào cũng vậy, 2 bà đều có ý kiến phát biểu, việc hay ở địa phương cũng có, góp ý thiếu sót cho địa phương cũng có.

Đã thành “lệ”, dù 2 bà không đăng ký phát biểu thì chủ tọa cũng mời. Để có được những ý kiến xác thực, lãnh đạo dễ tiếp thu, 2 bà phải thường xuyên cập nhật thông tin về địa phương, rồi nghiên cứu pháp luật dựa vào sách, báo và tra cứu trên mạng.

Ông Huỳnh Văn Thừng - Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh và bà Nguyễn Thị Xuân Lan - Chủ tịch Hội LHPN huyện - ủng hộ và đánh giá cao công tác đấu tranh tích cực, góp phần làm sạch tệ nạn trên địa bàn của 2 người phụ nữ đặc biệt này. Hai vị lãnh đạo này đã cung cấp số điện thoại để 2 bà liên lạc ngay nếu phát hiện hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu dân hay những chuyện bức trong dân…

Trạm dừng chân của nhà báo

Từ trung tâm Long An về vùng Đồng Tháp Mười cả trăm km. Mấy năm trước, vùng đất muỗi kêu như sáo thổi này hiếm lắm mới tìm được một chỗ nghỉ trọ. Tuy nhiên, không có nhà trọ nào có kết nối Internet nên việc tác nghiệp của PV khi đến vùng này gặp khá nhiều khó khăn. Thế là, nhà của bà Thu với đầy đủ các phương tiện “tác nghiệp” (máy tính, máy in, máy fax, máy ghi âm, máy chụp ảnh…) trở thành “trạm dừng chân” của nhiều nhà báo khi đi công tác vùng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem