Vừa phát hiện mắc bệnh ung thư, chồng đòi lập di chúc để căn nhà tôi đứng tên sổ đỏ cho em trai

Thứ năm, ngày 31/10/2024 00:18 AM (GMT+7)
Tôi đau đớn nhận ra 8 năm tình nghĩa đã trao đều bị chà đạp bởi sự toan tính của gia đình chồng.
Bình luận 0

Người đàn ông từng thề non hẹn biển yêu tôi, khi phát hiện mình bị ung thư, đã ngay lập tức yêu cầu lập di chúc để lại căn nhà cho em trai. Lý do của chồng tôi rất đơn giản, nếu anh ấy có mệnh hệ gì, chắc chắn tôi sẽ đưa con về nhà ngoại. Trong khi bố mẹ chồng đều đã già yếu, chỉ có thể dựa vào em trai để phụng dưỡng. Anh ấy muốn xin căn nhà cho em trai cũng là muốn bố mẹ có chỗ nương tựa lúc tuổi già.

Tôi không kìm nén được nỗi xót xa trong lòng, liên tục hỏi anh: "Anh đã lo liệu cho bố mẹ và em trai chu đáo rồi, vậy còn em và con gái thì sao?". Chồng tôi lảng tránh ánh mắt, không dám nhìn thẳng vào tôi, chỉ lí nhí nói: "Bố mẹ em điều kiện tốt, lương hưu cao, nuôi hai mẹ con em chắc không thành vấn đề".

Tôi chết lặng nhìn người đàn ông trước mặt, chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng và đau đớn đến thế. Sự ích kỷ của anh ta lúc này hiện rõ mồn một.

Mẹ chồng cũng khuyên tôi: "Vợ chồng vốn nên có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Nhà ngoại con điều kiện tốt. Còn chúng tôi với thằng út, đều trông cậy vào căn nhà này cả".

Em chồng cũng lên tiếng: "Chị dâu, em luôn coi chị như chị gái ruột. Anh trai em đã ra nông nỗi này rồi, chị hãy hoàn thành tâm nguyện của anh ấy đi. Em đảm bảo với chị, nhà sang tên em cũng chỉ là hình thức, đợi cháu gái lớn, lấy chồng rồi, em sẽ trả lại".

Vừa phát hiện mắc bệnh ung thư, chồng liền đòi lập di chúc để lại căn nhà cho em trai trong khi sổ đỏ còn đứng tên tôi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tôi im lặng nhìn những người nhà chồng đang ra sức thuyết phục mình, trong lòng cảm thấy lạnh lẽo vô cùng. Thì ra, 8 năm qua, tất cả sự chân thành tôi dành cho họ đều như muối bỏ bể. Ai nấy cũng đều đang nhăm nhe căn nhà của tôi.

Tôi không nói gì, lâu dần, nhà chồng bắt đầu tỏ ra bực tức, cho rằng tôi không thật lòng yêu thương con trai họ. Chồng cũng thường xuyên thở dài não nuột trước mặt tôi, nói rằng nếu anh ấy còn sống, anh ấy cũng sẽ không lập di chúc để lại nhà cho em trai.

Anh giờ không còn sống được bao lâu nữa nên chỉ muốn báo hiếu bố mẹ chút gì đó trước khi qua đời. Nhìn chồng bi lụy, tôi cũng thấy đau lòng. Chúng tôi đã từng yêu nhau say đắm 3 năm mới tiến tới hôn nhân. Vậy mà giờ đây, tình nghĩa vợ chồng đã phai nhạt quá nhiều.

Ngày tháng cứ thế trôi qua, nhưng tôi vẫn không chịu nhượng bộ. Chồng và nhà chồng đều sốt ruột, ai nấy đều tỏ thái độ khó chịu với tôi, cứ như thể tôi mới là người có lỗi.

Họ không chỉ lạnh nhạt với tôi mà còn đối xử tệ bạc với con gái tôi. Con bé đôi khi tủi thân đến mức khóc lóc kể với tôi rằng ông bà nội không thèm để ý đến nó, ngay cả chú út vốn rất thích chơi với nó cũng phớt lờ.

Nhìn con gái ấm ức, lòng tôi càng thêm đau đớn. Tôi biết họ làm vậy là để ép tôi gật đầu đồng ý. Tôi sẵn lòng cưu mang bố mẹ chồng và em chồng, cứ tưởng là một lòng tốt, ai ngờ họ lại nhắm vào căn nhà của tôi. Sức khỏe chồng tôi ngày càng yếu đi, nhưng tôi lại không dám đề nghị ly hôn. Trong thời điểm nhạy cảm này mà ly hôn, tôi e rằng sẽ bị dư luận lên án.

Nhưng nếu tôi không ly hôn, nhà chồng lại ngày ngày nói những lời mỉa mai, chồng cũng thờ ơ với tôi. Cứ như trong cuộc tranh chấp này, tôi mới là người có lỗi. Bị nhà chồng đồng loạt lạnh nhạt, tôi cũng nổi giận. 

Căn nhà này bố mẹ tôi cho tiền mua trước khi kết hôn, nhưng sau khi kết hôn, vì để tỏ thái độ tôn trọng chồng, tôi đã đi thêm anh vào sổ đỏ. Nửa năm sau, chồng đón cả bố mẹ và em trai đến ở cùng với lý do nhà đủ rộng, tôi cũng đồng ý. Thế mà giờ họ lại nghiễm nhiên coi đó là tài sản riêng, chồng gạt vợ ra, để lại cho em trai chồng là điều hiển nhiên?

Tôi uất nghẹn trong lòng, đề nghị ly hôn với chồng. Lúc đầu nhà chồng còn cứng rắn, nói tôi muốn ly hôn thì ly hôn, để xem ai là người chịu điều tiếng nhiều hơn. Đến khi thấy tôi thật sự ngồi viết đơn thì hốt hoảng, vội vàng xin lỗi, nói rằng họ không có ý đó, chỉ là không muốn con trai cả ra đi mà còn vướng bận. Họ mong tôi đừng ly hôn, con trai cả vẫn cần vợ con ở bên.

Nghe những lời mẹ chồng nói, tôi mới bừng tỉnh. Nhà chồng quả thật đang thử thách giới hạn của tôi. Một khi tôi mềm lòng đồng ý, có lẽ tôi sẽ mất trắng căn nhà. Dù từng rất thương người đàn ông đang bị bệnh tật hành hạ này, song tôi vẫn rất giận. 

Bố mẹ tôi giàu có, nhà cửa rộng rãi, lại có mình tôi là con gái, nếu tôi quay về sống với bố mẹ thì sau này vẫn có chỗ nương tựa. Nhưng như thế này thì cũng thật quá uất ức, thế nên tôi muốn ly hôn.

Tuy nhiên, bố mẹ tôi lại khuyên can, nói rằng tôi mà ly hôn lúc này, chẳng khác nào tự chuốc lấy tiếng xấu, bỏ chồng lúc hoạn nạn. Nếu tôi làm thật, những lời đàm tiếu của mọi người xung quanh sẽ khiến tôi gục ngã.

Nhìn người đàn ông nằm trên giường bệnh, bị bệnh tật giày vò nhưng vẫn không ngừng thúc giục tôi sang tên căn nhà cho em trai, lòng tôi rối bời. Mọi người cho tôi hỏi, tôi có nên nhượng bộ, thỏa mãn tâm nguyện cuối đời của chồng không? 

Ngọc Thương (Theo Thanh niên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem