Nhớ lại về những khó khăn thời còn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vì cây ngô, lão nông Đoàn Văn Bường cho biết: “Là người từng trải, tôi biết bà con trồng ngô, trồng lúa đủ để ăn và nuôi sống gia đình đã khó chứ nói gì đến làm giàu. Sau khi thấy trồng ngô vất vả, nào là giá cả bấp bênh, đầu tư phân giống đắt, công sức bỏ ra thì nhiều nên gia đình tôi chán và từ bỏ”.
Vườn bưởi Diễn trĩu quả trồng được hơn 10 năm tại vườn nhà ông Bường.
Sau khi “quay lưng” với cây ngô, cây lúa, vợ chồng ông Bường chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng rau và "nuôi trồng lung tung" bưởi diễn, bưởi da xanh, hồng xiêm, nuôi ong mật... Mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ông đa dạng nguồn thu nhập, phân tán rủi ro...
Ngoài trồng cây ăn quả, trồng rừng, rau màu.. ông Bường còn phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình "trồng lung lung" độc đáo này, ông Bường vừa chia sẻ trước đây ông từng làm cán bộ khuyến nông nhưng sau đó ông xin nghỉ. Từ đó ông về quê cùng vợ xắn tay cuốc đất trồng cây, chăm rừng.
Ông Bường chia sẻ: "Nhiều người cứ bảo sao tôi không chuyên canh trồng hết bưởi hay hồng xiêm… gì đó mà lại cứ đi trồng nhiều loại khác nhau như thế cho khó chăm sóc, lơ mơ lại bần cùng. Tôi trồng vậy là cũng có lý do hết. Tôi muốn vườn nhà mình đa dạng và quanh năm được có sản phẩm để bán. Ngoài ra, nhờ mô hình xen canh này mà đàn ong mật của tôi phát triển hơn trước, mật hoa có quanh năm."
Trong vườn cây ăn quả, ông Bường thả nuôi nhiều đàn ong lấy mật.
Ngoài tất bật với vườn cây "trồng lung tung", ông Bường còn trồng rau màu trên đất ruộng. Với diện tích 5 sào ruộng, ông trồng hàng trăm gốc rau bò khai. Ông cũng trồng mướp đắng, bầu, bí đao... trên bờ liếp quanh ruộng.
Nhìn ruộng màu xanh tốt, có lẽ ai cũng hiểu đó là thành quả lao động cần mẫn của đôi vợ chồng quyết chí thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. “Con cháu thấy ông bà già yếu rồi khuyên không làm nữa, nhưng cái nghề nó ăn vào máu rồi, ngồi ở không thấy tay chân bứt rứt, đứng ngồi không yên...”, ông Bường cười đùa,
Mỗi năm thương lái đến tận vườn hái và thu mua bưởi Diễn, nhờ vậy lão nông cũng "hái" về hơn 30 triệu đồng/năm.
Theo ông Bường, trồng màu quan trọng nhất khâu chuẩn bị đất, phải xới, bón lót vôi, nấm để diệt mầm bệnh trong đất. Khi sử dụng thuốc trị sâu bệnh, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, để bầu, bí, dưa các loại có trái sai và thu hoạch liên tục, ngoài sử dụng các phân bón vi sinh hữu cơ, ông còn bắt ốc bươu vàng ở ruộng xung quanh bỏ vào gốc cây làm nguồn phân cho cây.
Ông cho biết: “Tôi chỉ giúp trồng, giúp chăm thôi còn khâu tiêu thụ thì do bà nhà tôi đảm nhiệm. Nhiều hôm 4h sáng đã phải lạch cạch xe đạp chở rau ra chợ thành phố rồi, mùa nào rau đấy nên phải đi chợ thường xuyên. Nhiều lúc tôi bảo mua cho xe cup hoặc xe đạp điện cho bà đi chợ nhưng bà ấy không chịu, chỉ thích đạp xe đạp thôi. Tháng phải đến 15 ngày là cắt rau đi chợ bán, mỗi ngày chợ cũng thu nhập 300.000 500.000 đồng”.
Mùa nào rau đấy, vườn rau nhà lão nông Bường luôn xanh mướt.
Theo ông Bường, với mô hình này thì chi phí đầu tư thấp nên có thể áp dụng được hầu hết ở các vườn cây ăn quả và vườn cây. Hiện nay, với diện tích 2ha rừng thông, hơn 120 gốc bưởi trong đó 70 gốc bưởi diễn đã cho thu hoạch, 100 gốc mận, cùng với các khoản thu từ trồng rau, nuôi ong lấy mật... 2 vợ chồng lão nông “hái” về khoảng 125 triệu đồng mỗi năm.
Vườn nhà ông Bường trồng đa dạng nhiều cây, xen nhiều loại cây ăn quả như bưởi, mận, hồng xiêm.. mang lại cho ông thêm nguồn thu nhập
“Phải công nhận một điều rằng, trồng cây ăn quả, rau màu không vất vả như trồng ngô, trồng lúa. Chỉ cần bỏ công sức và nắm thật chắc kỹ thuật chăm sóc thì cây sẽ cho trái ngon, rau ngọt. Chưa biết tương lai sẽ như thế nào nhưng hiện tại tôi đang “sống tốt” nhờ nguồn thu từ cây vườn cây lung tung của gia đình” – ông Bường phấn khởi chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.